Cả huyện bất ngờ với tài cứu sống tinh trùng của cựu Hiệu trưởng

Nhóm PV |

Thông tin về việc bà Huệ chữa vô sinh, hiếm muộn mới chỉ rộ lên khoảng hơn một năm nay.

Bài thuốc gia truyền chữa vô sinh không có tài liệu chứng minh

Bà Quách Thị Huệ (Như Thanh, Thanh Hóa) vốn là Hiệu trưởng một trường tiểu học về hưu bỗng chốc nổi như cồn sau bài báo viết về khả năng “cứu sống” tinh trùng đã chết.

Trao đổi với chúng tôi về khả năng này của bà Huệ, ông Lương Văn Hoàn (Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh) cho biết, bản thân ông chưa được đọc bài báo nhưng qua nhiều người phản ánh thì bà Huệ quảng bá khả năng của mình “hơi bị ác”.

Bản thân ông Hoàn nhận định, uống thuốc Nam để chữa vô sinh thì có người được, có người không.

Kho thuốc nhếch nhác của bà Huệ

"Kho" thuốc của bà Huệ.

Về góc độ là đơn vị quản lý trực tiếp, ông Vũ Đức Dũng (Trưởng phòng Y tế huyện Như Thanh) chia sẻ câu chuyện xung quanh việc hành nghề không phép của bà Quách Thị Huệ.

Theo đó, bà Huệ không treo biển quảng cáo, không hoạt động kinh doanh, cũng không phải cơ sở để khám chữa bệnh mà là mọi người tự tìm tới nhà bà để điều trị. Chính vì vậy, bà Huệ chưa đăng kí với cơ quan chức năng để làm thủ tục cấp phép.

Bản thân bà Huệ chỉ hoạt động theo quy định của Hội Đông y huyện Như Thanh nhưng hiện nay, hội này cũng không có hoạt động gì.

“Trên địa bàn huyện Như Thanh hiện tại có tổng thể 18 cơ sở hành nghề y tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động. Còn trường hợp bà Huệ không đăng kí là cơ sở khám chữa bệnh và cũng không có ý định đăng kí.

Bản thân bà Huệ cũng chưa đến đăng kí cấp phép dù chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần. Chúng tôi muốn xem bà ấy có tài liệu gì chứng minh thuốc của mình có tính chất gia truyền từ đời này sang đời kia hay không.

Nhưng cho tới thời điểm này, bà Huệ cũng chưa thấy mang tài liệu tới. Vì vậy, chúng tôi không có cơ sở nào để báo cáo làm thủ tục cấp phép hành nghề cho bà ấy mặc dù bà ấy vẫn “vâng” và hứa sẽ chấp hành” – ông Dũng khẳng định.

Ông Vũ Đức Dũng – Trưởng phòng Y tế huyện Như Thanh

Ông Vũ Đức Dũng – Trưởng phòng Y tế huyện Như Thanh.

Ông Dũng cũng đưa ra những khó khăn của đơn vị mình trong việc cấp phép hoạt động cho bà lang Huệ.

Theo đó, chức năng của phòng y tế không làm được điều này mà chỉ có thể nhắc nhở bà Huệ, sau đó làm việc với ủy ban xã, vận động bà Huệ có những thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền.

“Chúng tôi cũng không biết đó có phải là gia truyền không vì hiện tại không có tài liệu nào chứng minh điều đó.

Tôi cũng nhiều lần chứng kiến thuốc được bà Huệ vứt dưới sàn nhà. Bản thân tôi cũng nhắc nhở việc bảo quản thuốc thang để tránh mốc, dễ sinh bệnh” – ông Dũng chia sẻ thêm.

Ông Dũng cũng thừa nhận, thông tin về việc bà Huệ chữa vô sinh, hiếm muộn mới chỉ rộ lên khoảng hơn một năm nay, còn trước đó thì rất… trầm. Trên địa bàn cũng chưa có ai chữa vô sinh ở chỗ bà Huệ.

Những quảng cáo "tung trời"

Chia sẻ về những kiến thức chuyên môn, ông Dũng cũng nói, tinh trùng chết mà uống thuốc vào có khả năng phục hồi thì ông chưa nghe thấy.

Chỉ có khả năng tinh trùng yếu, uống thuốc trong thời gian dài để tiếp tục sinh ra tinh trùng khác khỏe hơn, có môi trường sống tốt hơn, không bị dị dạng. Bản thân tinh trùng đã bị yếu và dị dạng thì không thay đổi được.

Còn khả năng bà Huệ chữa được vô sinh cho nhiều cặp vợ chồng, ông Dũng cũng đặt ra giả thiết, bà Huệ có khuyên ăn kết hợp thêm giá đỗ và trứng gà.

“Giá đỗ giầu vitamin E, tăng khả năng đồng hóa và sinh tinh. Còn trứng gà là vitamin tổng hợp, nhiều protein, kết hợp cùng với các vị lá cây được bà Huệ cho bệnh nhân uống có khả năng sẽ có tác dụng” – ông Dũng nói.

Bà Huệ đang đếm tiền thuốc của bệnh nhân trả

Bà Huệ đang đếm tiền thuốc bệnh nhân trả.

Chia sẻ về việc bà lang Huệ bốc thuốc không cần có mặt bệnh nhân hoặc nếu có bệnh nhân ở đó thì chỉ cần vài ba câu hỏi về bệnh tình là có thể bán thuốc cho họ được, ông Dũng cũng đưa ra quan điểm:

“Bốc thuốc phải bắt mạch. Chẩn đoán trong y học cổ truyền là dùng các phương pháp: Vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi, sờ, nắn).

Đây được gọi là “tứ chấn trong Đông y”, ngoài việc chỉ nhìn thần thái, màu da trong trường hợp với các thầy thuốc có kinh nghiệm.

Nếu như không khám thì không biết hết được bệnh tình mà chỉ biết được một phần”.

Còn với các cán bộ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa thì cái tên bà lang Quách Thị Huệ lại rất xa lạ với họ. Trong sổ sách lưu trữ tại Sở cũng không hề có cái tên này và phía Phòng Y tế huyện Như Thanh cũng không có báo cáo nào liên quan tới trường hợp bà Huệ.

“Những trường hợp này cứ quảng cáo “tung trời” lên” – một cán bộ Sở Y tế Thanh Hóa cho hay.

Ông Bùi Hồng Thủy – Trưởng Phòng hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa) cho hay:

“Lâu nay những người hiếm muộn thường suy nghĩ tới những áp lực. Có thể khi chữa với bà lang này, họ tạo cho mình tâm lý thoải mái nên nhanh có con và bài thuốc trở nên có hiệu quả.

Chúng tôi sẽ yêu cầu Phòng y tế huyện Như Thanh kiểm tra lại trường hợp này và có báo cáo lên Sở”.

Những người hàng xóm, sát vách với bà Huệ cũng lắc đầu khi chúng tôi hỏi về kỳ tài cứu sống tinh trùng của bà Huệ. Với họ, bà lang Huệ vẫn được bà con chòm xóm nhắc tới với danh bà giáo về hưu.

Quay trở lại với bà lang Quách Thị Huệ, bà luôn khẳng định những thông tin đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về khả năng “cứu sống” tinh trùng của bà là đúng.

Khẳng định như thế, tuy nhiên, bà Huệ lại nói chưa bao giờ đọc những thông tin ấy trên mạng bởi lẽ… nhà bà không có vi tính hay internet.

Về việc không đăng kí giấy phép hành nghề, bà Huệ đưa ra ý kiến:

“Nhiều lần Phòng Y tế xuống nhắc nhở về việc đăng kí nhưng nói chung, bọn tôi không có hành nghề chi để đăng kí mà chỉ theo gia truyền làm thôi. Còn tôi cũng vào Hội Đông y của huyện và chấp hành theo quy định của hội”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại