Cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na sẽ càng được lợi sau khi bị "ném đá"?

Hoàng Đan |

Blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng, sau sự cố này, chắc chắn cô giáo "cung bọ cạp" thông minh để có những điều chỉnh, tiết chế và học viên sẽ đông lên sau 3, 4 tháng.

Cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na sẽ được lợi (!?)

Những ngày qua, cộng đồng đang có những phản ứng, tranh cãi về clip hơn 7 phút ghi lại hình ảnh cô giáo "cung bọ cạp" Phạm Nguyễn Lê Na của Trung tâm Anh ngữ Lê Na sử dụng những từ “chợ búa” để cãi nhau với 2 học viên.

Trao đổi với chúng tôi, blogger Nguyễn Ngọc Long cho hay, đến giờ phút này thì cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na và trung tâm tiếng Anh của cô đang gặp khủng hoảng.

Bởi vì, cô đã không kiểm soát được thông tin trên cả mặt trận truyền thông xã hội và báo chí chính thống.

"Tôi cũng không cho rằng cô Lê Na có thể đạo diễn ra được một cái clip đầy kịch tính và cảm xúc thăng hoa như vậy", blogger Ngọc Long nói.

Cũng theo blogger Ngọc Long, việc cô Lê Na gửi lời cảm ơn tới mọi người đã ném đá trên fanpage của mình và lượng người like fanpage này đã tăng lên đột biến cũng không phải là một chiêu trò làm marketing.

Theo anh, đó là cách chống chế của cô giáo. Cô làm như vậy để thể hiện sự ngạo nghễ của mình. Cô cho rằng đó là cách thể hiện cái sắc sảo và sức mạnh bản thân.

"Thông điệp chính ở đây là “tao không sợ chúng mày, chúng mày không triệt hạ được tao đâu”.

Đại khái là như vậy. Đây không thể coi là một chiêu hay chiến lược marketing gì được. Vì nó... buồn cười và rất trẻ con hiếu thắng. Thực tế, cô Lê Na cũng đã xoá nội dung đó đi rồi", anh Long nêu quan điểm.

Ảnh cắt từ clip.
Ảnh cắt từ clip.

Blogger Ngọc Long cũng cho rằng, rõ ràng, với cách hành xử của cô Lê Na thì chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi, nhưng những điều này sẽ khó có thể hạ gục cô.

Từ đầu đến cuối, cô Lê Na và “êkip” của cô ấy (bao gồm cả phụ huynh đáng kính) đều thể hiện rất rõ rằng, họ không hiểu gì về truyền thông.

Những cách hành xử kém cỏi, phát ngôn ngô nghê, cách xử lý không chuyên nghiệp... đã kéo theo nhiều hệ luỵ.

Cô ấy bị ném đá, bị lập hội tẩy chay, chế hình, bị thanh tra cơ sở, bị nhiều chuyên gia đăng đàn chỉ trích v.v... Tuy vậy, tôi không cho rằng những điều này có thể "hạ gục" được cô Lê Na.

Anh nhấn mạnh: "Tại vì đúng như đã nó, cô ấy thực sự mạnh mẽ và đủ bản lĩnh để vượt qua mọi chuyện.

Tôi không biết trung tâm của cô ấy sẽ ra sao vì điều ấy phụ thuộc vào giấy phép của cô có đủ theo yêu cầu từ phía cơ quan quản lý hay không, chứ chẳng liên quan một tí tẹo nào đến các hành động và phát ngôn mày - tao của cô cả".

Đồng thời, blogger này cũng bày tỏ, khủng hoảng bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Trong nguy có cơ. Vấn đề là ai có đủ khả năng để tận dụng khủng hoảng truyền thông và ai có đủ bản lĩnh để không bị khủng hoảng truyền thông quật ngã?

Về cảm nhận cá nhân, anh Ngọc Long không nghĩ rằng, cô Lê Na có thể khai thác được khủng hoảng này, nhưng anh cho biết mình tin tưởng tuyệt đối rằng cô ấy đủ sức mạnh để đứng dậy dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

"Đọc nhiều phản hồi trên mạng, tôi thấy các học viên cũ của Trung tâm nói rằng cô Lê Na dạy giỏi, nhiệt huyết, có tâm và hết mình với các bạn học viên.

Tất nhiên là cô có nhiều tính xấu, cô hay la mắng, quát tháo và mày tao chi tớ lộn tùng phèo cả. Nhưng học viên họ vẫn quý mến cô vì họ đến với cô không phải để được nuông chiều cung phụng.

Ngày trước cô ấy “bà la sát” như vậy mà học viên vẫn kéo đến ùn ùn, thì bây giờ, sau sự cố lần này, chắc chắn cô đủ thông minh để có những điều chỉnh và tiết chế.

Cộng với sự "nổi tiếng" đột biến như hiện tại, chắc chắn học viên của cô sẽ đông lên sau 3, 4 tháng", blogger Ngọc Long nêu quan điểm.

Chính nam sinh hỗn hào trước với cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na

Khi được hỏi, trong trường hợp "khủng hoảng" này, cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na nên làm gì, blogger Ngọc Long đã cho rằng, cô Lê Na tuyệt đối không nên tranh cãi và xin lỗi.

Vì nếu cô tranh cãi, cô sẽ sa lầy vào khủng hoảng và không kết thúc được nhanh. Còn chuyện xin lỗi đến giờ phút này nó vô tác dụng, nên không cần thiết nữa.

Chưa kể, câu xin lỗi ấy vừa làm mất hình ảnh cá tính của cô, vừa tạo ra một tiền lệ xấu cho các học viên khác bắt chước và a dua theo.

Anh cho hay: "Cá nhân tôi đánh giá, cô Lê Na có nhiều hành động chưa hay, nhưng hành vi giật tài liệu từ tay cô giáo của nam sinh trong clip là rất vô văn hoá, không nên cổ xuý".

Bên cạnh đó, theo blogger Ngọc Long, cô Lê Na hãy tự vấn lại bản thân mình xem tính cách "bộc trực, đồng bóng và đàn ông" hiện nay có phải là con người thật của cô không?

"Tôi thì nghĩ đến 99,9% là thật. Mà như vậy, cô đừng mong có thể thay đổi để biến thành cô Tiên, cô Tấm. Cô không làm được điều đó và không cần thiết phải làm như vậy.

Đã xấu thì phải đóng vai ác và ác hết cỡ để diễn thật tròn vai. Cô không cần thiết phải sống một cuộc sống giả tạo để làm vừa lòng người khác. Cô hãy cứ là cô của ngày hôm qua là được.

Nhưng cô nên thông báo điều đó một cách rõ ràng với những học viên trong tương lai, những người mà họ có thể sốc lên sốc xuống nếu bị cô mắng chửi.

Cô hãy nói cho họ biết tâm địa cô không xấu nhưng cô rất bốc đồng và trong quá trình học, cô có thể có những lúc thăng quá thì buột miệng động chạm tới các em.

Điều đó vừa hạ thấp sự kỳ vọng của người đối diện xuống, vừa tạo ra một tấm lá chắn an toàn cho cô trong những khi vạ miệng. Thực ra, đây là những kiến thức rất căn bản về thương hiệu cá nhân chứ không có gì mới mẻ", anh Ngọc Long nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, anh cũng nêu quan điểm, chính nam sinh trong đoạn clip mới là người có lỗi và hỗn hào trước.

Bởi theo anh thì thầy cô giáo là cha là mẹ. Thầy cô có la mắng chửi bới thậm tệ thế nào thì học sinh cũng nghe chứ không phản kháng.

"Tôi được giáo dục như thế từ khi bé tí và lớn lên rồi tôi vẫn thấy đó là đạo lý hay cần phải phát huy. Nếu tôi có mặt trong hoàn cảnh đó, tôi sẵn sàng ngăn cản nam sinh kia, vì dám có những hành động hỗn hào với cô giáo của tôi.

Rồi cho các cô các cậu ấy tha hồ mà quay video clip chửi bới dìm hàng thế nào cũng được.

Đó là đạo lý sống của tôi, là các quy chuẩn đạo đức mang tính cá nhân chứ hoàn toàn không có gì đặc biệt và không bắt người khác phải nghe theo", blogger Ngọc Long nói thêm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT
Ông Trần Xuân Nhĩ
Dù học sinh có gì sai trái thì mình cũng phải có biện pháp, đem hết lòng thương, sự nhã nhặn của mình để khuyên nhủ họ, chứ không thể dùng ngôn ngữ như ở hàng tôm, hàng cá hay của những người không được giáo dục như thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại