Lật tẩy vỏ bọc lực lượng "dân quân biển" TQ trên Biển Đông

Đức Huy |

Các chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc triển khai hạm đội tàu cá cho lực lượng dân quân biển trên Biển Đông sẽ không tránh khỏi gây bất ổn tình hình khu vực.

"Một hiện tượng mới"

Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, tác giả Prashanth Parameswaran nhận định, dân quân biển Trung Quốc là một trong những lực lượng ít được để mắt tới nhất trong hàng loạt những kiểu cách mà Bắc Kinh áp dụng để phô diễn quyền lực hàng hải.

Ông cho biết, lực lượng này thường hoạt động trên các tàu cá dân dụng, thực hiện đa dạng nhiều nhiệm vụ, từ giải cứu tàu thuyền mắc kẹt cho đến đổ bộ trái phép trên đảo các nước khác, hành động mà Trung Quốc vẫn lố bịch bao biện là để "khẳng định chủ quyền".

Đây cũng là lần đầu tiên lực lượng dân quân biển này được trang bị một hạm đội tàu cá riêng, và cũng không phải ngẫu nhiên mà quyết định này xảy ra cùng thời điểm với lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do chính Trung Quốc ngang ngược đặt ra hết hiệu lực.

Theo ông Parameswaran, vai trò ngày một gia tăng của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đối với các hoạt động đánh bắt trên biển không phải là điều gì quá mới mẻ.

Năm 2013, trong một chuyến thăm tới tỉnh Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với lực lượng này rằng vai trò của họ "không chỉ xoay quanh các hoạt động đánh bắt, mà còn bao gồm thu thập thông tin và hỗ trợ việc xây dựng đảo đá (trái phép - PV) trên Biển Đông".

Lời nói theo kiểu "vẽ đường cho hươu chạy" này của lãnh đạo Trung Quốc đã trở thành tiền đề cho các hoạt động đẩy mạnh phát triển lực lượng dân quân biển, với sự ủng hộ và tham gia đóng góp đến từ nhiều thành phố giáp biển cho việc đào tạo ngư dân và đóng tàu.

Đô đốc Hải quân mỹ
John Richardson
Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực và chúng tôi sẽ chỉ tôn trọng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hợp pháp.

Tuy nhiên, theo học giả Trương Hồng Châu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore), việc chính phủ Trung Quốc trang bị một hạm đội tàu cá cho dân quân biển nước này tại Biển Đông thật sự là một "hiện tượng mới".

Ông nhận định, sở hữu một hạm đội riêng đồng nghĩa với việc lực lượng dân quân biển Trung Quốc sẽ không còn phải phụ thuộc vào thuê tàu cá của ngư dân hay các công ty đánh bắt để thực hiện các hoạt động của mình trên biển nữa.

Theo học giả Trương, động thái nói trên đã phần nào cho thấy sự bất lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát lực lượng dân quân này.

Trước đây, trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, chính phủ Trung Quốc đã "mua chuộc" dân quân biển tham gia bảo vệ việc di chuyển giàn khoan phi pháp này. Sau đó, lực lượng này liên tục than phiền khiếu nại chi phí chính phủ trả cho họ trong vụ này quá "bèo".

Do đó, theo ông Trương, Bắc Kinh đã quyết định sẽ tăng cường kiểm soát và tự mình điều phối hoạt động của lực lượng này bằng việc thiết lập hạm đội tàu cá.

"Đơn giản là Trung Quốc không thể kiểm soát được ngư dân của họ" - ông Trương Hồng Châu phát biểu trong khuôn khổ hội nghị kéo dài 2 ngày do Trung tâm Nghiên cứu Hải quân (CNA) tổ chức.

Mục đích thực sự đằng sau vỏ bọc "hạm đội tàu cá"

Về vấn đề này, ông Trương khẳng định, không còn nghi ngờ gì nữa, "hạm đội" này sẽ được tận dụng làm những "con tốt" trong các chiến dịch đòi chủ quyền ngang ngược và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngoài việc "khẳng định chủ quyền" vô căn cứ tại đây, Trung Quốc còn có mưu đồ nhắm tới nguồn lợi đánh bắt từ Trường Sa, với ước tính hơn 1,8 triệu tấn nguồn lợi thủy hải sản tại các vùng biển bao quanh quần đảo của Việt Nam.

Cũng trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat hồi tháng 5, ông Trương đã chỉ ra những lý do tại sao sử dụng lực lượng dân quân biển là một chiến lược đã "lỗi thời" và không còn phù hợp với tình hình địa chính trị khu vực hiện nay.

Trong đó, học giả này cảnh báo việc sử dụng dân quân biển sẽ gia tăng căng thẳng trong tranh chấp khu vực. Cụ thể, ông lo ngại lực lượng này sẽ lấy "tinh thần dân tộc" làm vỏ bọc cho các hành động phi pháp của mình.

Đáng nói hơn, các hành động này không chỉ dừng lại ở việc phá hoại các rặng san hô, đánh bắt hải sản quý hiếm, mà nghiêm trọng hơn, lực lượng này thậm chí có thể sẽ ngang nhiên xâm lấn lãnh hải các nước trên Biển Đông. 

"[Việc sử dụng dân quân biển] sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng như quan hệ với các nước láng giềng" - ông Trương khẳng định.

Nhưng thay vì giải tán một lực lượng đã lỗi thời, mang nhiều rủi ro, và "không thể kiểm soát", Trung Quốc lại quyết định sẽ "đùa với lửa" bằng việc trang bị hạm đội tàu cá cho dân quân biển nước này.

Trong trường hợp Bắc Kinh không thể tìm ra giải pháp hiệu quả để quản lý lực lượng này, hình ảnh vốn đã chẳng mấy tốt đẹp của Trung Quốc trong vấn đề an ninh khu vực nhiều khả năng sẽ còn xấu đi trông thấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại