Mãn tang cha, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải là chính mình

Trần Trí |

Kim Jong-un phải là chính mình, bước ra khỏi bóng dáng của cha và ông nội - là nhận định của chính phủ Hàn Quốc cùng các chuyên gia độc lập, dịp chính thức mãn tang 3 năm cha của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Thứ Tư là dịp toàn dân Triều Tiên rạp mình tưởng niệm trước hình ảnh, tượng đài của nhà lập quốc Kim Il-sung và con trai ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il, người qua đời ngày 17.12.2011 vì đau tim.

Đấy là dịp mãn tang 3 năm theo phong tục Triều Tiên của Kim-Jong-un.

Trong thời gian qua, ông bắt chước phong cách của ông nội, và nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của cha, như thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN).

Kim Jong-un phai la chinh minh
Dân Triều Tiên tưởng niệm hai cố lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il 

Báo Rodong Shinmun-cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên nói hôm 14.12, rằng Triều Tiên đã trải qua “3 năm thánh” từ ngày qua đời của Kim Jong-il.

Báo này vạch lại những dự án lớn của Kim Jong-un và nhấn mạnh tuyên bố về chính sách song hành của ông: cùng lúc phát triển tăng trưởng kinh tế và hạt nhân.

Ngày 15.12, Bình Nhưỡng ra bài báo khác, tổng kết những thành tựu lớn của Kim trẻ trong 3 năm đầu tiên cầm quyền.

Việc Kim Jong-un xử tử hình chú dượng một thời quyền lực Jang Song-thaek hồi năm ngoái cũng được hãng thông tấn KCNA nêu là một trong những thành tựu.

Chính sách song hành nêu trên của Kim cùng các vụ phóng thử tên lửa tầm xa, cải cách giáo dục và nông nghiệp, việc xây khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong là những thành tựu khác.

Thanh trừng hàng ngũ, xử tử chú dượng

Dù vậy, Kim Jong-un phải là chính mình, theo Bộ thống nhất liên Triều (Hàn Quốc).

Khi Kim Jong-il qua đời, chưa ai biết gì nhiều về người con trai út được chọn kế ngôi của ông.

Lúc đó, Triều Tiên khẳng định: “Đồng chí Kim Jong-un là người thừa nhiệm cuộc cách mạng tự túc tự cường, và là lãnh đạo xuất sắc của đảng ta, quân đội ta”.

Trong 3 năm qua, Kim Jong-un nhanh chóng nhận các vai trò cấp cao nhất của đảng Lao động Triều Tiên, chính phủ và quân đội.

Sau khi trở thành Tổng tư lệnh tối cao của quân đội Triều Tiên hồi tháng 12.2011-ngay sau khi cha qua đời-Kim Jong-un trở thành bí thư thứ nhất đảng Lao động và là chủ tịch đầu tiên của Ủy ban quốc phòng hồi tháng 4.2012.

Tháng 7.2012, ông thăng hàm Đại tướng, cấp bậc cao nhất của quân đội Triều Tiên.

Ông nhanh chóng loại bỏ những người bị xem là nỗi đe dọa quyền lực của ông.

Trong khi tuyển dụng các cộng sự mới như hai tướng Choe Ryong-hae và Hwang Pyong-so, Kim Jong-un cũng trừng trị các lãnh đạo quân sự cùng thế hệ với cha ông, thậm chí cả những người dự lễ tang Kim Jong-il.

Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-ho là một trong những người bị mất chức.

Đỉnh điểm của cuộc thanh trừng là vụ ông xử tử chú dượng Jang (chồng của cô ruột Kim Kyong-hee) với tội danh phản quốc cấp độ cao.

Jang từng được xem là “quan nhiếp chính” trong những ngày đầu “ngự ngai” của Kim Jong-un.

Cùng lúc, Kim Jong-un tuyển chọn các nhà kỹ trị trong độ tuổi 50-60 để tận dụng kinh nghiệm, chuyên môn và cũng nhằm thu phục sự trung thành của họ.

Để nắm quân đội chặt hơn, ông thường thăng hàm và sa thải các lãnh đạo quân sự, đích thân thị sát sự sẵn sàng chiến đấu của binh lính.

Theo Bộ Thống nhất liên Triều (Hàn Quốc), chức Bộ trưởng Lực lượng nhân dân vũ trang Triều Tiên bị thay 4 lần kể từ tháng 4.2012.

Trong 3 năm qua, Kim Jong-un cách chức 28 chỉ huy quân sự rồi tái sử dụng 19 người.

Đường lối này khác hẳn cha ông, Kim Jong-il trong 3 năm đầu tiên luôn tuân thủ di chúc của cha ông, đồng thời giữ vị thế khiêm tốn là “Lãnh đạo kính yêu”.

Dù vậy, Bộ thống nhất liên Triều nói: chế độ Kim Jong-un vẫn còn những yếu tố bất ổn về lâu dài, dù đã có nhiều nỗ lực đảm bảo ổn định:

Quyền lực quá nhiều trong tay ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, dân chúng lo sợ cùng tính cách thất thường của Kim Jong-un, và khả năng đấu đá quyền lực trong giới lãnh đạo...sẽ kích động những hành vi phản đoàn kết.

Cũng trong 3 năm đầu của Kim Jong-un, Bình Nhưỡng nỗ lực tìm sự ủng hộ ngoại giao, khác hẳn thời cha ông dựa cậy mạnh vào mối liên minh với Trung Quốc.

Bộ Thống nhất liên Triều dự báo: chính sách mới này sẽ tiếp tục trong các năm tới, khi Bình Dưỡng tái tập trung vào tham vọng tạo cơ hội đàm phán song phương với Mỹ.

Nga nổi lên là đối tác ngoại giao chủ lực mới của Triều Tiên.

Moscow đã mời lãnh đạo Kim Jong-un thăm Nga, dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng (Hồng quân Liên Xô đánh thắng phát xít Đức, kết thúc Thế chiến 2) vào ngày 9.5.2015.

Chế độ Kim Jong-un cũng sẽ ráng nối lại quan hệ bị suy thoái với Bắc Kinh, đồng thời tiếp tục thương lượng với Nhật để đạt các lợi ích chính trị-kinh tế, theo Bộ thống nhất liên Triều.

Bộ này nói: nếu các nỗ lực ngoại giao này không thể cải thiện việc Triều Tiên bị cô lập, Bình Nhưỡng sẽ giương cành ô-liu hòa bình với Hàn Quốc.

Trong 3 năm qua, Kim Jong-un tỏ thái độ cứng rắn, không ngại đe dọa tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc.

Nhưng hồi tháng 10, ông cử đoàn đại biểu cấp cao qua thăm Hàn, trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận với Seoul. Nhưng chưa có sự tiến bộ nào để cải thiện quan hệ liên Triều.

Bộ Thống nhất liên Triều kết luận: Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục lo tìm lợi ích chính trị, như bảo vệ danh dự Kim Jong-un khỏi sự chỉ trích của Hàn Quốc, cứ không tìm những lợi ích kinh tế như các cuộc viện trợ nhân đạo.

Kim Jong-un phai la chinh minh
Kim Jong-un thị sát các cuộc tập trận 

Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích quân sự? 

Bộ trên cũng nêu: dù vẫn có khả năng khiêu khích vũ trang, như phóng thử tên lửa tầm xa, chế độ Kim Jong-un sẽ không thử hạt nhân vì bị Nga và Trung Quốc phản đối.

Cuộc thử hạt nhân khác sẽ là lần thứ tư, do Triều Tiên đã có cuộc thử thứ ba hồi tháng 2.2013.

Lúc đó, Kim Jong-un quyết định không chịu sức ép đừng thử của Bắc Kinh, khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Trong khi Triều Tiên tiếp tục đầu tư vào vũ khí, đã có sự hạn chế do bị quốc tế cấm vận và kinh tế khó khăn.

Chế độ Kim Jong-un đã chi 980 triệu USD cho chương trình quốc phòng năm 2012, chiếm 15,8 trong ngân sách. Năm 2013, Bình Nhưỡng chi 1,04 tỷ USD và năm 2014, khoản chi quốc phòng tăng lên 1,1 tỷ USD.

Bộ Thống nhất liên Triều nói: Kim Jong-un sẽ tiếp tục ra lệnh khiêu khích quân sự cấp thấp đối với Hàn Quốc, đồng thời nâng khả năng tấn công.

Năm 2011, khi Kim Jong-il còn cầm quyền, Triều Tiên chỉ 3 lần xâm phạm lãnh hải Hàn ở Lằn ranh phía bắc (NLL).

Thời con ông năm 2012, số vụ xâm phạm tăng lên con số 4.

Năm 2014, có 10 vụ khiêu khích ở vùng NLL.

Trong khi Kim Jong-il không hề thị sát, thăm-làm việc-chỉ đạo các cuộc tập trận năm 2011, Kim Jong-un tiếp tục tham gia các cuộc tập trận này: 3 lần năm 2012 và 11 lần năm 2013, và 24 lần trong năm 2014.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại