"Trăn trở" của dư luận về ngành được lấy ý kiến phong anh hùng

Pha Lê |

Tập đoàn điện lực Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều thành tích xuất sắc nhưng cũng có không ít những "lùm xùm" khiến dư luận bức xúc.

Thông tin về việc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân đối với việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nhiều người nhắc đến EVN không phải bởi những thành tích đáng ghi nhận của “nhà đèn” mà bởi “ông trùm” điện lực này trong thời gian vừa qua đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận.

Công không ít...

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tập đoàn nhà nước này đã có nhiều đóng góp tích cực nhằm cải thiện nguồn cấp điện cho người dân.

Thời gian qua, EVN đã có nhiều nỗ lực trong việc điện khí hóa nông thôn và đưa điện vùng sâu, vùng xa bằng cáp ngầm ra các huyện đảo.

8/12 huyện đảo được cấp điện và 98,22% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.

Đặc biệt, các dự án đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngần ra huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) do EVN thực hiện đã nhận được nhiều ủng hộ cũng như ngợi khen.

Điều này nhằm tạo ra những điều kiện cơ bản để cải thiện cuộc sống của người dân ở những khu vực này, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đồng thời góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng.

Nhà máy thủy điện Sơn La được khánh thành 12/2012, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng điện trung bình năm 10,2 tỷ kWh đã góp phần đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện tăng cao của cả nước.


Nhà máy thủy điện Sơn La

Nhà máy thủy điện Sơn La

Bên cạnh đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện thời gian tiếp cận điện năng đối với khách hàng đấu nối lưới điện trung áp.

Từ mức 155 ngày, trong 5 năm (2011 - 2015), đơn vị này đã cam kết giảm xuống còn còn 10 ngày.

Chính vì những đóng góp như vậy mà EVN đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, huân chương cao quý.

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Huân chương Hồ Chí Minh (1996), Huân chương Sao vàng (2004), danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

...“tội” cũng nhiều

Dù có nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng tập đoàn này cũng mắc không ít “lùm xùm” khiến nhiều người dân cảm thấy “trăn trở” và có phần thất vọng.

Đầu tháng 3/2015, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, đại diện của EVN đã đưa ra đề xuất điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh.

Mục đích của việc tăng giá này là nhằm đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại, đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là dù điện tăng 7,5% nhưng hóa đơn tiền điện của các hộ dân hầu hết đều tăng cao.

Có hộ gia đình tăng đến cả 100% dù nhu cầu sử dụng cũng không thay đổi gì so với trước khi điều chỉnh giá.

Lý giải về hiện tượng hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, đại diện ngành điện cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết đột ngột chuyển nóng nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Thế nhưng, cách tính giá “lạ lùng” của "nhà đèn" mới chính là nguyên nhân khiến giá điện sinh hoạt của người dân “nhảy múa”.

Mặc dù thời điểm thay đổi giá điện là giữa tháng nhưng phía điện lực đã sử dụng phương pháp “tính loại suy”, áp giá điện tại thời điểm trước và sau khi điều chỉnh giá theo cả 6 bậc thang.

Điều này khiến người dân "nổi giận" với những tờ hóa đơn điện bỗng dưng tăng đột biến.

Không chỉ có như vậy, việc sử dụng “gậy tự sướng” công nghệ cao nhưng tình trạng viết nhầm chỉ số công tơ của EVN cũng khiến không ít hộ gia đình ngao ngán.

Đơn cử như trường hợp anh Lê Quang Hưng ở Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) có hóa đơn tiền điện tháng 6/2015 cao gấp 2 – 3 lần so với các tháng trước.

Cụ thể, tiền điện tháng 6 của gia đình anh Hưng lên đến gần 900.000 đồng. Trong khi mức sử dụng hằng tháng dao động khoảng 300.000 - 600.000 đồng.

Theo đó, chỉ số trên hóa đơn chốt ngày 5/7 là 9191 nhưng kiểm tra thực tế trên đồng hồ ngày 6.7 mới chỉ 9032, tức là chỉ số trên hóa đơn cao hơn thực tế 159 kWh.

Lý giải về trường hợp này, đại diện EVN co biết: “Do thao tác nhập chỉ số vào máy tính có sai số... dẫn đến nhầm chỉ số của khách hàng”.

Trước đó, năm 2014, người dân ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng phát hiện hơn 220 trường hợp bị ghi sai số công tơ, làm tiền điện tăng đột biến.


Nhân viên điện lực dùng gậy tự sướng viết chỉ số công tơ điện

Nhân viên điện lực dùng "gậy tự sướng" viết chỉ số công tơ điện

Ngoài ra, năm 2013, đơn vị này còn từng bị phanh phui việc tính giá biệt thự, giá sân golf vào trong giá thành điện.

EVN tính hạch toán một số hạng mục xây dựng bể bơi, sân quần vợt 595 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của sáu dự án nguồn điện.

Và mới đây nhất, đại diện ngành điện này bị lên án vì việc mua điện từ Trung Quốc giá rẻ nhưng lại bán lại cho người dân với mức giá cao.

Giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua chỉ 1.087,3 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán bình quân hiện tại cho xã hội là 1.622 đồng/kWh.

Như vậy, dù đạt được thành tích cao, đáng ghi nhận nhưng những tai tiếng của tập đoàn này cũng không ít.

Do vậy, theo đánh giá của ông Dương Trung Quốc, Đại biểu QH khóa XIII thì việc vinh danh anh hùng "cần trên cơ sở luận chứng rõ ràng và nên công khai cho người dân biết, vì đây là tuyên dương và người dân cần biết đầy đủ thành tích như thế nào”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại