"Nếu bị chặn, quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy như quân Thanh"

Tuấn Nam |

Tướng Lương cho rằng khi rút quân, nếu bị quân ta chặn thì quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy giống như quân Thanh.

Lời tòa soạn: Mới đây Tờ Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc trắng trợn tung clip tái hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.

Liên quan đến clip này là những con số và sự đánh giá về mức độ tinh nhuệ của cả hai phía.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thông tin trong cuộc chiến tranh năm 1979, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi một số người trực tiếp tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc này.

Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Sự thật đằng sau clip xuyên tạc lịch sử trên Hoàn Cầu thời báo

Bài 1: Chiến tranh 1979: Tướng Lương vạch trần sự bịa đặt trắng trợn

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc phần cuối của cuộc nói chuyện với Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Mã Lương về clip xuyên tạc lịch sử của TQ mới đây.

PV: Như vậy là Trung Quốc rất biết “địch”. Và họ cũng rất hiểu câu “Biết người, biết ta. Trăm trận trăm thắng”...

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Chính vì thế nên sau chiến tranh 1979, Đặng Tiểu Bình đã phải thốt lên rằng quân đội TQ cần phải tiến lên “tứ hiện đại”.

Sau cuộc chiến năm 1979, TQ bắt đầu thực hiện bốn hiện đại hóa về quân đội vì họ bộc lộ quá nhiều nhược điểm.

Thứ nhất là ngoài vũ khí, trang bị cho đến chỉ huy và người lính rất kém thì sự máy móc của người chỉ huy cũng như kinh nghiệm tổ chức hiệp đồng binh chủng là hầu như rất yếu.

Cái mạnh của TQ ngày đó là lấy số đông đè bẹp ý chí của lực lượng khác.

Thứ hai là quân đội TQ đi đến đâu thì có lực lượng dân binh đi theo để làm các nhiệm vụ: mở đường, dẫn đường làm công tác vận tải, thậm chí là cứu thương, dò la tin tức (trinh sát).

Một quân đội mà cứ duy trì như thế thì không thể thành công trong tác chiến với quy mô lớn, nhất là đối đầu với các quân đội hùng mạnh ngang cơ TQ. Đặng Tiểu Bình đã thấy được điều đó.

Một người lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh (Ảnh tư liệu)
Một người lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh (Ảnh tư liệu)

PV: Dù như vậy nhưng sau cuộc chiến đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, TQ vẫn luôn tuyên truyền rằng đã tiêu diệt được nhiều quân Việt Nam...

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Việc huy động 60 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc VN với một không gian chiến trường rộng và chiều dài biên giới nhiều km đã khiến họ tổn thất hết sức nặng nề.

Quân đội TQ chưa hề bao vây, tiêu diệt nổi một đại đội của VN trong khi chúng ta đã từng bao vây và tiêu diệt cả một tiểu đoàn quân TQ ở Lạng Sơn và Lào Cai.

Ở Lạng Sơn, đó là Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) – một trong những sư đoàn thiện chiến của quân đội ta được điều động từ miền Trung về Quân khu I làm nhiệm vụ phòng thủ trên hướng Lạng Sơn năm 1978.

Ở khu vực Hoàng Liên Sơn mà cụ thể là ở Lào Cai có Sư đoàn 316 – một sư đoàn trấn giữ chủ yếu ở Lào Cai và Lai Châu.

Ngoài 2 sư đoàn thiện chiến trên, chúng ta chỉ có các sư đoàn đang làm kinh tế quốc phòng được trang bị gấp chuyển sang nhiệm vụ chiến đấu.

Về các sư đoàn của các quân đoàn chủ lực, chưa có sư đoàn nào được lệnh hướng về phía biên giới. Trong các quân đoàn, lúc đó, Quân đoàn 4 và 2 đang làm nhiệm ở biên giới Tây Nam. Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ ở Tây Nguyên.

Chỉ có Quân đoàn 1 bảo vệ hậu phương ở miền Bắc. TQ chưa chạm đến một sư đoàn tinh nhuệ nào của các quân đoàn của VN. (Vì Sư đoàn 316 là của quân khu 2 và Sư đoàn 3 là của quân khu I).

Bằng chứng là 28/2, tôi tham gia đốc chiến Sư đoàn 312 (Sư đoàn Chiến thắng) của Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng), một trong những sư đoàn tinh nhuệ bước vào đánh.

Ý định của Bộ Quốc phòng ngày đó là đưa Sư đoàn 312 vào tiêu diệt một trung đoàn, đánh thử để rút kinh nghiệm.

Khi chúng ta dàn quân ở Đồng Mỏ thì đúng ngày 5/3, Đặng Tiểu Bình ra lệnh rút quân và Sư đoàn 312 được lệnh án binh bất động. Sau đó Sư đoàn 312 trở về vị trí của mình.

Nếu họ không rút quân thì sư đoàn 312 sẽ vào tác chiến để rút nghiệm.

Và nếu sau khi Sư đoàn 312 đánh thì dù kết quả của việc rút kinh nghiệm thế nào, các sư đoàn khác của Quân đoàn 1 ngay lập tức cũng tham gia vào cuộc chiến.

Con số tổng kết số quân của ta bị tổn thất khoảng 50.000 người cùng nhiều pháo và xe tăng bị phá hủy không dựa trên cơ sở nào.

Chưa có trận đánh lớn của hiệp đồng binh chủng quân đội VN với quân TQ nhưng quân đội TQ đã không chịu nổi mà phải rút lui.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng chí, đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới xâm lược của TQ. (Trích thông tin từ Hội nghị thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và UB trung ương MTTQ Việt Nam chiều 19/2/2014)

PV: Trong clip, họ nói họ chủ động rút về nước sau khi “thắng lợi huy hoàng”. Thiếu tướng nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Họ nói là chủ động rút về nhưng thực ra là không chịu nổi mà buộc phải rút quân.

Khi Đặng Tiểu Binh ra lệnh rút quân thì Tổng Bí thư Lê Duẩn ra lệnh không được ngăn chặn việc TQ rút quân, không được đánh úp quân TQ, để các đơn vị của TQ chủ động rút quân theo kế hoạch.

Nếu Tổng Bí thư không ra lệnh đó thì nhiều đơn vị của ta sẽ chặn đường rút lui của quân TQ. Việc này sẽ làm cho quân TQ hoảng loạn và tình hình sau đó như thế nào sẽ rất khó đoán được.

Nếu bị chặn đánh, khả năng sẽ không những giống quân Thanh rút chạy khi bị quân của Quang Trung đánh mà còn có thể loạn hơn. Khi đó họ sẽ phải vứt xe, vứt pháo mà băng rừng lội suối rút về nước.

Tuy nhiên, chúng ta theo đúng bài học của cha ông, khi địch đã rút lui thì để cho họ rút lui. Đó là một hành động rất khảng khái, đại nghĩa của quân VN.

Không phải là TQ giành được các mục tiêu rồi thì rút đâu vì mục tiêu của TQ là Hà Nội, là các tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Yên…

Họ dừng ở đó là lực bất tòng tâm thể hiện nhiều khiếm khuyết của quân đội TQ.

Cách tác chiến của quân đội TQ giống như cách tác chiến của một đội quân ô hợp vì phía sau đội quân đó có kết hợp với dân binh, giống đạo quân năm 1945 của Tưởng sang VN.

Điều đó chứng tỏ trình độ hiệp đồng tác chiến binh chủng trong những năm 70-80 của TQ cực kỳ là kém.

Bên Việt Nam, dù những người lính làm kinh tế quốc phòng nhưng đó đều là những người lính đã trải qua chiến đấu. Những cán bộ chỉ huy đều đã cầm quân chiến đấu.

Dù vũ khí không bằng các sư đoàn chủ lực nhưng đó là những người lính rất thiện chiến. Vì thế cách thể hiện trong chiến đấu của người lính VN khác hẳn với người lính TQ.

Đó là thực tế chiến trường thì dù nói đến đâu thì cũng không thay đổi được chút nào.

(Ảnh tư liệu)
(Ảnh tư liệu)

PV: Thưa Thiếu tướng, còn lý do nào khác khiến quân TQ phải vội vàng rút quân về nước như vậy không?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Buộc TQ rút quân còn một phần là từ Liên Xô. Ngày đó Liên Xô dàn hàng trăm sư đoàn tiến về phía Đông và sẵn sàng chia lửa với quân đội VN.

PV: Với những gì đã thể hiện trong clip, theo Thiếu tướng, clip này có ý nghĩa gì?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Clip xuyên tạc này chẳng có ý nghĩa gì về mặt khoa học chiến tranh cũng như lịch sử.

Nó chỉ càng làm cho người ta hiểu thêm về nỗi đau thất bại của quân TQ khi xua quân xâm lược VN.

Về mặt ngoại giao, clip này có ảnh hưởng nhất định đến đường lối đối ngoại của TQ đối với VN. Bởi vì sau khi họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 tại biển Đông, chính TQ là người đã “hạ nhiệt” làm lành với VN.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng đã trả lời phỏng vấn!

Một số nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:

+ Cánh quân phía bên trái cũng anh dũng vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam).

Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.

+ Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.

+ Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết...

+ Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam.

Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại