Vì sao TQ kiểm duyệt gắt gao thông tin về "Cóc vàng khổng lồ"?

Hải Võ |

(Soha.vn) - Trang CNN đặt vấn đề “làm sao một chú cóc bơm hơi khổng lồ lại liên quan tới cựu Chủ tịch Trung Quốc”?

Một bài phân tích của CNN lý giải căn nguyên của hiện tượng này nằm ở ngôn ngữ giao tiếp bí mật của cư dân mạng Trung Quốc.

Gần 3 tuần trước đây, các quan chức Trung Quốc dựng lên chú cóc khổng lồ màu vàng cao gần 22m tại công viên Ngọc Uyên Đàm ở Bắc Kinh với mục đích thu hút du khách. Cóc vàng (kim thiềm) chính biểu tượng của tiền tài và may mắn trong văn hóa Trung Quốc. Theo mô tả chú cóc vàng ngồi trên một cánh sen khổng lồ và du khách có thể bơi thuyền xung quanh để chụp hình.

Nhà thiết kế chú cóc vàng mang tên “Phục Hưng thiềm” này cho biết cóc vàng được lấy cảm hứng từ chú Vịt vàng khổng lồ từng du hành qua nhiều thành phố Trung Quốc.

Cóc vàng Phục Hưng thiềm nổi bật tại công viên Ngọc Uyên Đàm

Cóc vàng Phục Hưng thiềm nổi bật tại công viên Ngọc Uyên Đàm. Ảnh: Tân Hoa Xã

CNN chỉ ra, khi Cóc vàng khổng lồ xuất hiện thì trên mạng xã hội Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc, giống với trang Twitter) gần như ngay lập tức xuất hiện những “ví von” giữa Phục Hưng thiềm và cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Chính quyền Trung Quốc ra tay ngay lập tức, khiến từ “cóc” hiện đã trở thành một trong những từ khóa bị kiểm duyệt gắt gao nhất trên mạng internet tại nước này.

Sự so sánh không chỉ là trò đùa về gương mặt có phần sưng húp của cựu chủ tịch Giang, mà còn trở thành một cách ẩn dụ mỗi khi người dân Trung Quốc bàn tán những câu chuyện có liên quan tới ông này.

Fu King-wa, giáo sư ngành báo chí một trường đại học Hongkong chuyên nghiên cứu vấn đề kiểm duyệt trên Weibo, cho biết: “Đó là một dạng ngôn ngữ ẩn”. Ông Fu cho rằng cư dân mạng Trung Quốc thường tạo ra những cụm từ và câu chuyện hài hước với mục đích giao tiếp với nhau, bởi thực tế bọn họ không thể “trực tiếp nói về vấn đề mà họ muốn nói”.

CNN tiết lộ, từ trước khi Cóc vàng Bắc Kinh gây được ấn tượng với công chúng thì trên Weibo, người dân đã đặt nickname “cóc” cho ông Giang Trạch Dân - người giữ cương vị Chủ tịch Trung Quốc từ thập niên 1990. Những hình ảnh của Cóc vàng chỉ “góp phần làm cho sự so sánh trở nên rõ ràng hơn” mà thôi.

Ông Fu King-wa nói thêm, mặc dù chú Cóc vàng tại công viên Ngọc Uyên Đàm không thật sự “giống” với ông Giang, nhưng người dân vẫn dễ dàng có sự liên tưởng. Ông này nói tiếp, khi người dân nhắc tới cóc nghĩa là họ muốn nói tới vị cựu chủ tịch này, đó là “một cách hiểu chung”.

Weiboscope, một công cụ online do ông Fu King-wa và đồng sự tạo ra nhằm theo dõi các sự kiện và thông tin bị kiểm duyệt, cho thấy kết quả “cóc” nằm trong top 5 từ khóa bị kiểm duyệt gắt gao nhất trong hơn 2 tuần vừa qua.

Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân không phải là nhà lãnh đạo duy nhất “được phong” nickname trên mạng internet. Cựu “Sa Hoàng ngành an ninh” Chu Vĩnh Khang, người vừa bị Bắc Kinh tuyên bố điều tra, cũng được cư dân mạng trên Weibo “tặng” biệt danh “Khang sư phụ” (tên một nhãn hiệu mì ăn liền rất nổi tiếng tại Trung Quốc).

Nhắc tới Chu Vĩnh Khang, người dân nghĩ ngay tới món mì Khang sư phụ

Nhắc tới Chu Vĩnh Khang, người dân nghĩ ngay tới mì ăn liền "Khang sư phụ"

Tương tự, sau vụ tin đồn thất thiệt chủ tịch Giang Trạch Dân qua đời bị phát tán ở Hongkong vào năm 2011, chính quyền cũng ngay lập tức đàn áp các nguồn tin trên Weibo.

Bất chấp những tranh luận trên mạng internet, công viên Ngọc Uyên Đàm vẫn thu hút rất đông du khách tới đây chèo thuyền và ngắm cảnh hoa anh đào.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại