Bảo vệ chủ quyền trên biển không thể thiếu tàu tuần tra cỡ lớn

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Trước các hoạt động xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông, tàu tuần tra cỡ lớn là một nhân tố cần thiết trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

Trong suốt thời gian vừa qua, các lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn kiên cường bám trụ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại ngang ngược gia tăng lực lượng tàu chiến, máy bay quân sự bảo vệ giàn khoan trái phép, các tàu Trung Quốc thường xuyên rượt đuổi, đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, khiến các tàu của ta bị hư hại nặng.

Một phần khiến các tàu Trung Quốc hung hãn như vậy là bởi các tàu tuần tra, kiểm ngư của Việt Nam có lượng giãn nước, kích cỡ nhỏ hơn. Qua cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển lần này, chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của các tàu tuần tra loại lớn. Hành động đâm húc của các tàu Hải cảnh Trung Quốc sẽ khó thực hiện hơn nếu trong biên chế của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam có các tàu tuần tra cỡ lớn.

Để bảo vệ cho giàn khoan Hải Dương 981, Hải cảnh Trung Quốc đã điều động một số tàu tuần tra có lượng giãn nước lên đến 4.000 tấn. Điển hình là tàu Hải cảnh số hiệu 2401, 1 trong 2 chiếc tàu tuần tra có lượng giãn nước 4.000 tấn vừa được Trung Quốc đóng mới và đưa vào trang bị cho lực lượng Hải cảnh đặc trách khu vực Biển Đông, cùng với tàu Hải cảnh số hiệu 3401.

Tàu Hải cảnh-2401 có lượng giãn nước lên đến 4.000 tấn gây rất nhiều bất lợi cho các hoạt động chấp pháp của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam trong sự kiện HD-981.

Tàu Hải cảnh số hiệu 2401 có lượng giãn nước lên đến 4.000 tấn gây rất nhiều bất lợi cho các hoạt động chấp pháp của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam

Sắp tới, Hải cảnh Trung Quốc còn được đầu tư các loại tàu tuần tra có lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn, thậm chí lên đến 12.000 tấn. Khi đó Hải cảnh Trung Quốc sẽ có thêm nhiều công cụ để phục vụ tham vọng bá quyền trên Biển Đông.

Tàu tuần tra cỡ lớn - Lực lượng quan trọng bảo vệ chủ quyền VN

Từ sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, nhìn sang tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, có thể thấy rõ giá trị của những tàu tuần tra loại lớn.

Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản có biên chế khoảng 12.000 người, 455 tàu tuần tra các loại. Họ có nhiệm vụ thực thi pháp luật trên một vùng biển có diện tích lên đến 4.470.000km2.

Sở dĩ Cảnh sát biển Nhật Bản có thể thực hiện nhiệm vụ trên một vùng biển rộng lớn như vậy là nhờ trong biên chế của họ có những tàu tuần tra thuộc loại lớn nhất thế giới. Cụ thể, Cảnh sát biển Nhật Bản có 2 tàu tuần tra lớp Shikishima với lượng giãn nước lên đến 6.500 tấn. Con tàu này có thể thực hiện nhiệm vụ với phạm vi lên đến 20.000 hải lý.

Nhờ vào các tàu tuần tra cỡ lớn như tàu tuần tra lớp Izu lượng giãn nước trên 3.500 tấn, Cảnh sát biển Nhật Bản đã chặn đứng các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.
Nhờ vào các tàu tuần tra cỡ lớn như tàu tuần tra lớp Izu lượng giãn nước trên 3.500 tấn, Cảnh sát biển Nhật Bản đã chặn đứng các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Nhật Bản còn có tàu tuần tra cỡ lớn lớp Izu với lượng giãn nước 3.500 tấn, tàu tuần tra lớp Hida lượng giãn nước 2.000 tấn và tàu tuần tra lớp Hateruma lượng giãn nước 1.300 tấn.

Trong các cuộc chạm trán giữa các tàu tuần tra Trung-Nhật trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chiến lược đâm, húc của các tàu tuần tra Trung Quốc không thể phát huy tác dụng khi chạm trán với các tàu tuần tra cỡ lớn của Nhật Bản.

Cũng là một lực lượng mạnh ở châu Á, cảnh sát biển Hàn Quốc có 2 tàu tuần tra lượng giãn nước 6.300 tấn, 11 tàu tuần tra có lượng giãn nước 4.000 tấn, 12 tàu tuần tra có lượng giãn nước trên 2.000 tấn, 9 tàu tuần tra có lượng giãn nước trên 1.000 tấn.

Tất nhiên, với điều kiện của chúng ta hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam chưa thể so sánh được với Cảnh sát biển Nhật Bản, hay Hàn Quốc về quy mô và trang bị. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thì tàu tuần tra loại lớn là phương tiện cần được đầu tư.

Các tàu tuần tra cỡ lớn như DN-2000 hoặc lớn hơn cần được ưu tiên đầu tư trang bị trong thời gian tới.
Các tàu tuần tra cỡ lớn như DN-2000 hoặc lớn hơn cần được ưu tiên đầu tư trang bị trong thời gian tới.

Tàu tuần tra loại lớn vừa có thể thực hiện các hoạt động chấp pháp dài ngày trên biển kể cả trong điều kiện biển động, vừa là công cụ hiệu quả để chống "chiến thuật bẩn" của Trung Quốc.

Trên con đường bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, ngoài việc dựa vào pháp luật quốc tế, các bằng chứng lịch sử để chứng mình chủ quyền hợp pháp của mình thì việc sở hữu một lực lượng tàu tuần tra hiện đại, hùng hậu là một phần rất quan trọng.

Bản tin VTV - Tình hình Biển Đông ngày 30/5/2014

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại