Ông Dương Trung Quốc nói về cáo buộc “tôn vinh thầy bói"

Hoàng Đan |

Ông Dương Trung Quốc khẳng định, không có chuyện vinh danh ông Phan Bá Huỳnh mà ở đây Ban tổ chức chỉ trao chứng nhận sự đồng hành của ông với chương trình.

Thông tin ông Phan Bá Huỳnh (xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đăk Lăk), một người hành nghề "thầy bói" được xướng danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam như một gương mặt tiêu biểu đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Để làm rõ thực hư thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Trung Quốc, người đã trao "bằng" cho ông Phan Bá Huỳnh trong chương trình trên.

Theo ông Quốc, ông đã nắm được thông tin trên và ông Huỳnh không có tên trong danh sách được vinh danh mà đây chỉ là sự ghi nhận những đóng góp, đồng hành của ông này đối với chương trình.

Theo ông Quốc, chương trình Vinh quang Việt Nam được tổ chức để vinh danh những địa đầu của Tổ quốc, những người có công và đây là chương trình xã hội hóa, không sử dụng ngân sách.

"Trong chương trình, những người được vinh danh đều được giới thiệu ngay từ đầu và trao tặng biểu tượng vàng Quốc huy Việt Nam rất đàng hoàng.

Còn ông Phan Bá Huỳnh cũng như nhiều người khác là những người đồng hành, đóng góp với chương trình và họ chấp nhận một sản phẩm văn hóa Việt Nam còn hơn là dùng tiền đi mua những thứ lai căng.

Ông ấy là một công dân đang làm việc bình thường, nhưng nếu có sai phạm thì pháp luật sẽ xử lý.

Ở đây, bất kỳ ai ủng hộ chúng tôi đều ghi nhận còn ở đây chúng tôi ghi nhận những người đồng hành trong sự kiện đó, để xã hội hóa, tạo nguồn lực tổ chức, thì lẽ ra phải nói xem chúng tôi đúng hay sai.

Còn dựa vào đâu có thể nói một công dân người ta phạm pháp", ông Quốc nói.


Ông Quốc trao chứng nhận sự đồng hành, đóng góp cho ông Huỳnh. Ảnh: Dân Việt.

Ông Quốc trao chứng nhận sự đồng hành, đóng góp cho ông Huỳnh. Ảnh: Dân Việt.

Cũng theo ông Quốc, có thể có người nói ông Huỳnh mê tín thì là việc của họ nhưng không thể chứng minh ông này là vi phạm và thực tế, ông này vẫn sống, làm việc.

"Mục đích của chúng tôi trong mấy năm nay là tạo ra sản phẩm văn hóa để tôn vinh những vấn đề văn hóa dân tộc, trong khi đó, chúng ta không có người ta phải đi dùng cái này, cái kia.

Từ trống đồng đến làm Quốc huy, biểu tượng thánh Gióng là khuyến khích cái đó.

Những người ủng hộ thì mình phải ghi nhận, trân trọng người ta. Còn thực tế, thì mình làm sao có thể biết được người ta là ai nhưng ở đây, khi nghe thông tin, bên ban tổ chức đã cử người đi tìm hiểu và người ta không phải là người phạm pháp.

Mỗi một người dân quan tâm đến sản phẩm văn hóa Việt thì chúng tôi rất hoan nghênh", ông Quốc nhấn mạnh.

Chưa liên hệ với ban tổ chức

Ông Quốc cũng cho biết, ban tổ chức đã lường trước những điều không hay có thể xảy ra nên đã yêu cầu bộ phận tổ chức phải kiểm tra và rất minh bạch.

"Chúng tôi đã yêu cầu bộ phận tổ chức là không được ép những người tham gia đóng góp, đồng hành mà phải để họ tự nguyện làm.

Thứ hai là những vấn đề liên quan đến quy định của Nhà nước như thuế... phải nghiêm chỉnh. Còn làm sao chúng tôi biết được người này là thế nào.

Bởi vì chúng tôi đâu có vinh danh gì họ về mặt Nhà nước mà chỉ ghi nhận họ ủng hộ cho chương trình", ông Quốc chia sẻ thêm.

Cùng với đó, ông Quốc cũng cho biết thêm, thông tin được đăng tải về việc "tôn vinh" ông Huỳnh đã bị hiểu sai và trước đó, cũng không hề trao đổi lại với ban tổ chức chương trình để có thông tin chính thức.

"Chúng tôi không e ngại việc phê bình nếu chương trình sai nhưng cần phải đi tận nơi, gặp ban tổ chức để tìm hiểu xem mục đích, cụ thể như thế nào", ông Quốc chia sẻ.

Đã nhiều năm, chương trình Vinh quang Việt Nam trở thành sự kiện văn hóa, chính trị được công chúng quan tâm.

Năm 2015, chương trình "Vinh quang Việt Nam" với chủ đề : "Vì hòa bình thịnh vượng, tôn vinh tình yêu đối với dân tộc, tình yêu đối với Tổ quốc" diễn ra vào ngày 16/8 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Báo CAND, Báo Đại đoàn kết, VTV, ANTV và Công ty Hữu Nghị Á Châu phối hợp tổ chức.

10 gương mặt tiêu biểu, đại diện các địa danh biên cương, biển đảo gồm: Trung tá Nguyễn Hồng Phong, Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú; ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái (Quảng Ninh).

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển ( Cà Mau); ông Võ Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng); ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, bộ đội tham gia chiến trường, Tổng giám đốc Tổng Công ty 36-Bộ Quốc phòng, đại diện tập thể Anh hùng Lao động.

Thượng úy Bùi Ngọc Đông (Phòng An ninh dân tộc, công an tỉnh Gia Lai); Đại úy Lầu A Chứ ( Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Điện Biên).

Đại tá Đoàn Xuân Trường (Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Sóc Trăng). 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại