Hiểu lầm tai hại về cái tên và tính cách thực sự của Trương Phi

Nguyễn Nhung |

Trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, Trương Phi là một danh tướng thô lỗ. Thế nhưng, hình tượng chân thực nhân vật lịch sử này vẫn đang bị hậu thế hiểu lầm.

Từ cái tên bị viết sai

Trong cuốn “Trương Phi truyện” – quyển thứ 36 trong “Tam quốc chí” ghi rõ: “Trương Phi tự Ích Đức, người Trác Quận”. Thông tin này cho thấy, Trương Phi tên thật là Phi, tự Ích Đức.

Người xưa có tên, ngoài ra còn có tự. Ý nghĩa, cách dùng của hai yếu tố này hoàn toàn khác nhau. Tên được dùng để phân biệt lẫn nhau nhưng tự chủ yếu được sử dụng để thế hiện nét lịch sự trong các trường hợp xã giao.

Về vấn đề này, có thể hiểu đơn giản: khi gọi tên người khác, thông thường sẽ gọi tự, nhằm thể hiện sự tôn trọng, gọi tên, thể hiện sự khiêm tốn.

Trương Phi tự Ích Đức, có nghĩa là không ngừng tăng cường phẩm chất tốt đẹp, đức hạnh, sau này sẽ bay cao, bay xa. Đây chính là hiện thân của tư tưởng Nho gia đang rất phát triển thời bấy giờ.

Người cổ đại khi đó dùng chữ “đức” để đặt tên là hiện tượng rất phổ biến.

Tuy nhiên, cái tên Trương Phi hơn một ngàn năm sau đó đã bị hậu thế tự động thay đổi. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, ngay hồi đầu đã viết: “Họ Trương, tên Phi, tự Dực Đức”.

Điều đáng nói, đây không phải là một lỗi ngẫu nhiên, bởi trong sách, tự của Trương Phi được nhắc đến nhiều lần và lần nào cũng là chữ “Dực” thay vì chữ “Ích”.

Sự thay đổi này không chỉ “xóa sổ” ý nghĩa tốt đẹp trong tên gốc của Trương Phi mà từ đó làm phát sinh vô số những lưu truyền sai lệnh về nhân vật lịch sử này.

Tuy nhiên, người đầu tiên làm tổn hại đến “quyền tên họ” của Trương Phi không phải La Quán Trung với tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”. Trước đó, tác giả cuốn “Tam quốc chí bình thoại” đã “hô biến” tên Ích Đức thành Dực Đức.

Cho đến nay, nhiều người vẫn hiểu lầm rằng, Trương Phi là một nhân vật lịch sử tính tình nóng nảy, thô tục.

Ảnh hưởng đến hình tượng một nhân vật biết lo trước tính sau

Từ việc bị thay đổi “tự”, hình tượng thực sự về nhân vật lịch sử Trương Phi đã bị phá vỡ.

Hậu thế lưu truyền Trương Phi là một người có tác phong lỗ mãng, tính cách thô bạo. Tuy nhiên, lịch sử ghi chép lại, ông là một người hoàn toàn khách với những gì người đời vẫn nghĩ.

Thắng lợi huy hoàng đầu tiên của Trương Phi – thu phục Nghiêm Nhan là bằng chứng hùng hồn nhất cho điều này.

Nam Kiến An thứ 13 (năm 213), Lưu Bị đem quân chiếm Ích Châu. Khi đó, người đứng đầu mảnh đất này là Lưu Chương đã ngoan cường kháng cự tại Thành Đô.

Để tăng cường thế tấn công, đến năm thứ 2, Lưu Bị từ Kinh Châu cấp tốc hiệu triệu Trương Phi và nhiều người khác, theo Gia Cát Lượng dẫn quân tiến đến Ích Châu cứu viện.

Giang Châu nay là trung tâm thành phố Trùng Khánh. Khi đó, nơi này là thủ phủ của Ba Quận. Tuy nhiên, dù vị trí quan trọng, song nơi này binh lực yếu, do quân chủ lực của Lưu Chương đã tập chung ở phía Tây Bắc Giang Châu, đang dốc toàn lực bảo vệ Ích Châu.

Khi theo Gia Cát Lượng đến Ích Châu cứu viện cho Lưu Bị, Trương Phi cầm đầu một cách quân. Do Giang Châu quân binh quá mỏng, nên ông dễ dàng khống chế thành trì, thu phục chủ tướng của đối phương Nghiêm Nhan.

Do đó mà trong “Trương Phi truyện” mới ghi chép lại màn “đấu khẩu” sinh động  giữa Trương Phi và Nghiêm Nhan.

Trương Phi mắng rằng: “Đại tướng quân, vì sao không hàng mà dám kháng cự”. Khi đó Nghiêm Nhan không chút sợ hãi, lớn tiếng đáp: “ Các người là lũ vô dạng, cướp đất của ta, đất Giang Châu dù có tướng bị mất đầu, chứ quyết không có tướng đầu hàng giặc.”

Trương Phi nghe vậy, vô cùng bực tức, hạ lệnh đem Nghiêm Nhan đi chặt đầu trước dân chúng. Không hề nao núng, bại tướng đất Giang Châu vẫn cười, nói lớn: “Chém đầu thì chém đầu, việc gì mà phải tức giận như thế."

Ngưỡng mộ trước khí khái của Nghiêm Nhan, Trương Phi đột nhiên đổi giận thành vui, tự tay cởi trói cho đối phương và tiếp đãi như khách quý.

Trong sử sách Trung Quốc hiện vẫn còn nhiều ghi chép xung quanh tình tiết lịch sử này. Theo tác giả Phương Bắc Thần, việc Trương Phi có thể thu phục được Nghiêm Nhan cho thấy, ông không phải là một danh tướng bị gán mác vũ phu, thô lỗ như người đời sau vẫn nghĩ.

Thay vào đó, cách ứng xử, xử lý tình huống của Trương Phi cho thấy, đây là một nhân vật khoan dung độ lượng, biết trọng dụng nhân tài.

Việc thu phục được Nghiêm Nhan thể hiện tài năng, tính cách thận trọng, thâm mưu viễn kế của Trương Phi

Quê quán, gia tộc của Nghiêm Nhan không hề được ghi chép trong “Tam quốc chí” của Trần Thọ.

Tuy nhiên, trong cuốn “Hoa Dương quốc chí” của Thường Cừ vẫn còn tồn tại đến ngày nay, có những thông tin quan trọng, bổ sung cho sự thiếu sót trong tác phẩm của Trần Thọ.

Theo “Hoa Dương quốc chí”, Nghiêm Nhan là người Lâm Giang. Huyện Lâm Giang dưới thời Tam quốc là huyện Thuộc của Ba Quận, ngày nay là huyện Trung ở Trùng Khánh.

Người dân nơi đây, theo ghi chép của Thường Cừ là những người thẳng thắn, chính trực, có tinh thần thượng võ.

Nhiều tướng lĩnh đã xuất thân từ đây, vì thế nên trong dân gian mới có câu “Ba hữu tướng, Thuộc hữu tương”, ý chỉ cả huyện Thuộc và Ba Quận đều là nơi có nhiều tướng tài.

Gia tộc Nghiêm thị của Nghiêm Nhan là một dòng tộc lớn có tiếng ở Lâm Giang. Sở dĩ Nghiêm Nhan có khí chất phi phàm, một phần được hun đúc, hình thành từ chính mảnh đất quê hương, sinh ra đã mạnh mẽ, cứng cỏi.

Bên cạnh đó, gia tộc Nghiêm Thị là một dòng họ lớn tại địa phương, vì thế mà Nghiêm Nhan với thân phận là hậu duệ không thể làm gia đình mất mặt.

Quan trọng hơn cả, ông là người chỉ huy binh lực bảo vệ Ba Quận, nên không thể không có uy lực trước các tướng lĩnh dưới quyền.

Đó là những thông tin “Hoa Dương quốc chí” ghi chép, phản ánh tính cách và thân thế của Nghiêm Nhan.

Từ góc độ đánh giá con người để có biện pháp thu phục, tiếp đãi Nghiêm Nhan của Trương Phi, có thể thấy Trương Phi không chỉ là người có phong độ của một bậc quân tử, mà còn có con mắt chính trị, nhìn xa trông rộng, thâm mưu viễn kế.

Điều này thể hiện ở 3 điểm.

Thứ nhất, Nghiêm Nhan là đại diện của quần thể tướng lĩnh tại Ba Quận, đồng thời là đại biểu cho các gia tộc tại đây. Ưu đãi Nghiên Nhan có tác dụng thị phạm vô cùng quan trọng trong việc giành lấy sự ủng hộ của các tầng lớp trên trong xã hội tại Ích Châu.

Thứ hai, Nghiêm Nhan tính tình chất phác, thẳng thắn, một khi được đối đãi như thượng khách, ắt sẽ tận tâm tận lực hết mình, không giở âm mưu, ngụy kế.

Thứ ba, muốn được Nghiêm Nhan thực lòng ủng hộ, đầu tiên phải nể mặt, để ông ta thể hiện tinh thần quật cường, thấy chết không run, sau đó tha bổng, đảm bảo hình tượng anh hùng trong con người này không bị tổn thương, tránh cho ông ta sau này không bị người đời chế giễu.

Đây chính là điểm mấu chốt, cho thấy sự toan tính dự liệu kỹ lưỡng của Trương Phi để thu phục Nghiêm Nhan.

Hiểu rõ những yếu tố trên, mới thấy Trương Phi là con người cẩn thận, liệu trước tính sau đến mức nào. Rõ ràng, hình ảnh một Trương Phi chân thực trong lịch sử không thô lỗ, nông cạn như những gì các bộ phim truyền hình vẫn nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại