Vụ đuổi học HS lớp 2 vì mẹ chê cà vạt xấu: 2 PGS phản đối

Phương Nhi |

“Nếu chỉ vì chê cái cà vạt mà đuổi học sinh thì hình phạt đó nặng quá… Tôi nghĩ nên để cho cháu học tiếp vì chê trên Facebook là chuyện của bố mẹ cháu” – PGS Văn Như Cương nói.

“Phạt học sinh như vậy là quá nặng”

Sự việc trường Sao Việt (Vstar, quận 7, Tp.HCM) đuổi học cậu học sinh lớp 2 của trường này (tên Lê Quang Minh H.) chỉ vì mẹ bé lên Facebook chê cà vạt của trường xấu đang khiến dư luận rất bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia giáo dục bày tỏ sự không đồng tình trước quyết định trên của trường Vstar.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Khi nghe tin này, tôi cũng hơi ngạc nhiên, bố mẹ chê cà vạt hay bộ đồng phục của trường xấu mà đuổi học sinh thì chẳng có lý nào!”.

Sau khi tìm hiểu, trực tiếp đọc nội dung phụ huynh viết trên Facebook, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Nếu đúng nguyên do chỉ vì chê cái cà vạt mà đuổi học sinh thì hình phạt đó quá nặng".

Ông cũng bày tỏ quan điểm, bài viết trên Facebook của phụ huynh học sinh trên về cà vạt của trường: "Tôi thấy chẳng có vấn đề gì. Người ta chỉ góp ý kiến".

Duy nhất có câu cuối hơi nặng: “Nếu không làm được thì dẹp đi, không chả khác nào cái ghẻ rách vắt lên cổ các cháu”.

“Chỉ có một vài câu hơi mạnh. Nhưng thời buổi này, phê phán như vậy là bình thường. Trên Facebook, nhiều người còn viết rằng vị bộ trưởng, quan chức nọ kia... bằng những câu đại loại như “Từ chức đi!”. Vậy chẳng nhẽ đuổi cổ người ta à?!” – thầy Cương nói.

Theo thầy Cương, trường Vstar nên tiếp tục để cho bé Minh H. học, vì “chê trên FB là chuyện của bố mẹ cháu”. Hơn nữa, việc góp ý đó cũng rất chân thành.

Theo PGS Văn Như Cương: Nội dung chỉ trích, góp ý của phụ huynh Nguyễn Hiếu cũng bình thường, đơn giản thôi, không đến mức nhà trường phải đuổi con chị ấy.
Theo PGS Văn Như Cương: Nội dung chỉ trích, góp ý của phụ huynh Nguyễn Hiếu cũng "bình thường", "đơn giản" thôi, không đến mức nhà trường phải đuổi con chị ấy.

Ông nhấn mạnh, trường Vstar “xử” vậy là có nghiêm. Tuy nhiên, phải áp dụng văn hóa thế nào cho phù hợp, mềm dẻo. Phạt học sinh như vậy là quá nặng.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam cũng bày tỏ: “Nếu vì chuyện chê cái cà vạt mà đuổi học sinh thì nhà trường làm như vậy là không đúng.

Bà mẹ có quyền so sánh cà vạt của Vstar với cà vạt Hàn Quốc, có quyền chê – đó là quyền bình đẳng, quyền được tự do ngôn luận.

"Quyền của học sinh là được đi học, tuân thủ mọi nội quy của nhà trường, vẫn đeo cà vạt tới lớp tại sao lại đuổi học. Điều này rất vô lý. Tôi không đồng ý với cách xử sự của nhà trường, nguyên thứ trưởng bày tỏ ý kiến”.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Việc trường Vstar đuổi học sinh chỉ vì lời chê cà vạt xấu là vô lý.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Việc trường Vstar đuổi học sinh chỉ vì lời chê cà vạt xấu là vô lý.

Ông cũng lưu ý, dù người mẹ có nói lời nặng nề thế nào đi nữa trên Facebook thì nhà trường cũng không nên đuổi học sinh. Vì nhà trường có giận bà mẹ, không nên “giận cá chém thớt” đổ hết lên đầu học sinh.

Còn nếu nhà trường giữ quan điểm của mình rằng, cà vạt của mình tốt hơn, đẹp hơn so với cà vạt Hàn Quốc thì có thể mời phụ huynh đó đến trao đổi, tranh luận về quan điểm thẩm mỹ khác nhau này.

“Tại sao lại bắt học sinh phải chịu trách nhiệm về hành động của bố mẹ nó. Vì việc cá nhân của bố mẹ không liên quan gì tới việc học hành của con cái.

Tôi đề nghị nhà trường nên xem xét lại cách xử lý của mình. Bởi cách ứng xử như vậy không đúng. Đừng làm chuyện bé như vậy mà xé ra to, trở thành chuyện lớn, phức tạp", ông Nhĩ thẳng thắn.

Ông cũng nhắn với lãnh đạo nhà trường rằng, khi mình phục vụ quần chúng, phục vụ học sinh, trước hết cần biết lắng nghe, đôi bên cùng trao đổi để tôn trọng lẫn nhau.

Nguyên thứ trưởng đề nghị Phòng giáo dục hoặc Sở Giáo dục Tp.HCM – nơi quản lý trường Vstar cần vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Trường Vstar “né” báo chí?

Sau khi ghi nhận bức xúc của phụ huynh Nguyễn Hiếu liên quan tới việc cậu con trai Minh H. bị đuổi học, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới số điện thoại ghi trên website chính thức của trường Sao Việt.

Ban đầu, bà Hân - người trực máy của nhà trường trả lời "đã tiếp nhận thông tin và sẽ báo cáo Ban giám hiệu để thông tin đến báo chí".

Tuy nhiên, hai ngày sau, không thấy tín hiệu phản hồi từ phía trường Vstar, phóng viên đã chủ động liên lạc lại yêu cầu kết nối với lãnh đạo trường. Lần đầu, bà Hân nói “Ban giám hiệu đang họp”, lần gọi thứ 2, bà Hân thông tin rằng “Ban giám hiệu bận”.

Sau nhiều lần phóng viên gọi điện đặt lịch phỏng vấn, bà Hân cho biết: “Bên trường đã có hướng giải quyết. Chị không cần liên hệ lại nữa”.

Nhân viên này cũng nhấn mạnh “đây là thông tin riêng của trường” nên từ chối tiếp báo chí.

Liên quan tới việc “né” báo chí của trường Vstar này, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Báo chí là cơ quan phát ngôn. Nhà trường cứ thẳng thắn trình bày, sao phải ngại!”

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, chị Nguyễn Hiếu – phụ huynh của bé Lê Quang Minh H., học sinh lớp 2T trường tiểu học Sao Việt, lên Facebook chê cà vạt của trường xấu, sau đó, con của chị đã bị đuổi học.

Lý do bởi trường này “không chịu được” những lời lẽ nặng nề mà phụ huynh viết trên Facebook.

Cụ thể, nguyên văn lời chê của phụ huynh này có đoạn: “Mời quý trường xem hình cà vạt của 2 trường tiểu học Việt Nam và Hàn Quốc để so sánh!

Mẫu của trường Hàn Quốc chiếc cà vạt được may cố định, tống vào máy giặt quay điên đảo cũng không bung bét ra mất phom, học sinh sáng ra đi học mắt nhắm mắt mở cũng lôi cài lên cổ cái rẹc với 2 cái nút là tươm tất đến lớp!

Còn mẫu cà vạt của trường ta là 2 cọng dây vải, phải khéo léo thắt vào nhau mới thành hình cái cà vạt. Còn nhà cháu nông dân không biết cách thắt cà vạt, thế là mẹ cháu cứ buộc nút vào như dây giày rồi treo lên cổ anh Tin!

Chưa kể mỗi ngày tống vào máy giặt là 2 sợi nó lại rời nhau ra. Kiếm gần chết mới ra 2 cái sợi ấy để cột vào nhau cho thành cái dây đeo cổ!”

… Nên mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé. Nếu không làm được thì dẹp đi, không chả khác nào cái ghẻ rách vắt lên cổ các cháu! Xấu hình ảnh của nhà trường ghê!”.

Được biết, trường Vstar được quảng bá là trường Quốc tế với chương trình dạy học ở cả 3 cấp lớp: Tiểu học, Trung học cơ sở &Trung học phổ thông. Để cho con em theo học ở đây, các bậc phụ huynh phải bỏ ra một khoản học phí không hề rẻ.

Cụ thể, biểu phí năm học 2015 – 2016 ở Vstar, cấp tiểu học từ 50 – 100 triệu đồng/năm (tùy lớp, chưa kể phí tiền ăn và phí xe bus), cấp THCS – THPT từ 86 – 167 triệu đồng/năm (tùy lớp).

Hiệu trường trường THPT Lương Thế Vinh (HN)
PGS Văn Như Cương
Trường hợp của cậu học sinh Minh H. và mẹ Nguyễn Hiếu trên cũng là bài học cho tất cả những ai dùng mạng xã hội. Bởi Facebook như con dao hai lưỡi. Vì vậy, phụ huynh cũng nên lưu ý, viết mang tính xây dựng hay phê phán đều phải tránh tình trạng lộm nhộm, quá đáng, không thể kiểm soát từ ngữ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại