Dị nhân 1 phút "trút ruột gan" về lá thư thứ 2 từ Nga

Đoàn Dự |

Liên tiếp phải nhận những hoài nghi từ Nga về vấn đề bằng cấp của mình, “Dị nhân 1 phút” Lương Ngọc Huỳnh đã chia sẻ rất kĩ càng, mong mọi chuyện dừng lại.

Sau lá thư thứ 2 từ Nga, chúng tôi đã liên hệ lại với Chưởng môn Lâm Sơn ĐộngLương Ngọc Huỳnh để hỏi về những thắc mắc của độc giả.

Đón tiếp câu chuyện một cách bình thản, Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ lần này anh muốn nói thật kĩ về mọi vấn đề, để không có thêm những nghi vấn nào nữa.

"Tôi không mất 1 xu để được liệt tên vào cuốn Những con người của thiên niên kỷ chúng ta"

Liên quan tới nghi vấn phải mất tiền mới được đề tên trong cuốn sách Những con người của thiên niên kỷ chúng ta, Lương Ngọc Huỳnh khẳng định anh không bỏ một xu nào để được viết về mình trong đó.

“Khi tôi mới sang Nga hoạt động trong ngành y, ngoài khả năng thực sự thì còn gặp khá nhiều cơ may. Thời điểm đó, tôi từng chữa bệnh cho không ít nhân vật tên tuổi tại Nga (ví dụ cựu thị trưởng Moscow - Y.Luzkov) và làm việc ở bệnh viện Tổng thống.

Lúc đó, có 3 bệnh viện mang tên Tổng thống, thì tôi chọn bệnh viện ở nơi có đông dân cư nhất để làm việc, hòng giúp đỡ được nhiều người hơn.

Nhờ những hoạt động của tôi khi làm việc trong lĩnh vực y tế bên đó, nên mới được lựa chọn, lưu danh trong cuốn Những con người của thiên niên kỷ chúng ta. Lã Đình Quang khi đó là trợ lý của tôi nên nhờ vậy cũng được lưu tên theo.

Cũng cần phải nói rằng, ngoài khả năng y thuật thì tôi cũng gặp không ít may mắn, mới đạt được những thành tựu về y học ở bên Nga.

Đó là sự may mắn khi tôi được giới thiệu chữa bệnh cho các nhân vật nổi tiếng, có cả chính trị gia bên Nga. Và cũng may mắn là khi tôi chữa cho họ, đa phần đều thành công nên tên tuổi cũng lan xa trong thời gian ngắn”.


Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh chụp ảnh với một nhân vật cao cấp thuộc Học viện xã hội an ninh quốc gia.

Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh chụp ảnh với một nhân vật cao cấp thuộc Học viện xã hội an ninh quốc gia.

Theo Lương Ngọc Huỳnh kể, đích thân người phụ trách trưởng xuất bản cuốn Những con người của thiên niên kỷ chúng ta đã vài lần tới nhà anh, nghe kể chuyện để viết lại, rồi cho người chụp ảnh chân dung đăng bài.

Tuy nhiên với việc nhiều nhân vật trong bộ sách này bị bóc mẽ phải dùng tiền để "chạy" chỗ trên mặt giấy, người ta vẫn đang đặt câu hỏi về tính trong sáng, giá trị lịch sử của một "Bách khoa thư kiểu mới" về những con người quan trọng của thiên niên kỉ.

Về huân chương Nicolai Pirogov

Khi được hỏi về vấn đề liên quan tới huân chương Nicolai Pirogov (ở Nga chỉ có 2 loại, và cả 2 đều không phải do nhà nước tạo ra), Lương Ngọc Huỳnh nói:

“Nhờ những cống hiến về y thuật khi ở bên đó, tôi được Học viện xã hội an ninh quốc gia tiến cử nhận huy chương này.

Trong buổi lễ trao huân chương, còn có đài truyền hình đến quay. Còn về nguồn gốc của huân chương thì tôi không để ý. Bởi Học viện xã hội an ninh quốc gia trao cho tôi, thì họ phải có trách nhiệm bảo đảm về huân chương đó”.


Lương Ngọc Huỳnh luôn tự hào khẳng định những gì mình đạt được là nhờ nỗ lực cá nhân một cách trong sáng.

Lương Ngọc Huỳnh luôn tự hào khẳng định những gì mình đạt được là nhờ nỗ lực cá nhân một cách trong sáng.

Lật ngược lại những vấn đề bị độc giả nghi ngờ trước đây, Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh tiếp:

“Nói lại câu chuyện liên quan tới võ thuật mà tôi khẳng định đã đánh trên 1000 trận, không lần nào quá 1 phút thì đó là từ những năm 90. Thời ấy, tôi đi mở võ đường ở các nơi, không khi nào không có người tìm tới thách đấu.

Gần như ngày nào cũng có người đến đòi giao đấu, đỉnh cao có ngày tôi đánh 2 trận. Bố mẹ tôi khi đó còn có lúc buồn, khóc vì con mình phải giao đấu quá nhiều. Tôi đã đánh như vậy trong nhiều năm, tính ra nói 1000 trận còn ít”.

Liên quan tới Học viện xã hội an ninh quốc gia, Lương Ngọc Huỳnh khẳng định đó không phải tổ chức thuộc nhà nước, nhưng là do những tướng tá cấp cao của Nga đứng ra, thành lập với nhiệm vụ cố vấn an ninh cho chính phủ.

Chưởng môn Lâm Sơn Động cũng khẳng định lại, Viện Hàn lâm Chiêm tinh Mông Cổ - nơi đã trao cho anh danh hiệu Viện sĩ có trụ sở ở Mông Cổ, chứ không phải tại Hoa Kì như anh từng chia sẻ.

Ngoài danh hiệu từ Mông Cổ, Lương Ngọc Huỳnh còn được Viện Hàn lâm Quốc tế Tiệp Khắc phong Viện sĩ (cũng là một tổ chức xã hội, không phải nhà nước).

“Lúc họ phong cho tôi làm Viện sĩ, tôi còn nghĩ chắc chỉ là Viện sĩ danh dự thôi. Khi đó tôi có nói đùa với người bên họ, thì nhận được câu trả lời đó là danh hiệu Viện sĩ thật sự, chứ không phải chỉ là danh dự” – Lương Ngọc Huỳnh kể.

Sau khá nhiều chia sẻ, Ngọc Huỳnh khẳng định anh có rất nhiều bạn bè ở nước ngoài, muốn về Việt Nam cống hiến tài năng, tâm huyết. Nhưng chính việc trở lại Việt Nam là lập tức bị nghi ngờ về khả năng, bằng cấp nên họ đã chùn chân.

Bản thân anh cho hay dù có bị nghi ngờ như thế nào, vẫn luôn cống hiến cho quê hương, đất nước. Đồng thời, Lương Ngọc Huỳnh cũng kêu gọi những ai có tài, hãy về giúp đỡ dải đất chữ S.

“Tôi cho rằng những cuộc tranh cãi này thật vô bổ. Điều quan trọng là tôi sẽ làm được những gì. Hãy nhìn vào những gì tôi làm được, để đánh giá tôi, thay vì nghi ngờ về vấn đề bằng cấp.

Tôi xin kêu gọi những ai có tài, hãy cùng đứng ra xây dựng đất nước. Đất nước ta còn nghèo và rất cần những người tài hỗ trợ nhân dân".

Về vấn đề đuổi mưa, Lương Ngọc Huỳnh cũng khẳng định lại chắc nịch:

“Thay vì nghi ngờ tôi có phải đã đuổi được mưa hay không, thì các bạn có thể chờ những sự kiện sau này, nghe tôi dự đoán, đuổi mưa sẽ rõ thôi!”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại