Hy Lạp đóng cửa ngân hàng, chứng khoán toàn cầu lao dốc

Trúc Quỳnh |

Các thị trường chứng khoán từ châu Âu sang châu Á đồng loạt giảm mạnh ngày 29/6, sau khi Hy Lạp đóng cửa ngân hàng và tăng cường biện pháp kiểm soát tiền tệ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ. Liệu Hy Lạp có vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng euro?

Giá dầu và đồng euro giảm ngay sau khi Hy Lạp thông báo các biện pháp ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng và gây áp lực cho các chủ nợ nhượng bộ trước khi chương trình cứu trợ hết hạn vào ngày 29/6, Bloomberg đưa tin.

Chỉ số chứng khoán Đức DAX sụt 2,9% xuống 11.161,41 điểm trong phiên giao dịch sớm, còn chỉ số chứng khoán Pháp CAC giảm 3,4% xuống 4.887,69. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 1,6% xuống 6.643,83.

Tại châu Á, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 3,3% xuống 4.053,03 điểm cho dù Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất từ cuối tuần qua.

Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo mất 2,9% xuống 20.109,95. Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong, S&P/ASX 200 của Sydney, Kospi của Seoul và Sensex của Ấn Độ mất 1,4-2,6%.

Giá trị đồng euro giảm xuống còn 1,1066 USD từ mức 1,1168 USD của phiên giao dịch trước. Đồng USD giảm giá xuống còn 122,96 yen từ mức 123,89 yen.

Chính phủ Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng trong 6 ngày làm việc và hạn chế mức rút tiền ở mức 60 euro/ngày.

Sàn chứng khoán Athens phải đóng cửa từ ngày 29/6 sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về các đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc Hy Lạp phải cải tổ để được mở rộng gói cứu trợ.

Ngày 29/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng, ông cảm thấy bị “phản bội” bởi sự “tự cao tự đại” của Hy Lạp trong các cuộc đàm phán nợ thất bại, BBC đưa tin.

Hy Lạp phải trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF trong hôm nay, cùng ngày gói cứu trợ hết hạn.

“Quyết định của Hy Lạp về việc đóng cửa các ngân hàng chỉ là một yếu tố kịch tính nhất trong cuộc khủng hoảng đã vượt ra khỏi khả năng kiểm soát”, nhà phân tích thị trường Chris Beauchamp của hãng IG (Anh) nhận định.

Cuộc khủng hoảng leo thang đặt ra vấn đề liệu Hy Lạp có rút khỏi khu vực đồng euro gồm 19 quốc gia hay không.

“Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận, khả năng Hy Lạp thực hiện cải tổ là rất đáng ngờ”, AP dẫn lời nhà kinh tế học Rajiv Biswas của hãng IHS Global Insight (Mỹ).

Chuyên gia này cho rằng, việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro có thể hạ tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống 0,3 điểm phần trăm trong năm sau do các thị trường tài chính và thương mại bị gián đoạn.

Chưa hết hy vọng

“Việc Hy Lạp vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng euro sẽ tàn phá nền kinh tế Hy Lạp, nhưng không phá hủy nền kinh tế nào khác.

Vì thế, sự bế tắc của Hy Lạp sẽ gây lúng túng cho các thị trường tài chính, nhưng chỉ là tạm thời”, ông Mark Zandi, nhà kinh tế học hàng đầu tại nhà cung cấp dịch vụ tài chính Moody’s Analytics (Mỹ), nhận định.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn làn sóng hoảng sợ trên thị trường tài chính.

ECB cam kết sẽ mua 60 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng để hạ lãi suất và giúp đỡ các nền kinh tế sử dụng đồng euro. ECB có thể mua thêm và đổ tiền vào nhiều thị trường tài chính để trấn an các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, Hy Lạp vẫn có thể đạt được một thỏa thuận để đảo ngược thảm họa tài chính hiện nay.

“Các thị trường tài chính vẫn có cảm giác một thỏa thuận có thể đạt được để giữ Hy Lạp ở lại với EU”, BBC dẫn lời ông Paul Kavanagh - nhà kinh tế học hàng đầu của hãng Petronas (Malaysia).

Sau hai ngày cuối tuần xôn xao, nhiều người dân Hy Lạp hôm qua trở lại công việc, bất chấp việc các ngân hàng đóng cửa.

Nếu không có những dòng tít lớn tiêu cực trên hàng loạt báo ngoài sạp và những hàng người xếp hàng trước các máy rút tiền, không khí tại thủ đô Hy Lạp có vẻ vẫn bình thường.

Sau nhiều ngày tháng mệt mỏi và lo lắng, người dân Athens có vẻ đã học được cách sống chấp nhận thực tại, BBC đưa tin.

Trong phiên giao dịch chiều 29/6, giá dầu châu Á lao dốc vì giới đầu tư ồ ạt bán tháo trên thị trường chứng khoán, lo sợ Hy Lạp vỡ nợ.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, cuộc khủng hoảng Hy Lạp có thể gây tác động tài chính nghiêm trọng như vụ ngân hàng Lehman Bros (Mỹ) phá sản hồi tháng 9/2008.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại