Hai phi hành gia: “Ước mơ phải đi đôi với nỗ lực”

NGỌC ĐÔNG - BÌNH MINH |

Họ là phi hành gia đầu tiên của đất nước mình: Christer Fuglesang của Thụy Điển và Phạm Tuân của Việt Nam. Họ đã ngồi cạnh nhau sáng 15-11 tại TP.HCM, và chia sẻ với Tuổi Trẻ về một thời bay bổng.

Ước mơ là động lực giúp con người vượt qua khó khăn, và nỗ lực chính là yếu tố giúp con người thành công

"Nhìn từ ngoài vũ trụ, hành tinh chúng ta đâu có biên giới nào đâu"

Phi hành gia Christer Fuglesang

với ước mơ của mình. Phi hành gia nổi tiếng của Thụy Điển Christer Fuglesang và anh hùng Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, đồng chia sẻ quan điểm đó. Cả hai gặp nhau nhân chương trình “Sáng tạo Thụy Điển” tổ chức tại TP.HCM.

“Sống rồi! Thành công rồi!”

* Trái đất nhìn từ vũ trụ có khác so với mường tượng của ông trước khi bay?

- Phạm Tuân: Khác nhau nhiều chứ. Những người đi trước có kể lại nhưng không thể bằng cảm giác bản thân mình trực tiếp ngắm và cảm nhận, vì mỗi người đều có cảm nhận khác nhau với cùng một sự việc, sự vật. Lên trên đó cái gì cũng bỡ ngỡ dù khi ở dưới mặt đất đã chuẩn bị rồi.

Tuy nhiên cảnh tượng nhìn từ trên cao cũng không mấy xa lạ vì tôi từng là phi công, cũng quen với việc nhìn Trái đất từ trên cao, cộng với trước khi bay cũng được xem nhiều phim ảnh quay Trái đất từ không gian.

- Christer Fuglesang: Trước khi bay, tôi cũng xem qua nhiều hình ảnh chụp Trái đất từ tàu vũ trụ, nhưng việc trực tiếp ngắm nhìn vẫn để lại trong tâm trí tôi ấn tượng rất mạnh mẽ. Từ trên cao, Trái đất không quá rộng lớn như chúng ta nghĩ.

Tôi cảm thấy chúng ta nên chung tay bảo vệ và chăm sóc hành tinh của mình, hợp tác giúp đỡ nhau như khi các phi hành gia cùng giúp đỡ nhau lúc ở ngoài không gian.

* Điều gì thú vị khi bay ra ngoài không gian?

- Christer Fuglesang: Đó là cảm giác trôi lơ lửng trong không gian, thật tuyệt vời! Cảm giác khi con tàu của bạn phóng lên không trung và sau đó bạn có thể ngắm nhìn Trái đất qua cửa sổ thật không thể diễn tả được.

Lúc hạ cánh cũng là một điều rất hạnh phúc, bạn biết mình đã về nhà sau chuyến chu du ngoài vũ trụ.

- Phạm Tuân: Cảm giác mình là người ngồi trên đỉnh tên lửa thật lâng lâng. Đó là cảm giác mà khi ở dưới mặt đất không thể nào biết được, người tự nhiên nhẹ bẫng đi.

Ngắm nhìn mặt đất từ tàu vũ trụ cũng là một trải nghiệm tuyệt vời, nhất là khi bay qua đất nước mình, nhìn thấy bờ biển đất nước mình, phấn khởi lắm.

Một cảm giác nhớ đời là lần hạ cánh đầu tiên, khi tàu bung dù từ độ cao 10km, nảy mấy lần mới tiếp đất. Khi ấy hai thầy trò tôi ôm nhau vui mừng: “Sống rồi! Thành công rồi!”.

* Cảm giác về bữa ăn đầu tiên sau khi kết thúc chuyến đi trở về mặt đất thế nào?

- Phạm Tuân: Bữa ăn đầu tiên sau khi đáp xuống mặt đất rất vui và thú vị. Đó là một cảm giác tuyệt vời bởi trên tàu con thoi không có thức ăn tươi, mọi thứ đều được đóng hộp và chúng tôi ăn để sống. Về Trái đất, tôi có được bữa ăn rất ngon, đó là chưa kể xung quanh có bạn bè, gia đình, có cốc bia, chén rượu và những lời chúc mừng từ mọi người.

* Vấn đề dinh dưỡng trên tàu vũ trụ như thế nào, thưa ông?

- Christer Fuglesang: Cơ quan NASA có chuẩn bị hơn 60 món ăn để bạn ăn thử và tự chọn cho mình một thực đơn thích hợp. Bạn cũng có thể tự mang theo một số thức ăn như bánh quy hay kẹo.

Tất cả thức ăn phải được đóng gói, bỏ hộp, hút chân không hoặc sấy khô để có thể bảo quản trong thời gian dài mà không cần tủ lạnh. Hương vị thức ăn cũng được nhưng khá chán vì chúng tôi chẳng có đồ ăn tươi.

Sau hai tuần đã thấy ngán rồi chứ đừng nói đến việc ăn liên tục trong sáu tháng. Chúng tôi có một chuyên gia dinh dưỡng theo dõi khẩu phần ăn để đảm bảo dinh dưỡng suốt chuyến đi.

- Phạm Tuân: Trên vũ trụ không có chế độ ăn uống đặc biệt. Phi công dưới đất ăn nhiều vì phải điều khiển vận hành máy bay, đi lại tập luyện. Trên không gian thì không tốn năng lượng nhiều nên chế độ ăn rất bình thường. Chúng tôi ăn đủ chất nhưng không nhiều như mọi người nghĩ vì không đổ mồ hôi, không cần đi lại, chỉ cần sử dụng hai tay và trí óc là chính. Một phi công tốn khoảng 4.000-4.500 kcal mỗi ngày, trong khi một phi hành gia chỉ cần một nửa năng lượng đó, tức 2.000 kcal/ngày. Thức ăn được đóng sẵn, ngày nào ăn gì thì lấy. Những ai muốn ăn nhiều hơn có thể lấy thêm từ phần ăn dự trữ. Mỗi ngày chúng tôi uống khoảng 2,5 lít nước, trong đó hơn 1 lít là mang từ mặt đất lên, phần còn lại được lọc từ nước tiểu, mồ hôi.

“Cứ ước mơ và không ngừng nỗ lực”

* Niềm đam mê và nỗ lực có vai trò thế nào trong việc thành công?

- Phạm Tuân: Khi trao đổi với thế hệ trẻ tôi đều nói mơ ước là quyền của mọi người, nhưng muốn mơ ước thành hiện thực thì phải đánh giá mình như thế nào, tự xem khả năng cá nhân như sức khỏe, nhận thức, học lực mình đến đâu, khi đó bạn sẽ có những định hướng đúng và không bị hụt hẫng nếu ước mơ không thành hiện thực.

Đôi khi ước mơ quá mãnh liệt cũng là động lực giúp ta thực hiện được mong ước của mình. Tôi đã từng không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để làm phi công nên chỉ cặm cụi đi học làm thợ máy.

Khi sang Nga, mỗi ngày nhìn thấy người ta lái máy bay, tôi chỉ ước được thử cảm giác bay lên khỏi mặt đất là thế nào, có giống như chim cò bay lên trời cao, tâm hồn sẽ rộng mở hơn không.

Năm 1965, có đợt tuyển phi công lái máy bay chiến đấu, tôi đã thử sức và nằm trong số 11/300 thợ máy đủ tiêu chuẩn.

- Christer Fuglesang: Tôi cũng nghĩ mơ ước cần phải gắn liền với khả năng của bản thân. Bạn cũng cần trang bị cho mình những điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho ngày mình có thể biến ước mơ thành hiện thực.

Ngay cả khi được chọn vào đội ngũ huấn luyện để trở thành phi hành gia rồi, bạn cũng phải không ngừng nỗ lực, không ngừng cải thiện bản thân để sẵn sàng cho ngày mình có thể bay vào không gian, thực hiện nhiệm vụ mà không phạm phải sai lầm.

Bên cạnh đó, nhiều người đủ giỏi để có thể bay vào vũ trụ, do vậy mà bạn cũng cần phải có yếu tố may mắn để có thể đạt được ước mơ của mình.

Một điều quan trọng nữa là bạn phải có kỹ năng xã hội, kỹ năng làm việc đội nhóm. Dù bạn có thông minh cỡ nào nhưng không thể làm việc chung với bất kỳ ai, thì trí tuệ của bạn cũng khó mà sử dụng được.

Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là một yếu tố quan trọng, mọi người đều phải học một vài thứ tiếng khác để có thể làm việc chung hiệu quả.

Cuối cùng, tâm lý vững vàng cũng là một yếu tố quan trọng, bạn không được lo âu hay sợ hãi khi trở thành phi hành gia.

* Ông có lời khuyên gì cho những bạn trẻ ở Việt Nam đang có ước mơ làm nhà du hành vũ trụ?

- Christer Fuglesang: Bạn không bao giờ biết khi nào cơ hội được làm phi hành gia sẽ đến với mình. Hiện nay thế giới đã có người Việt Nam, người Thụy Điển được bay lên vũ trụ. Chẳng có ai trong chúng ta là có ít cơ hội cả.

Nếu bạn muốn lên vũ trụ, hãy cứ mơ ước và luôn chuẩn bị cho những ước mơ đó bằng cách chăm chỉ học hành, trau dồi kiến thức cho bản thân, đặc biệt là ngoại ngữ.

Chẳng ai biết được khi nào thì cơ hội sẽ đến. Hãy làm những việc bạn cảm thấy thích, cho mọi người thấy là bạn có thể làm tốt công việc đó. Nếu có thể, hãy tìm thêm kinh nghiệm bằng những chuyến du học.

- Phạm Tuân: Thời gian chuẩn bị cho một chuyến bay không lâu. Chỉ cần ba năm là hoàn toàn có thể đào tạo được một phi công vũ trụ tốt. Thời trước chúng tôi bay theo kiểu thí nghiệm, họ thường chọn phi công hoặc người đã từng là phi công để bay.

Sau này thì đội bay bắt đầu có cả những nhà khoa học như Christer. Họ vừa bay vừa tập thêm kỹ năng bay, nhưng lên tàu họ có thể làm thêm các thí nghiệm. Đây là một bước phát triển trong việc xây dựng phi hành đoàn. Phi hành gia không nhất thiết phải là phi công và chỉ có thể bay, mà còn có thể vừa bay vừa nghiên cứu. Các phương tiện bay hiện nay cũng khác hơn xưa, việc bay trở nên nhẹ nhàng chứ không còn quá khó khăn nữa.

* Phạm Tuân sinh năm 1947 tại Thái Bình. Ông là phi công, phi hành gia và là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô. Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

* Nhà du hành vũ trụ Christer Fuglesang sinh năm 1957 tại Stockholm, Thụy Điển. Ông là công dân Thụy Điển đầu tiên bay vào vũ trụ trên tàu con thoi Discovery của Mỹ mang số hiệu STS-116 ngày 10-12-2006. Trước khi trở thành phi hành gia, Fuglesang là một nhà khoa học làm việc trong ngành vật lý kỹ thuật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại