Tân Hoa Xã mổ xẻ một vấn đề "khó nói" ở Trung Quốc

Hải Võ |

Trong năm 2014, Trung Quốc đã khởi động “hành động săn cáo” rầm rộ trên phạm vi toàn cầu, nhằm tăng cường truy bắt những quan tham của nước này chạy trốn ra nước ngoài.

Trong một bài viết đăng gần đây, Tân Hoa Xã cho biết, chính quyền Bắc Kinh muốn rung chuông cảnh báo những quan tham vốn có suy nghĩ “kiếm đủ thì trốn là xong”, rằng “hải ngoại không còn là nơi hạ cánh an toàn nữa”.

“Hành động của nhiều nhân vật khả nghi đã được đưa vào tầm ngắm. Tội phạm đừng ảo tưởng đặt chân ra nước ngoài là sẽ được ăn ngon ngủ yên” - Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức tiết lộ.

5 năm bắt gần 7.000 người?

Chủ đề “quan tham xuất ngoại” vốn được coi là chủ đề nhạy cảm, "khó nói" ở Trung Quốc. Chính quyền nước này cũng chưa từng xác nhận một con số cụ thể về số lượng quan tham bỏ trốn trên thực tế.

Trong khi đó, thông tin đến từ các chuyên gia và giới quan sát thì “tam sao thất bản”. Mặc dù có nhiều ý kiến và số liệu khác nhau, nhưng có thể thấy số lượng quan tham đã trốn thoát ra nước ngoài nằm trong khoảng 4.000 - 18.000 người, nhiều gấp 4 lần so với con số mà Bộ Thương mại nước này công bố, và số tiền thất thoát gấp đôi - Tân Hoa Xã cho hay.

Giám đốc Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc Tào Kiện Minh từng tiết lộ hồi tháng 10/2013, rằng trong vòng 5 năm từ 2008 - 2013, chính quyền nước này đã “tóm” được tổng cộng 6.694 nghi phạm tham ô, nhận hối lộ.

Cũng theo Tân Hoa Xã, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã thông báo, chỉ tính riêng dịp lễ Trung Thu và Quốc khánh năm 2013, nước này đã có 1.100 quan chức xuất cảnh “một đi không trở lại”, trong đó 714 người bị xác định là tội phạm bỏ trốn.

Tháng 2/2014, Viện khoa học xã hội Trung Quốc công bố “sách xanh pháp trị” đưa ra cảnh báo rằng trong năm 2014, hiện tượng quan chức trốn ra nước ngoài sẽ nghiêm trọng hơn.

Đối với những nhân vật có sẵn các mối quan hệ và tài sản tại hải ngoại thì “cơ hội tẩu thoát còn lớn hơn” - Tân Hoa Xã bình luận.

Căn hộ cao cấp của một quan chức đã ngã ngựa tại Sydney, Úc.

Căn hộ cao cấp của "một quan chức đã ngã ngựa" tại Sydney, Úc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

"Phố quan tham", "làng tham nhũng" Trung Quốc tại Mỹ - Canada - Úc

Mặc dù chưa có con số chính xác từ chính quyền Trung Quốc về tình trạng quan chức đào tẩu, song Tân Hoa Xã cho biết truyền thông Trung Quốc và quốc tế đồng quan điểm rằng Mỹ, Canada và Úc là những lựa chọn hàng đầu của tội phạm tham nhũng bỏ trốn.

Tại các quốc gia này thậm chí đã hình thành những "phố quan tham" "làng con cháu tham nhũng" mang đậm chất Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, có phân tích cho rằng, 3 quốc gia trên là những nước có truyền thống nhập cư, đồng thời có chất lượng cuộc sống và trình độ giáo dục hấp dẫn.

Quan trọng hơn, hợp tác trong lĩnh vực tư pháp giữa Trung Quốc và Mỹ, Canada, Úc được đánh giá là còn rất nhiều điểm hạn chế.

Tân Hoa Xã cho hay, hiện tại Công an Trung Quốc và Cảnh sát liên bang Úc đã xây dựng một bản danh sách tội phạm kinh tế Trung Quốc tại Úc. Đây là bản danh sách "ưu tiên hàng đầu" và có không dưới 100 cái tên.

Bất động sản tại nước ngoài cũng thuộc một quan chức đã ngã ngựa.

Bất động sản tại nước ngoài cũng thuộc một quan chức "đã ngã ngựa". Ảnh: Tân Hoa Xã.

Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ công an Trung Quốc Liêu Tiến Vinh tiết lộ, hiện có hơn 150 tội phạm kinh tế Trung Quốc đang "tự do ngoài vòng pháp luật" trên đất Mỹ, trong đó phần lớn là quan tham.

"Mỹ là điểm đến số 1 của giới quan chức đào tẩu Trung Quốc" - Ông Liêu tiếp.

Bên cạnh Mỹ và Úc, Canada cũng được xem là "thiên đường của quan tham". Bất kể là hợp pháp hay phi pháp, người Trung Quốc đều thích cất giấu tài sản tại Canada.

Căn cứ theo tài liệu của Cục xuất nhập cảnh Canada, từ tháng 4/2011 - 6/2012, sân bay Toronto và Vancouver đã kiểm tra thấy 13 triệu USD tiền mặt không trình báo tới từ Trung Quốc - Tân Hoa Xã cho biết.

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã cũng nêu ra một nhận định khác, rằng không ít quan tham Trung Quốc chỉ mang tâm lý "trốn tới đâu cũng được", thậm chí có trường hợp để tẩu thoát mà phải lựa chọn những điểm đến kém hấp dẫn.

Theo đó, "hành động săn cáo 2014" của Bắc Kinh đã vươn đến Campuchia, Uganda, Nigeria, Fiji. Trước đó, tại Gabon, Kenya, Tahiti... đã phát hiện thông tin về quan chức tham nhũng Trung Quốc đào tẩu.

Được biết, chiến dịch "săn cáo" của Trung Quốc lấy Hồng Kông làm mục tiêu trọng điểm, sau đó là Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc, Singapore và các khu vực khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại