Kỳ lạ giếng nước hễ phụ nữ tới múc là tự sôi sùng sục

Hoàng Ánh |

(Soha.vn) - Đó là một trong những giếng nước kỳ lạ nhất tại Việt Nam được người dân phát hiện.

Giếng nước chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh

Từ bao đời nay, không chỉ người dân thôn Cam Lâm mà dân làng khắp 8 thôn khác ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đều biết đến ngôi miếu cổ và giếng nước có khả năng chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh. Người dân trong vùng gọi đó là “giếng sữa ”.

Giếng sữa và ngôi miếu nằm sát dưới chân đồi Cấm ở thôn Cam Lâm, cách vài trăm mét từ lăng vua Ngô Quyền theo hướng Nam. Tương truyền đây là ngôi miếu rất cổ cùng có niên đại tương đương với rặng duối ngàn năm và lăng vua Ngô Quyền.

Vào thời loạn lạc, khi nơi đây vẫn là vùng núi hoang sơ không bóng người ở, một em bé mới chào đời bị bỏ rơi khát sữa khóc ngằn ngặt dưới chân đồi. Một bà lão đi ngang qua chứng kiến nhưng không biết làm thế nào để cháu bé nín. Bà chỉ biết bế cháu bé trên tay đi dọc đường với hy vọng tìm được nhà dân để xin nước.

Nước trong giếng sữa rất trong và luôn luôn ổn định dù vào mùa khô.
Nước trong giếng sữa rất trong và không bao giờ cạn

Đi mãi cũng không thấy bóng người, tới một thung lũng dưới chân đồi Cấm, bà thấy một mạch nước róc rách chảy từ trong hang đá bèn mớm miếng nước cho cháu bé. Đứa bé bỗng nhiên ngừng khóc và thiếp ngủ trên tay bà. Từ đó, bà dựng lều ở tại đây nuôi đứa trẻ. Khi mất, người dân trong vùng lập miếu thờ bà và gọi là “miếu mẹ” bên mạch nước thiêng gọi là “giếng sữa”.

Mạch nước sau đó trở nên thiêng liêng và được nhiều người biết đến khi vào mùa khô, tất cả giếng làng đều bị cạn trơ đáy thì thấy mạch nước vẫn đầy ăm ắp, trong vắt. Họ cùng nhau ra gánh nước về ăn, càng lấy nước càng trong càng đầy.

Đặc biệt nước giếng ở đây có thể gọi sữa cho những sản phụ bị tắc sữa, ít sữa sau sau sinh. Hiện nay, hàng ngày có nhiều ông bố bà mẹ khắp nơi về đây xin sữa về cho con bú.

Giếng vuông cổ bí ẩn hơn 600 tuổi

Những giếng nước cổ hơn 600 năm tuổi ở xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ đặc biệt bởi hình vuông ở miệng giếng mà còn mang những bí ẩn qua các câu chuyện của người dân trong vùng.

Không như giếng ở các vùng nông thôn miền Bắc, những chiếc giếng cổ ở Bá Hiến đều có miệng hình vuông được ghép từ 4 phiến đá hình chữ nhật (còn gọi là tang giếng) với độ sâu từ 4 đến 7m và quanh năm đầy ắp nước.

Giếng vuông cổ ở Vĩnh Phúc

Từ lâu người dân trong vùng vẫn cho rằng những giếng này do người Trung Quốc làm do trên mỗi giếng nước đều có khắc chữ Hán. Nhưng mới đây ban văn hóa xã có nhờ những chuyên gia Hán - Nôm của tỉnh về dịch nghĩa thì được biết giếng được làm từ thời Hồng Đức, cách đây hơn 600 năm.

Hiện nay còn chừng hơn chục chiếc giếng cổ nằm rải rác chủ yếu ở 4 thôn: Thích Chung, Quang Vinh, Thiện Chi và Bá Hương nhưng không phải chiếc nào cũng nguyên vẹn. Theo các cụ cao niên trong xã thì vì nhiều lý do có những giếng cổ đã bị lấp không còn vết tích. Số khác người dân đã lấp rồi nhưng sau vì các giếng đào mới đều cạn nước vào mùa khô nên lại phải khơi lại giếng cổ luôn đầy ắp nước quanh năm.

"Giếng trời" kỳ lạ trên đỉnh Trường Sơn

“Giếng trời” với nhiều hiện tượng kỳ lạ và cũng là giếng nước duy nhất được người Ma Coong, một tộc người sinh sống trên 18 thôn bản của xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tôn thờ.

Muốn đến giếng này, chỉ có một con đường đi duy nhất là theo Đường 20, xuất phát từ Động Phong Nha qua các địa danh đã đi vào lịch sử như hang Tám Cô, hang Nữ y tá, ngầm Ta Lê, núi Phu La Nhích, ngầm Chữ A…

"Giếng thần" trên đỉnh Trường Sơn

Người dân ở đây cũng đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ xung quanh chiếc giếng này. Đàn ông tới giếng múc nước để dùng thì không sao chứ đàn bà, con gái mà đến múc thì giếng sẽ xảy ra hiện tượng như tự sôi sùng sục, hoặc tự cạn mất nước hay xuất hiện rất nhiều con vật giống con loăng quăng, nước giếng đang trong trở lên hôi hám và bẩn thỉu.

Ông Quách Văn Tâm, nguyên cán bộ biên phòng Đồn 593 đóng trên địa bàn, hiện đang là Bí thư xã đã xác nhận những hiện tượng lạ kỳ này. Ông Tâm còn cho biết thêm, thời kháng chiến chống Mỹ, Thượng Trạch là xã nằm gần đường 20 nên đã trở thành trọng điểm đánh phá và càn quét của mật thám và thám báo. Trong một lần tản cư chạy giặc lên núi Ớt, bà con đã phát hiện ra chiếc giếng lạ kỳ này. Nó là nguồn cung cấp sự sống trong một thời gian dài cho 32 hộ dân người Ma Coong trong thời gian chạy giặc.

Nước giếng rất trong và mát rượi. Riêng mùa đông nước ở đây lại rất ấm. Người ta có thể múc và tắm cho trẻ con mà không bao giờ sợ bị cảm lạnh. Rất nhiều nhân chứng cho biết, mặc dù là nguồn nước duy nhất cho hàng trăm người sinh hoạt nhưng nước giếng không bao giờ cạn.

Tổng hợp theo Zing/Vietnamnet

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại