Vì sao TT Hàn Quốc "đau đầu" với lời mời tới lễ duyệt binh TQ?

Hải Võ |

Thêm một khách mời của Trung Quốc đứng trước câu hỏi "có tới lễ duyệt binh hay không", lần này là Hàn Quốc đối diện với sự lựa chọn khó khăn.

Mỹ có gây áp lực lên Hàn Quốc?

Trang Đa Chiều (Mỹ) hôm 14/8 cho hay, khả năng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tới lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Bắc Kinh vào 3/9 đang được dư luận quốc tế chú ý.

Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc báo chí Nhật Bản gần đây đưa tin chính phủ Mỹ đã gây áp lực để yêu cầu bà Park không tới Bắc Kinh.

Kyodo News (Nhật Bản) hôm 8/8 dẫn lời "một quan chức chính quyền Obama" cho biết Mỹ đã thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc và các con đường ngoại giao khác để yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye không dự lễ duyệt binh của Trung Quốc.

2 ngày sau đó, Nhà Xanh khẳng định các tuyên bố của báo chí Nhật "không chính xác", "sự việc như vậy không thể xảy ra trong ngoại giao"...

Ngày 11/8, Quốc hội Mỹ cũng lên tiếng phủ nhận việc nước này ngăn cản bà Park tới Trung Quốc tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II.

Nhưng trên thực tế, Seoul không thể bỏ qua thái độ của Mỹ và Nhật Bản khi đưa ra quyết định về vấn đề trên.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Đa Chiều, cho dù Nhà Xanh đã lên tiếng phủ nhận thông tin từ truyền thông Nhật, thì xét trên kết quả trao đổi Mỹ-Hàn cho thấy, Seoul và Washington đã đạt được "thỏa thuận ngầm" đằng sau việc Tổng thống Park đi Bắc Kinh.

Bà Park là một trong số nhiều nguyên thủ quốc gia được Trung Quốc gửi lời mời sớm nhất, đồng thời là nhà lãnh đạo có vai trò quan trọng mà nước này mong muốn xuất hiện tại lễ duyệt binh.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se đã nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 5/8 rằng, Seoul "sẽ suy xét tất cả các vấn đề liên quan rồi mới quyết định việc Tổng thống có tham dự duyệt binh hay không".

Nhiều khả năng Nhà Xanh sẽ công bố quyết định của mình trong tuần tới.

Đa Chiều đánh giá, việc Kyodo News dẫn lời quan chức Mỹ tuyên bố "Trung Quốc sử dụng lễ duyệt binh để gây sức ép, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực", "cần cảnh giác Trung-Hàn bắt tay"... không phải là không có cơ sở.

"Một số thông tin hay phát ngôn phần nào phản ánh thái độ của Washington cũng như Tổng thống Barack Obama", trang này bình luận.

Mỹ-Hàn đã "bắt tay" về vấn đề Trung Quốc?

Theo thông tin từ báo chí Hàn Quốc, sau khi Trung Quốc gửi lời mời tới bà Park vào giữa năm 2015, Seoul đã trao đổi với Mỹ vào tháng 7 về vấn đề này, tuy nhiên quan điểm song phương phân cực rõ rệt.

Dù vậy, hôm 12/8 vừa qua, Nhà Trắng đã tuyên bố bà Park Geun Hye sẽ có cuộc hội kiến với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào ngày 16/10 tới để thảo luận các vấn đề quốc tế "nóng", bao gồm tình hình anninh bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố của Nhà Trắng chỉ ra, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc "làm nổi bật mức độ sâu, rộng trong quan hệ đối tác Mỹ-Hàn, thể hiện sự thân mật trong quan hệ nhân dân 2 nước".

Đa Chiều cho biết, kế hoạch thăm Mỹ ban đầu của Tổng thống Park là vào ngày 16/6, tuy nhiên sự kiện đã bị trì hoãn do Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS bùng phát.

Trang này bình luận, qua thông báo của Nhà Trắng thấy được Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận chung về việc bà Park Geun Hye thăm Mỹ.

Thỏa thuận này cũng cho phép Nhà Xanh "thư giãn hơn" trong việc ra quyết định về lễ duyệt binh Trung Quốc.

Lý do Tổng thống Park nên tới Bắc Kinh

Không chỉ dư luận Trung Quốc mà cả truyền thông Hàn Quốc gần đây đều liệt kê các lý do cho thấy Tổng thống Park Geun Hye nên tham dự lễ duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn.

Giới quan sát Trung Quốc nhận định, dù trên phương diện phát triển quan hệ kinh tế Trung-Hàn, lợi ích địa chính trị Đông Bắc Á, cục diện bế tắc ở bán đảo Triều Tiên, cân bằng "tam giác" Trung-Mỹ-Hàn... thì việc bà Park tới Bắc Kinh "chỉ có lợi mà không có hại".

Bài xã luận trên tờ JoongAng Ilbo cùng các điều tra ý dân trên Chosun Ilbo, DongA Ilbo của Hàn Quốc cũng thể hiện "Park Geun Hye nên tới Bắc Kinh".

Truyền thông Trung Quốc gần đây cũng ra sức "cổ vũ", kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc nhận lời Trung Quốc để "thoát khỏi thế 'tiến thoái lưỡng nan' của quốc gia đứng giữa", "tự tin trỗi dậy giống Trung Quốc và giao lưu với láng giếng"...

Ở mức độ nào đó, việc bà Park có mặt ở lễ duyệt binh của Trung Quốc thể hiện được sự độc lập và lập trường ngoại giao riêng biệt của Seoul.

Theo Đa Chiều, sự độc lập này có thể giúp Hàn Quốc chủ động, tích cực trong việc giải quyết vấn đề bán đảo liên Triều và giảm bớt sự phụ thuộc vào Washington.

Trang này đánh giá, so với Mỹ, bà Park Geun Hye có ý muốn tiếp xúc với Triều Tiên một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong trường hợp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng có khả năng hiện diện ở lễ duyệt binh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp bà Park Geun Hye tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp bà Park Geun Hye tại Nhà Trắng.

Hàn Quốc "đi trên dây"

Mặc dù có phân tích rằng Mỹ-Hàn "đã đạt được thỏa thuận", nhưng không thể phủ nhận nếu Park Geun Hye nhận lời mời đến Trung Quốc, bà sẽ khiến cả Mỹ và Nhật Bản không được thoải mái.

Nhưng mặt khác, dù Tổng thống Park không đến Bắc Kinh, quan hệ Nhật-Hàn cũng khó có thể cải thiện trong một sớm một chiều, trong khi Mỹ cũng sẽ không quá "mạnh tay" với Seoul khi họ vẫn cần Hàn Quốc để thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương".

Ngoài ra, Đa Chiều nhận xét, động thái ngăn cản các đồng minh tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc của Mỹ - nếu có - cũng nhằm mục đích tiếp tục cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin - người cũng có mặt tại Bắc Kinh ngày 3/9 tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại