"Liên minh 4 bên" trở lại khiến Trung Quốc phải e sợ?

Hải Võ |

Các học giả phương Tây kiến nghị tái khởi động cơ chế "liên minh 4 bên" - vốn bị thất bại 8 năm trước bởi phản ứng của Bắc Kinh - nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mỹ-đồng minh và bài học tiền Thế chiến II

Tạp chí National Interest mới đây đăng tải bài viết "Đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc: 'Liên minh 4 bên' có hữu dụng?" của học giả Walter Lohman - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Tổ chức Heritage Foundation (Mỹ).

Ông Lohman nhận định, Mỹ và đồng minh cần phải cùng nhau thảo luận và đi đến thỏa thuận chung về chính sách đối với Trung Quốc.

Hồi năm 2007, tại Diễn đàn khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã tổ chức Đối thoại an ninh 4 bên cấp trợ lý Ngoại trưởng.

Tuy nhiên, chỉ mới qua 1 vòng thảo luận, hành động của 4 quốc gia trên đã phải dừng lại do sự phản ứng từ Bắc Kinh.

"Nhằm bảo đảm an ninh và hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cơ chế này (đối thoại an ninh 4 bên-PV) cần phải được khôi phục" - học giả Lohman kiến nghị.

Giáo sư Mark Brawley thuộc ĐH McGill, Montréal, Canada từng nghiên cứu sự phân cực chính sách của Anh, Pháp và Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Ông Brawley chứng minh, xuất phát từ các nhân tố trong nước, 3 quốc gia này đã chế định những chính sách hoàn toàn khác nhau khi đối phó với sức mạnh của Đức vào thập niên 1920 của Thế kỷ trước.

Chính điều này đã khiến cho khi bước sang thập niên 1930, Anh-Pháp-Liên Xô gần như không thể đi tới thỏa hiệp về một chính sách hiệu quả đối với Đức Quốc Xã.

"Chính sách hòa hoãn năm 1938 không phải tự nhiên mà có, mà bắt nguồn từ sự phán đoán sai lệch, không thống nhất của các bên đối với lực lượng của Đức, cũng như các giao dịch chính trị hàng chục năm trước đó" - giáo sư Brawley bình luận.

Học giả người Mỹ này phân tích: "Ngày nay, Mỹ-đồng minh cùng với Ấn Độ và các đối tác an ninh khác cũng đang đối diện với vấn đề tương tự về sức mạnh của Trung Quốc.

Nói vậy không có nghĩa là đánh đồng Trung Quốc với Đức Quốc Xã, bởi cục diện 2 thời đại tồn tại nhiều điểm khác biệt.

Tuy nhiên, bài học của châu Âu trước Thế chiến II đích thực là một vấn đề quan trọng về giải pháp đối phó với sự trỗi dậy của một nước lớn.

Việc chế định được một phương châm đúng đắn đối đầu với Bắc Kinh sẽ 'dọn đường' cho một thế kỷ hòa bình và thịnh vượng ở Thái Bình Dương.

Còn ngược lại, bài học lịch sử có khả năng sẽ tái hiện tại châu Á, ảnh hưởng nặng nề tới sinh mạng, tài sản của chính người Mỹ."

 
Mark Brawley
Giáo sư khoa học chính trị tại ĐH McGill, Canada. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - chính trị quốc tế (IPE) và có nhiều công trình nghiên cứu về quan hệ thương mại cũng như tài chính quốc tế.

Giải pháp để "liên minh" không thất bại

Hồi đầu năm 2015, các chuyên gia an ninh từ Tổ chức Heritage Foundation (Mỹ), Quỹ quốc tế Vivekananda (VIF) của Ấn Độ, Tokyo Foundation của Nhật và Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Australia (ASPI) đã tổ chức hội nghị tại đảo Bali, Indonesia.

Các học giả Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã trao đổi ý kiến về hàng loạt vấn đề an ninh toàn cầu, với trọng điểm là sức mạnh quân sự Trung Quốc cũng như ý đồ chiến lược và thái độ của Bắc Kinh.

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) cho rằng, hội nghị chuyên gia 4 bên nói trên được tổ chức định kỳ đã tạo hiệu quả thúc giục chính phủ các nước nắm bắt cơ hội hành động, chia sẻ quan điểm nhất quán về sức mạnh của Trung Quốc.

8 năm trước, sự lo ngại và phản ứng của Bắc Kinh đã khiến cơ chế Đối thoại 4 bên phá sản. Và trước khi một cơ chế mới được ra đời, tình hình này rất có khả năng tái diễn - giáo sư Brawley đánh giá.

"Không quốc gia nào muốn bị trở thành 'đề tài chung' trên bàn nghị sự của quốc tế.

Để đối phó với sự lo ngại và phản ứng bất hợp lý từ Bắc Kinh, các chính phủ 4 bên và các chuyên gia phân tích nên chia sẻ quan điểm thảo luận với người Trung Quốc."

Ông Brawley cho biết điều này có thể được thực hiện thông qua việc 4 bên thiết lập các cơ chế đối thoại khác nhau với Trung Quốc, hoặc có thể thực hiện hội nghị 4 bên "mở rộng" mà Bắc Kinh là "khách mời".

Theo Cankaoxiaoxi, việc này có thể hạn chế khả năng Bắc Kinh phản ứng "manh động" hơn, trong bối cảnh họ ngày càng tỏ ra quan ngại vì "bị phương Tây kềm hãm".

Trong phân tích của mình, giáo sư người Mỹ cũng đề cập tới một phân cực lớn khác giữa các nước châu Âu thập niên 1920.

Ông viết: "Pháp mong muốn cản trở nền kinh tế Đức phục hồi sau Thế chiến I, song điều này đi ngược lại với lợi ích kinh tế dài hạn của Anh.

Trong khi đó, London hy vọng Berlin mau chóng chuyển mình, 'tiếp sức' cho Anh cùng hồi phục để trở lại cuộc đua tranh vị trí siêu cường số 1 thế giới với Mỹ.

Giảm bớt đối đầu đồng nghĩa với giảm sự đe dọa quân sự từ Đức, cho phép Anh cắt giảm gánh nặng chi phí quốc phòng thời hậu chiến."

Mark Brawley so sánh, vấn đề Trung Quốc ngày nay thực ra không tồn tại tranh luận như trên, bởi Chính phủ "liên minh 4 bên" không hề tuyên bố hay có ý định đối phó nước này bằng cách "cản trở" Bắc Kinh phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc, Mỹ và đồng minh vẫn thừa nhận thành công kinh tế của Bắc Kinh đem lại lợi ích lớn cho tất cả các bên.

"Để Trung Quốc phát triển kinh tế bình thường là tự giúp chính mình, bởi hậu quả nếu chính sách an ninh quốc gia của nước này thất bại là không thể tưởng tượng được, thậm chí sẽ phá hoại sự ổn định toàn cầu." - ông Brawley cho biết.

Nhưng mặt khác, nếu các quốc gia trong khu vực không đánh giá đúng sự ảnh hưởng của sức mạnh Trung Quốc thì lợi ích của chính các nước này trong tương lai đang bị đe dọa, dẫn tới xung đột khi các bên bảo vệ quyền lợi của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại