Ông lão từ chối hàng tỉ đồng để giữ lại kỷ vật chiến tranh

Có nhiều đoàn khách lên thăm xong hỏi mua lại với giá hàng tỉ bạc ông đều từ chối. Với lão du kích già này thì “bán đi tiền bao nhiêu tiêu cũng hết nên ông để lại cho con cháu”.

Trong diện tích chừng 10m2, “bảo tàng mini xã Đại Lịch” đang trưng bày hàng trăm kỷ vật chiến tranh như chiếc bi đông sờn màu, vỏ quả đại bác, súng kíp, quả địa lôi, vỏ đạn cối 85, nắp mìn chống tăng, cái xà cốt… Mỗi kỷ vật là một câu chuyện biết nói, gợi cho người xem nhớ lại một thời bom đạn của đất nước.

“Nhăm nhe” kỉ vật từ lúc cháu đi dạm ngõ đến khi cháu lấy được vợ

Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng ông Hà Văn Tích (81 tuổi), thôn Thanh Bồng, xã Đại Lịch (Văn Chấn, Yên Bái) vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, nhất là khi có khách đến tham quan gian phòng trưng bày kỷ vật. Đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, ông Tích khiêm tốn đính chính: “Bà con trong xã yêu quý gọi là bảo tàng chứ nó chỉ là phòng trưng bày thôi”. Rồi ông chép miệng tiếc nuối: “Ngày xưa không biết xây rộng hơn một ít thì giờ có chỗ để được nhiều thứ nữa rồi”.

Cách đây 14 năm, ông Tích bắt đầu hành trình xuôi ngược lặn lội đi tìm những kỷ vật chiến tranh với mục đích chính là cho con cháu trong nhà mai sau lớn lên nhìn thấy và hiểu được những dụng cụ từng có ý nghĩa nhất định với lịch sử dân tộc.

Ông kể lại: “Ngày đó, tôi không đi bộ đội nhưng trong những năm tháng chống Pháp, tôi làm liên lạc cho xã bộ Việt Minh và huyện bộ Việt Minh tại địa phương. Đến năm 1958, tôi được tham dự Đại hội Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa và được gặp Bác Hồ”. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời chàng trai người dân tộc Tày này. “Từ lúc được gặp Bác, tôi càng có thêm quyết tâm phấn đấu làm được nhiều việc có ích hơn nữa”, ông Tích nhớ lại. Ông từng là xã đội trưởng, chính trị viên trưởng xã Đại Lịch trong cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm bí thư chi bộ xã đến năm 1987 thì về nghỉ hưu.

Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ, ông Tích dành hẳn phòng khách để trưng bày hơn 500 kỷ vật chiến tranh đã sưu tầm được. Có những thứ thân thuộc mà chỉ nhìn thoáng qua cũng gợi nhớ cho người xem một thời bom đạn của đất nước như chiếc bi đông sờn màu, vỏ quả đại bác, súng kíp, quả địa lôi, vỏ đạn cối 85, nắp mìn chống tăng, cái sà cột của Việt Nam, Liên Xô (cũ) và Trung Quốc…

Phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh.
Phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh.

Ông nói: “Nhìn thì thấy toàn những thứ bình thường, nhưng để có được gian phòng này tôi đã phải đi nhiều nơi rồi vận động hết con cháu đi làm ăn xa ở Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai… mới xây dựng được đấy”. Vốn là người cẩn thận, ông Tích làm hẳn quyển sổ dày ghi lại gốc gác của từng kỷ vật. Chỉ vào đầu quả đại bác bên ngoài có gắn tờ giấy nhỏ ghi xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) ông kể lại: “Có người con rể công tác trên đấy nói cho tôi biết. Khi tôi lên đến nơi thì đầu quả đại bác đang được cắm xuống đất dùng đựng những dụng cụ đi nương, tôi nói mãi người ta mới bán cho”.

Mỗi món đồ ông Tích đều trân trọng và đối xử như với chính chủ nhân của nó. Bởi theo ông có những kỷ vật đã được thác gửi linh hồn vào trong mà dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được. Chẳng hạn như cái áo chấn thủ, chiếc lược, con dao nhíp… của ông Hà Đức Chính - một du kích địa phương để lại cho vợ trước khi mất. Hay cái đèn dù là chiến lợi phẩm mà thượng úy Nguyễn Văn Dậu được Nhà nước Lào tặng thưởng trong cuộc chiến giúp giải phóng nước bạn - kỷ vật được chính tay vợ ông Dậu là bà Phạm Thị Cứ trao tặng lại cho ông.

Chiếc vỏ bom bi của gia đình ông Hoàng Đình Thúy mặc dù đang làm hương thờ cho đứa em gái nhưng vẫn quyết định tặng lại ông sau một đêm nằm tỉ tê ôn lại chuyện ngày xưa cả làng, cả xã tham gia du kích. Riêng với chiếc gậy Trường Sơn và chiếc tăng võng lại là một kỉ niệm mà thiếu tá Phạm Văn Chấn nguyên Trưởng công an huyện Văn Chấn đã trao tận tay cho ông kèm theo câu nói: “Bọn tớ hành quân ngày đeo võng tối võng lại đeo mình”…

Ông Tích kiêm luôn hướng dẫn viên cho bảo tàng mini này.

Ông vẫn nói vui rằng có lúc cũng phải dùng đến cả “mưu mẹo” và bằng nhiều cách như vận động cả chính quyền, anh em bạn bè giúp đỡ thì mới có được thứ đồ vật quý giá. Đơn giản như chiếc bình tông của Mỹ được thông gia là ông Kiều Xuân Ngạc ở Thanh Ba (Phú Thọ) tặng lại. Ông cười hoan hỉ bảo: “Đã “nhằm nhè” từ lúc thằng cháu nội của mình xuống dạm ngõ đến khi nó lấy vợ thì tôi mới được cái bình tông này đây”.

Có những kỷ vật đắt giá như khẩu súng ka-líp-xe do Liên Xô sản xuất ông mua năm 2006 với giá 10 triệu, ông tự hào bảo rằng: “Giờ có tiền cũng không mua được khẩu này đâu”. Khẩu súng là vật kỷ niệm của gia đình thiếu tá Triệu Ngọc Khói được bố vợ là ông Phạm Văn Đàng giao lại cho con rể giữ gìn trước khi chết. Ông cũng ngậm ngùi khi nhớ lại những bận nghe ở nơi này nơi kia có món đồ quý nhưng khi đến nơi họ lại vừa bán cho hàng sắt vụn, ông đành lủi thủi ra về với tâm trạng tiếc nuối, trách mình không biết tìm đến sớm hơn.

Từ chối hơn 1 tỉ đồng để giữ lại quá khứ hào hùng của quê hương

Bản thân cuộc hành trình đi tìm kiếm lại những kỷ vật chiến tranh của ông Tích cũng là một chuỗi những kỷ niệm đáng nhớ. Ông “lên đường” khi đã vào tuổi xưa nay hiếm, số vốn dắt lưng là tất cả tài sản mà ông đã làm lụng, ki cóp cả đời mới có được. “Đó là số tiền tiết kiệm từ năm 1970, lúc đó nhà tôi có 20 con cả trâu lẫn bò, bán với giá 100 nghìn đồng/con, tôi đem gửi tiết kiệm. Sau khi về nghỉ hưu, tôi còn tranh thủ đi làm bảo vệ cho Lâm trường Ngòi Lao suốt 10 năm, mỗi tháng 120 nghìn, khi thấy ổn ổn, tôi mới bắt đầu thực hiện tâm nguyện của mình”.

Ông Tích đang giới thiệu về hũ gạo nuôi quân của người dân xã Đại Lịch cho học sinh đến tham quan.
Ông Tích đang giới thiệu về hũ gạo nuôi quân của người dân xã Đại Lịch cho học sinh đến tham quan.

Bây giờ, một ngày mới của ông Tích luôn bắt đầu bằng việc dậy sớm tỉ mẩn lau chùi, sắp đặt cẩn thận những kỷ vật trưng bày. Ông còn kiêm luôn vị trí hướng dẫn viên cho bảo tàng mini của mình. Trong tuần, học sinh cấp 1, 2 trong xã, huyện thường tới nhà ông để tham quan. Có nhiều đoàn khách lên thăm xong hỏi mua lại với giá hàng tỉ bạc ông đều từ chối. Với lão du kích già này thì “bán đi tiền bao nhiêu tiêu cũng hết nên ông để lại cho con cháu”.

Ông tâm sự, ông muốn cháu của ông cũng như người dân địa phương biết được gốc tích của chiếc hũ gạo nuôi quân năm xưa mà bà con Đại Lịch đã góp cho cuộc chiến của dân tộc. Ngày đó, cả xã có 180 hộ, năm 1947 – 1950, bị giặc Pháp đốt mất 142 ngôi nhà nhưng tinh thần yêu nước của bà con vẫn rất cao.

Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, các gia đình mỗi bữa ăn bỏ vào hũ một nắm gạo, ngày hai nắm, cuối tháng cán bộ đi thu một lần. Hay chiếc đèn bão, đèn đất, siêu nấu nước… của cơ quan huyện đội Việt Minh đóng tại xã đã dùng. Cả chiếc ốp của những bà mẹ chiến sĩ dùng để lên rừng lấy thuốc nam về tán ra giúp thương binh, cán bộ hoạt động bí mật chữa bệnh sốt rét.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại