Sự thật khó tin đang "điên cuồng" diễn ra trên đồi Bò Lạc

LN |

Nhìn khu nhà xưởng rộng lớn dần định hình trên trảng đồi trơ lốc, những người dân xóm Khăm nghẹn đi trong nước mắt: Vậy là xóm bản từ nay đổi khác. Thế nhưng, chỉ toàn "bánh vẽ"...

“Tương lai sáng" nơi sườn đồi

Con đường đất dẫn vào xóm Khăm (xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) như khẳm thêm nỗi nhọc nhằn gian khó sau cơn mưa rừng dai dẳng của tiết giao mùa.

Vừa cố công cứu chiếc xe của chúng tôi khỏi đám sình lầy, anh Bùi Văn Muôn (26 tuổi, người địa phương) vừa lúng búng phân trần bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ:

“Trước đây đường đất được lu thẳng lắm, xe chạy một mạch là đến cuối xóm. Nhưng kể từ ngày có cái nhà xưởng trên đồi, xe tải vào ra phá nát hết cả”.


Những người dân bản đang cố công giúp chiếc xe của chúng tôi thoát khỏi vũng lầy

Những người dân bản đang cố công giúp chiếc xe của chúng tôi thoát khỏi vũng lầy

Không chỉ riêng anh Muôn, nhiều người dân bản xóm cũng tỏ rõ vẻ bối rối khi chứng kiến những bánh xe cứ quay tít giữa vũng bùn. Họ vội túa ra tứ phía. Cuốc xẻng, gạch đá, rơm rạ được đưa đến để cùng ứng cứu.

Chiếc xe cuối cùng cũng vẫy vùng thoát khỏi sự cố. Những gương mặt lấm lem khắc khổ rồi cũng sáng rạng lên, họ chào đón chúng tôi - những người phương xa - theo cách thực thà của bà con dân tộc thiểu số.

Bên chiếc bàn gỗ xỉn màu mòn vẹt, những bức xúc dồn nén cứ thông thống tuôn trào theo theo làn hơi sệt quánh của cốc trà nóng pha vội. Dân bản đưa cho chúng tôi một sấp đơn thư, những giận giữ được trút xuống trang giấy ô li học trò...


Đơn phản ánh của người dân xóm Khăm về những bất cập tại cơ sở sản xuất trên đồi Bò Lạc

Đơn phản ánh của người dân xóm Khăm về những bất cập tại cơ sở sản xuất trên đồi Bò Lạc

Theo đó, vào cuối năm 2014, bỗng từ đâu về nhiều người lạ mặt. Họ đi cùng ban lãnh đạo xã Bình Sơn, chỉ trỏ, kẻ vẽ và hứa hẹn sẽ làm sáng bừng bộ mặt của thôn bản trong tương lai không xa.

Niềm vui càng vỡ òa khi ngay sau đó, người dân thấy nhiều chuyến xe chở vật liệu ùn ùn kéo đến. Một nhà xưởng quy mô lớn gần 6000 m2 dần dần được định hình trên trảng đồi trọc đất đỏ ở cuối xóm có tên gọi Bò Lạc.

Lãnh đạo doanh nghiệp hứng khởi thuyết trình với chính quyền xã, chính quyền xã mừng vui thông báo lại với người dân:

"Trên ấy là Cơ sở Sản xuất, Nghiên cứu Thực hiện công nghệ sinh học an toàn hiệu quả của Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Môi trường (Trung tâm PTKHCN&MT - thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Công nghệ tỉnh Hòa Bình)".

Khi đi vào hoạt động, cơ sở sẽ nghiên cứu và sản xuất ra các nguyên vật liệu vi sinh, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho nông nghiệp hữu cơ tỉnh nhà và các địa phương lân cận.


Mục đích dự án là sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường

Mục đích dự án là sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường

Không những thế, với quy mô lớn và công nghệ tiên tiến, cơ sở của bà giám đốc có tên Sa Thị Bình Minh này cũng hứa hẹn phát huy hiệu quả kinh tế lớn ngay trong năm đầu, đóng góp ngân sách và tạo công ăn việc làm (khoảng 20 người/ năm) cho người địa phương.

Chính vì những lời có cánh ấy, bất chấp những con đường ngày càng oằn mình sụt lún, từ xã đến thôn, tất thảy đều mừng vui và tạo điều kiện hết mực cho mọi hoạt động xây dựng và sản xuất của khu nhà xưởng, hướng mắt dõi theo những lợi ích lâu dài.

Khi niềm tin bị phản bội

Thế nhưng niềm tin vững chãi về một khát vọng đổi đời của mỗi người dân xóm Khăm, về một viễn cảnh thôn bản được choàng lên tấm áo mới hồng da thắm thịt đã nhanh chóng bị cơ sở sản xuất của bà Minh hất đổ chỉ sau vỏn vẹn 2 tháng đi vào hoạt động thử nghiệm.


Những lời có cánh đã được vẽ ra trên giấy để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương

Những lời có cánh đã được vẽ ra trên giấy để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương

Bắt đầu từ những mùi hôi hám nồng nặc đến ngộp thở bốc lên từ phía đồi Bò Lạc. Cuộc sống sinh hoạt của người dân bản xứ cứ thế bị đảo lộn đi theo những những chuyến xe lặc lè chứa đầy hóa chất vút đi trong đêm tối.

