TQ muốn chiếm Senkaku/Điếu Ngư để trả mối thù 120 năm với Nhật

Hùng Anh |

Trong mắt Trung Quốc, việc đòi lại Senkaku/Điếu Ngư dường như là bước khởi đầu tốt..., đảo ngược bánh xe lịch sử với Nhật Bản, trả thù cho thất bại trong quá khứ.

Trong bài phân tích mới đây trên tờ Foreign Policy, giáo sư James Holmes đã nêu lên những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895), những bài học mà Nhật Bản và Trung Quốc cần phải quan tâm trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày nay.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang tiếp tục gia tăng căng thẳng ở các đảo và vùng biển trên biển Hoa Đông. Hồi cuối tháng 5, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay cách máy bay tuần tra hàng hải Nhật Bản 30m - một khoảng cách gang tấc đối với máy bay tốc độ cao. Ngày 11/6, máy bay Nhật Bản và máy bay Trung Quốc một lần nữa bay sát nhau ở khoảng cách rất nguy hiểm, và hai bên đều đổ lỗi cho nhau về vụ việc.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và Nhật Bản có lẽ nên nhớ lại các bài học từ cuộc chiến từ cách đây đúng 120 năm.

Dưới đây là những bài học được đề cập đến trong bài viết của giáo sư James Holmes. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

James Holmes là giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân tại Trường Các vấn đề Quốc tế và cộng đồng thuộc Đại học Georgia (Mỹ).

Bài học đầu tiên: Địa chính trị

Xung đột có giới hạn có thể mang lại những lợi ích sâu rộng cho một bên nào đó. Trận chiến sông Áp Lục năm 1894 - một cuộc giao tranh quy mô nhỏ giữa các hạm đội chiến đấu của Trung Quốc và Nhật Bản – đã giúp Nhật Bản giành được quyền kiểm soát Hoàng Hải và biển Hoa Đông.

Hiệp ước Shimonoseki ký kết tại Nhật Bản vào tháng 4/1895 buộc Trung Quốc phải từ bỏ Đài Loan và các đảo ngoại biên, phần lãnh thổ dọc theo bờ biển châu Á, đồng thời phải trả một khoản bồi thường lớn cho Nhật Bản. Từ đó, Trung Quốc không thể phản đối các động thái quân sự của Nhật Bản dọc bờ biển châu Á. Khi đã nắm quyền kiểm soát hàng hải, Nhật Bản đã thống trị luôn cả vùng Đông Bắc Á.

Về phần mình, Bắc Kinh muốn tái thiết lập hiện trạng địa chính trị như trước. Viết về cuộc chiến đã nửa phần bị quên lãng này, tác giả Sally Paine nhận định rằng, kể từ năm 1895, "trọng tâm chính sách đối ngoại của Trung Quốc là thay đổi kết quả, trong khi về phía Nhật Bản là khẳng định những gì đã giành được." Có vẻ như câu châm ngôn quân sự cổ xưa vẫn còn nguyên giá trị: Chiến tranh chưa thể kết thúc chừng nào kẻ bại trận chưa chịu từ bỏ.

Từ năm 1895, Nhật Bản đã quản lý Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông, điểm nóng xung đột hiện nay, vốn không chính thức nằm trong Hiệp ước Shimonoseki. Trong mắt Trung Quốc, việc đòi lại Senkaku/Điếu Ngư dường như là bước khởi đầu tốt nhằm hướng tới bãi bỏ hiệp ước hòa bình mà nước này cho là bất công, đảo ngược bánh xe lịch sử với Nhật Bản, trả thù cho thất bại trong quá khứ.

Bài học thứ hai: Diện tích nhỏ, lợi ích lớn

Tuy các vùng lãnh thổ tranh chấp có diện tích nhỏ nhưng lợi ích nó mang lại cho các bên liên quan là rất lớn. Cuộc chiến giành chủ quyền hàm chứa nhiều ý nghĩa, vượt quá những lợi ích vật chất thông thường. Đó là danh dự và uy tín quốc gia - những động cơ đủ mạnh mẽ để thổi bùng nhiệt huyết của cả hai phía.

Kết quả cuộc chiến Trung – Nhật là biểu tượng chính trị về thất bại tác chiến của Trung Quốc. Trên thực tế, đụng độ hải quân trên sông Áp Lục đã đảo ngược trật tự khu vực. Thất bại của Trung Quốc báo hiệu sự lụi tàn của một vương quốc sau nhiều thế kỷ bá chủ khu vực. Thật nhục nhã khi chính nó lại xướng tên Nhật Bản như vị thống soái mới ở châu Á.

Bắc Kinh luôn bị ám ảnh bởi tham vọng đảo ngược trật tự thế giới một lần nữa. Thất bại trong quá khứ vẫn còn là nỗi đau đớn dằn vặt cho Trung Quốc, thậm chí sau 120 năm cùng một số thay đổi về chế độ, trong khi đó, nước Nhật dân chủ không có ý định thay đổi hiện trạng đã giành được. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều hướng tới những giá trị to lớn ẩn bên trong lợi ích vật chất và vị thế quốc tế của mình - và sẵn sàng trả giá đắt cho những lợi ích đó bằng mạng sống, tiền của và khí tài quân sự.

Người Nhật Bản cắm cờ trên đảo Senkaku/Điếu Ngư

Người Nhật Bản cắm cờ trên đảo Senkaku/Điếu Ngư

Bài học thứ ba: Sức mạnh trên biển quyết định vị thế quốc gia

Đối với các cường quốc, sức mạnh trên biển là yếu tố quyết định vị thế quốc gia và cũng là phương tiện để bảo vệ lợi ích ngoài khơi. Các cường quốc cần lực lượng hải quân hùng mạnh để thực hiện sứ mệnh của mình. Hoàng đế Nhật Bản từng ban chiếu lệnh sẽ hiện đại hóa quốc đảo này sau Minh Trị Duy Tân năm 1868.

Kể từ đó, thợ đóng tàu Nhật Bản đã mất gần hai thập kỷ để xây dựng một hạm đội chiến đấu từ mớ hỗn độn gồm nồi hơi, súng ống và nhiều thiết bị nhập khẩu khác. Hạm đội Frankenfleet của Tokyo sau khi hạ thủy đã làm bẽ mặt hạm đội của nhà Thanh vốn dày dạn trận mạc và vẫn thường được ca ngợi là mạnh mẽ hơn người.

Sức mạnh trên biển rõ ràng là rất quan trọng. Đối với Tokyo và Bắc Kinh ở thời điểm đó, kết quả của cuộc chiến Trung-Nhật một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng hải quân.

Trung Quốc đã đóng nhiều tàu khu trục tiên tiến, một số lượng lớn tàu ngầm diesel trang bị tên lửa và cũng có tàu sân bay đầu tiên của mình - tất cả đều được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu trên bờ và tên lửa đối hạm có thể tấn công mục tiêu hàng trăm dặm ngoài khơi.

Về phần mình, Nhật Bản cũng có những bước đi phù hợp với động thái của Trung Quốc, tăng cường lực lượng tàu ngầm đẳng cấp thế giới, lần đầu tiên sau một thập kỷ nới lỏng chi tiêu quốc phòng - mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, vốn đã lớn hơn rất nhiều và vẫn đang tiếp tục tăng lên một cách nhanh chóng. Tokyo cũng tiếp cận các quốc gia ven biển châu Á khác đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh - các đối tác liên minh có thể bổ sung nguồn lực cho nhau khi đối đầu với Bắc Kinh trên mặt trận chính trị.

(còn nữa...)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại