Công Thần miếu có lối kiến trúc kiểu đình làng Nam Bộ, kèo cột đều bằng gỗ lim, rui mè bằng gỗ tốt, được chạm trổ khéo léo, tinh xảo. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi, miếu Hội đồng Vĩnh Long được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) bên bờ sông Cổ Chiên, thuộc thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình (nay là TP Vĩnh Long).
Công Thần miếu (Vĩnh Long) là nơi duy nhất trong cả nước còn lưu giữ được 85 đạo sắc của nhà Nguyễn cấp dưới thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức. Tuy nhiên, toàn bộ 85 đạo sắc hiện nay đều là phó bản vì các bản chính đã mất từ năm 1843 do chiến tranh, loạn lạc...
Trong 85 bản đạo sắc ấy phong cho 34 thần hiệu, có thần hiệu phong cho một vị thần nhưng cũng có thần hiệu phong cho hai hoặc ba vị thần. Đây là hệ thống thần linh ở địa phương là những danh nhân sinh tiền có công với đất nước.
Hằng năm, miếu Công Thần có các ngày lễ hội lớn, đặc biệt là lễ Xuân Tế là lễ quan trọng nhất tại miếu Công Thần. Lễ này kéo dài bốn ngày từ 14 đến 17 tháng 2 (âm lịch). Đây là dịp ban quý tế miếu Công Thần thực hiện nghi thức thỉnh và khai 85 đạo sắc bằng các nghi lễ truyền thống rất trang trọng.
Năm 1867, thực dân Pháp chiếm xong toàn Nam Kỳ, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, nhà cầm quyền Pháp đã sai dân phu đến tháo dỡ ngôi miếu Hội đồng để lấy gỗ xây Tòa bố Vĩnh Long. Mãi đến năm 1915, do ảnh hưởng từ phong trào chấn hưng văn hóa và cảm kích trước sự nghiệp của tiền nhân, bà Trương Thị Loan (con gái bá hộ Trương Ngọc Lang) và bà Lê Thị Danh (vợ Đốc phủ Phạm Văn Tươi) cùng thân hào, nhân sĩ Vĩnh Long vận động xin tái lập miếu Hội đồng. Hiện tại, ngôi miếu vẫn còn lưu giữ nguyên bản giấy phép chấp nhận cho khôi phục lại ngôi miếu do thống đốc Nam Kỳ ký ngày 27-4-1918.
Tương truyền rằng nơi ngôi miếu tọa lạc còn là nơi có vị trí chiến lược quân sự đặc biệc nên các quan chức nhà Nguyễn cho đào hào dựng lũy, lập đồn canh và bố trí nhiều khẩu đại bác. Công Thần miếu vừa là nơi thờ phụng, vừa là đồn lính và cũng là chỗ khao quân (vì vậy ngôi miếu còn được dân gian gọi là đình Khao).
Những khẩu đại bác sau này cũng bị quân Pháp phá hủy. Hiện nay, hai khẩu đại bác đặt hai bên cột bia ghi tên miếu chỉ là phiên bản được phục dựng lại.
Đặc biệt, trong sân miếu còn có cả một ban thờ hai viên đạn đặt trên một mảnh vỡ của khẩu đại bác có từ thời Nguyễn.
Bàn thờ “đặc biệt” này được canh giữ bởi đôi kỳ lân tạc bằng gốm sứ, có tuổi đời gần 100 năm.
Theo các cụ lớn tuổi trong ban quý tế Công Thần miếu thì mảnh vỡ của khẩu đại bác cùng hai viên đạn sắt được người dân chài lưới vớt được từ dưới lòng sông Cổ Chiên và đem vào miếu thờ cúng như muốn lưu giữ lại những kỷ vật, là những chiến tích oai hùng chống giặc xâm lược của cha ông ngày xưa.
Ngoài ra, ngôi miếu còn có một am nhỏ thờ những thanh niên Vĩnh Long tử trận khi sang châu Âu tham gia Chiến tranh thế thới lần thứ I (1914-1918). Có thể nói miếu Công Thần Vĩnh Long là một “tượng đài” văn hóa của vùng đất miền Tây sông nước, là nơi chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Vĩnh Long.