Môi trường nước - không khí - đất đai có dấu hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những ngày nắng, người dân khó thở, ho sù sụ vì mùi thuốc, trẻ con kêu khóc suốt đêm vì khó ở, mẩn ngứa khắp người vì nguồn nước.

Còn những ngày mưa, nước từ nhà máy tràn ra khiến cá tôm chết hàng loạt. Người dân đi làm đồng bị xước chân, tiếp xúc với nguồn nước nhiễm độc thải ra từ nhà máy cũng phải vội vào trạm xá cấp cứu.


Những vết mẩn ngứa trên được kết luận là do nhiễm độc hóa học thuốc Bảo vệ thực vật

Những vết mẩn ngứa trên được kết luận là do "nhiễm độc hóa học thuốc Bảo vệ thực vật"

Đến lúc đó, những người bản xứ chân chất mới thảng thốt nhận ra rằng đằng sau vỏ bọc một dự án công nghệ vì môi trường, cơ sở của Trung tâm PTKHCN&MT chỉ là một cơ sở sản xuất thô sơ, sang chiết thuốc trừ sâu - bảo vệ thực vật trái phép không hơn không kém.

Chỉ tay về phía cuối con đường đất đỏ, nơi có xưởng sang chiết, anh Muôn bức xúc: "Nhiều hôm cả nhà tôi đang ăn cơm, mở cửa ra là mùi hôi xộc vào nhà nên đành gác đũa. Mùi thuốc sâu cũng làm cho mấy người trong xóm say thuốc bị ngất do hít phải."


Nhiều thùng hóa chất được vứt lăn lóc ngoài khuôn viên khu nhà xưởng, không được bảo vệ đúng mực

Nhiều thùng hóa chất được vứt lăn lóc ngoài khuôn viên khu nhà xưởng, không được bảo vệ đúng mực

Đặc biệt hơn còn có 2 vợ chồng người bản xứ - do đặc thù công việc - bị nhiễm độc nặng đến mức phải vào bệnh viện đa khoa huyện Kim Bôi để điều trị dài ngày.

"Chúng tôi làm được 8 ngày thì xuất hiện những triệu trứng đau đầu, buồn nôn, khó thở, người nổi mẩn khắp người phải bỏ làm đi nằm viện. Đến nay dù về nhà gần nửa tháng rồi nhưng người vẫn bị nổi mẩn", người chồng thở dài nói.


Bên trong khu nhà xưởng được quảng cáo là công nghệ cao chỉ là bạt ngàn những thùng hóa chất cùng các thiết bị sang chết thô sơ (ảnh tư liệu)

Bên trong khu nhà xưởng được quảng cáo là công nghệ cao chỉ là bạt ngàn những thùng hóa chất cùng các thiết bị sang chết thô sơ (ảnh tư liệu)

Niềm tin vỡ vụn trước sự thật trần trụi dần bị phát lộ theo thời gian, những người con xóm Khăm vốn hiền lành bỗng trở lên giận giữ và kiên cường, đã quyết kiến nghị lên UBND xã Bình Sơn đòi câu trả lời thỏa đáng.

Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng chẳng vì thế mà thuyên giảm, bà Sa Thị Bình Minh trong các giải trình với chính quyền xã vẫn cam kết đang, đã và sẽ thực hiện đúng những cam kết của mình trong dự án "tuyệt vời" được phê duyệt.

Quá bức xúc, tối 17/9, người dân đã quyết định chặn một xe tải vừa đi từ xưởng sản xuất ra để yêu cầu làm rõ xem hóa chất trên xe là gì. Sự tức giận dồn nén lại như lửa bị đổ thêm dầu khi lái xe quyết định lách đám đông để bỏ trốn.

Lúc này, trước tình huống cấp bách, chính quyền xã đã ngay lập cử người xuống giải tán đám đông, lập biên bản hiện trường và cũng là lúc toàn bộ sự thật được phơi bày.

Trên xe chỉ toàn các vỏ bao thuốc trừ sâu. Bằng chứng không thể chối cãi cho việc sang chiết, sản xuất thuốc trừ sâu trái phép.


Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Bùi Văn Đông tỏ ra buồn bã với những gì vừa xảy đến với địa phương

Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Bùi Văn Đông tỏ ra buồn bã với những gì vừa xảy đến với địa phương

Trao đổi với PV xung quanh câu chuyện này, ông Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Bùi Văn Đông xác nhận toàn bộ sự việc xảy ra hôm 17/9. Ông buồn bã nói:

"Chúng tôi cũng chỉ mong người ta về làm giàu cho địa phương, giải quyết nguồn lao động cho bà con. Ai ngờ sự thể lại như thế".

Theo lời vị chủ tịch xã, sau khi sự cố xảy ra, xưởng sản xuất nói trên vẫn đang bị "treo", chưa được phép hoạt động trở lại.

Ông Đông cũng không thông tin cụ thể về mức xử phạt dành cho đơn vị này, chỉ nói ở cấp xã ông không có nhiều thẩm quyền, đồng thời từ chối giải thích tại sao giữa xã Bình Sơn lại mọc lên một "khối ung nhọt" bất cập đến nhường ấy.

"Chúng tôi cũng đã gửi báo cáo lên các cơ quan cấp trên, trong đó có phần ghi kiến nghị của bà con về việc muốn trục xuất cơ sở này khỏi địa phương vĩnh viễn", ông nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại