Vết thương lạ trên hàng xà cừ cổ thụ ở HN: PGS.TS lên tiếng

Nguyễn Huệ - Lê Minh |

Vỏ cây xà cừ không có tác dụng làm thuốc, đó là ý kiến của một số chuyên gia lâm nghiệp cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực Đông y.

Hàng loạt cây xà cừ nằm dọc vỉa hè tuyến đường Lê Duẩn (tiếp giáp với công viên Thống Nhất - Hà Nội) hay cây xà cừ ở đường Kim mã, đường Láng mới đây đã bị đẽo phần vỏ.

Khi thấy người lạ đẽo vỏ cây, người dân có chạy ra hỏi thì những đối tượng kia cho biết: “Lấy vỏ cây về để dùng làm thuốc chữa bệnh”.

Để tìm hiểu thực chất công dụng của vỏ cây xà cừ trong việc chữa bệnh, chúng tôi đã trao đổi với PGS. TS Phùng Hòa Bình - nguyên Trưởng bộ môn Dược học Cổ truyền, trường Đại học Dược Hà Nội.

PGS. TS Phùng Hòa Bình - nguyên Trưởng bộ môn Dược học Cổ truyền, trường đại học Dược Hà Nội (trái) và lương y Phó Hữu Đức

PGS. TS Phùng Hòa Bình - nguyên Trưởng bộ môn Dược học Cổ truyền, trường đại học Dược Hà Nội (trái) và lương y Phó Hữu Đức.

PGS Hòa Bình cho biết, xà cừ hay sọ khỉ, quả gỗ (danh pháp hai phần: Khaya senegalensis) là một loại cây thuộc họ xoan (Meliaceae). Đây là loại cây có chứa nhiều độc tố.

Hơn nữa, PGS khẳng định: “Chưa có thông tin về cây xà cừ được dùng làm thuốc còn kinh nghiệm riêng của ai thì tôi không biết.

Cây xà cừ không nằm trong danh mục 400 vị thuốc chủ yếu của Bộ Y tế và cũng không có trong từ điển dược Việt Nam và người dân không dùng vì biết có độc.

Theo tôi, không đủ bằng chứng về độ an toàn thì không nên sử dụng”.

Bản thân PGS. TS Phùng Hòa Bình cũng đặt ra câu hỏi: “Nếu cây xà cừ thực sự làm bài thuốc tốt thì liệu còn tồn tại tới nay hay không, khi mà rất nhiều năm nay nó vẫn “đứng” ngoài đường mà không được bảo vệ?”.

Cây xà cừ bị đẽo vỏ trên đường Lê Duẩn

Cây xà cừ bị đẽo vỏ trên đường Lê Duẩn.

Lương y Phó Hữu Đức (Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thông tin, nhiều năm chữa bệnh bằng thuốc Nam dân tộc, ông chưa khi nào sử dụng vỏ cây xà cừ hay bộ phận nào đó của cây xà cừ để làm thuốc.

Ngay trong sách thuốc cũng không ghi chép về việc dùng xà cừ làm bài thuốc chữa bệnh.

“Xà cừ có tác dụng kết hợp vị khác để tắm chữa bệnh ngoài da, ghẻ ngứa nhưng đó chỉ là kinh ghiệm dân gian còn trong khoa học lại không sử dụng nó.

Nếu sử dụng xà cừ không cẩn thận sẽ dẫn tới bị ngộ độc” – lương y Đức cho hay.

Nhìn ở góc độ khác, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) nêu quan điểm: “Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại đẽo vỏ cây như thế hay còn một lý do nào khác.

Trong lâm nghiệp, nếu muốn chặt cây nào đi chúng tôi sẽ đánh dấu và sượt chéo trên thân cây.

Việc chặt, đẽo vỏ cây xà cừ không ảnh hưởng tới sức khỏe của cây, nửa năm sau nhựa nó ra lại phủ kín hết phần bị đẽo đó tạo thành những u ở trên thân cây. Rất nhiều cây xà cừ có u rất to, đây là phản xạ của cây để bảo vệ vết thương của nó”.

Chuyên gia lâm nghiệp lê huy cường
“Lý do đẽo vỏ cây xà cừ làm thuốc chỉ là bịa. Tất cả những tác động tới cây xà cừ không ảnh hưởng gì tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Thêm vào đó, đây là loại cây chống chịu sâu bệnh rất tốt”.

Trong cuốn “Cẩm nang cây trồng cây bóng mát đường phố Hà Nội”, chuyên gia Lê Huy Cường đã nêu rất rõ công dụng của cây xà cừ: “Gỗ đỏ đẹp, nặng, dùng đóng các đồ đạc thông thường. Cây dùng làm bóng mát trên đường phố hay các công viên”.

Theo thống kê của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đến hết ngày 15/4, Công ty đã phát hiện 35 cây xà cừ bị cạo, đẽo vỏ. Các mảng cạo và đẽo trên thân cây xà cừ hầu hết có kích thước khoảng 20x30 cm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại