Clip đặc biệt: Cậu bé lớp 3 tự đu dây, vượt bè nứa qua sông

Bảo Nhàn |

(Soha.vn) - Dưới đây là clip những hình ảnh xúc động về những đứa trẻ ở bản Cao Vều (xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) tự vượt bè nứa qua sông để đến trường...

Bản Cao Vều thuộc địa phận biên giới Việt Lào của xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Con sông Giăng chảy dọc theo bản mùa này nước trong xanh, lòng sông thêm rộng thẳm đã chia cắt đôi bờ. Người dân làng Trống nằm rải rác bờ bên kia, thay cho việc đi đường vòng phải vượt qua quả đồi dài khoảng 3km thì một số con em và người dân làng Trống đã tự tạo lối đi tắt cho gần bằng một cái bè nứa con con. Chiếc bè được nối với một dải dây thừng buộc vào gốc cây từ bờ bên này sang bờ bên kia. Muốn bè di chuyển phải kéo thật mạnh cái dây thừng.

Cứ tầm 11h trưa, em Lương Văn Trường là người dân tộc Thái, hiện là học sinh lớp 3, trường Tiểu học Cao Vều vội vã gửi xe đạp cho bà hàng xóm bên này sông để về nhà.

Trường cho biết, em đã biết bơi và tự đi bè khi còn học lớp 1. Bằng việc đi tắt bằng cách vượt sông này em tiết kiệm được rất nhiều thời gian đến trường, nhà cách trường khoảng 7km nên 4 rưỡi sáng em đã phải dậy để chuẩn bị đi học. Sáng nay cũng như mọi ngày, em phải nhịn đói, chưa có hạt cơm nào vào bụng, em đói lả đi và mong nhanh nhanh về đến nhà để được ăn cơm.

“Cả tuần chỉ có thứ tư mới học một buổi còn những hôm học cả ngày thì em phải đùm cơm đi học nhưng đùm cơm đi ăn không được no, về nhà được ăn no hơn”, Trường thủ thỉ.

>>> Xem clip do tác giả Bảo Nhàn thực hiện:

Trường nói: “Cha em hay uống rượu, mẹ em thì bị “ma nhập”, lúc thì bình thường, lúc thì tự nhiên cười to, có khi tự nhiên bị ngã, mẹ nói học hết lớp 3 bắt em nghỉ nhưng em không nghỉ đâu, không học thì ngu đấy!”.

Một số hình ảnh những em nhỏ này đu dây, đi bè nứa qua sông:

Em Lương Văn Trường đang mặc quần áo vào sau khi bơi sang sống để lấy bè.

Em đang buộc bè vào gốc cây.

Căn nhà huếch hoác, chỉ còn vào quả nhót để Trường lót dạ thay cơm.

 

Những đứa trẻ tự dắt díu nhau vượt bè nứa sang sông..

Chị Ngân Thị Hồng, hàng xóm của Trường cho biết: “Vì quanh năm gắn với sông nước nên từ khi con còn học mẫu giáo, chúng tôi đã dạy cho trẻ con biết bơi. Bố mẹ cũng đi làm suốt ngày, không có thời gian mà trông coi các em. Mùa cạn thì chúng tôi còn đi tắt được còn mùa lũ thì bị cô lập luôn. Trường xa nên có khi chúng tôi phải thắp đuốc cho con đi học, phải gửi xe ở bên kia sông chứ không đưa về nhà. Hôm nào có voi rừng về phá thì chúng tôi phải đưa con đi học cho yên tâm”.

Được biết năm ngoái, con trai của anh Hà Văn Nguật đang học mẫu giáo và con gái của chị Vi Thị Thu ở làng Bọp đưa nhau ra sông Giăng chơi thì không may bị sa chân vào các vực rồi tử vong.

Ông Phan Văn Đức, Phó Chủ tịch xã Phúc Sơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Đức, Phó Chủ tịch xã Phúc Sơn cho biết: “Làng Trống chỉ có số ít hộ ở xa đường chính nên phải đi tắt cho tiện, chúng tôi cũng không thể hỗ trợ về cầu nữa. Bản thì nghèo, đường thì dài nên chúng tôi cũng chỉ có thể vận động các Đoàn thể tu sửa đường cho bà con nhưng cũng không đủ nguồn vốn để thực hiện bê tông hóa theo chính sách “Nông thôn mới” được !”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại