Năm 2014: "Doanh nghiệp cần nhận ra thời thế đã đổi thay"

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển: Năm 2014, không ngoại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng khó khăn, thậm chí đi đến đóng cửa.

Năm 2013 đã khép lại với rất nhiều sự kiện gây xúc động và phẫn nộ; hy vọng và bối rối. Báo điện tử Trí thức trẻ xin trân trọng gửi tới Quý độc giả loạt bài viết: NĂM 2013, 2014 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHỮNG CHUYÊN GIA NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM.

BÀI 1: Hy vọng và tuyệt vọng của "Bông hoa thép trên thương trường Việt Nam"

BÀI 2: TS Alan Phan "chẩn bệnh": 3 điểm bất an của kinh tế Việt Nam

BÀI 3: TS Alan Phan: Tất cả dự báo bất động sản có thể sai hết

BÀI 4: "Không ngạc nhiên khi các đại gia Việt tuyên bố: Chán chơi rồi"

LTS: Trong một cuộc hội thảo quý 3/2013, TS.Trần Du Lịch cho rằng cấu trúc thành công nền kinh tế cần phải từ 3 – 5 năm, không thể chỉ bằng vài giải pháp trong 1 – 2 năm mà giải quyết được. Tiếp tục trao đổi với chúng tôi trước thềm năm mới 2014, chuyên gia kinh tế, TS.Đinh Thế Hiển đồng tình với quan điểm khi cho rằng: “nền kinh tế năm 2014 vẫn là đường nằm ngang”.

Năm 2014 phải quyết liệt hơn để thay đổi “chất” của nền kinh tế

- Thưa ông, một năm đã qua, với những thành công về tỉ giá ổn định, lãi suất ngân hàng (NH) hạ, vàng ổn định... của năm 2013, liệu đây có phải là tín hiệu tốt cho năm 2014?

TS. Đinh Thế Hiển: Nhìn chung kinh tế năm 2013 có nhiều điểm sáng trong mục tiêu ổn định kinh tế. GDP 2013 đạt 5,42%, thấp hơn kế hoạch một chút nhưng có cao hơn năm 2012. Nếu xét trên quan điểm kỳ vọng tăng trưởng thì GDP này là chưa đáp ứng. Nhưng nếu xét trên quan điểm ổn định và tái cấu trúc kinh tế thì mức này là phù hợp, thậm chí có thể chấp nhận thấp hơn nếu quyết liệt tái cấu trúc. Hoạt động xuất nhập khẩu, xét về cán cân thanh toán đã đạt mục tiêu, nhập siêu là 500 triệu USD, ở mức thấp đã góp phần ổn định tỷ giá.

Chính phủ và ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng đã đạt nhiều mục tiêu về tiền tệ - ngân hàng. CPI năm 2013 được xem là thành công của Chính phủ và NHNN. Liên tiếp 2 năm CPI dưới 7% sẽ góp phần rất lớn cho ổn định tiền tệ và hệ thống ngân hàng, tạo nền tảng cho tăng trưởng. Hệ thống ngân hàng thương mại đã xử lý xong 9 ngân hàng yếu kém, đưa lãi suất tiếp tục giảm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mà nguồn vốn huy động không giảm.

Tất cả kết quả trên đã tạo nền tảng ổn định và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển trong năm 2014. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm một số yếu tố tiềm ẩn, cần có những giải pháp khắc phục. Trước hết, kết cấu xuất nhập khẩu của VN có sự đóng góp ngày càng cao của khu vực FDI là điều đáng suy nghĩ. Cần phải tác cấu trúc nền kinh tế mạnh hơn nữa để gia tăng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, cũng như giảm tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên.

TS.Đinh Thế Hiển:
TS.Đinh Thế Hiển: "Trong năm 2014, chúng ta chỉ nên lạc quan đối với góc độ ổn định vĩ mô và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh từ sự hồi phục của kinh tế thế giới".

Về việc kiểm soát CPI, cần từng bước thay tác nhân kiềm chế từ kiểm soát tiền tệ sang nhờ điều hoà nguồn vốn sản xuất kinh doanh và nâng cao năng suất lao động. Điều này sẽ giúp các giai đoạn kích thích kinh tế trong tương lai không bị sức ép lạm phát.

Ngoài ra, việc tái cấu trúc ngân hàng cần tạo ra sự thay đổi về chất trong hệ thống, tạo ra sự khác biệt có tính cạnh tranh giữa ngân hàng lớn và nhỏ, giữa ngân hàng thương mại thuần tuý và Tập đoàn tài chính.

Quan điểm thành lập sở giao dịch vàng, cũng như nới lỏng điều kiện kinh doanh vàng của một số chuyên gia tài chính cũng là điều đáng xem xét để thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập với thế giới.

- Nhìn nhận về nền kinh tế năm 2014, không ít các chuyên gia đều kỳ vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn khi kinh tế Việt Nam hiện đang có mối liên hệ chặt chẽ với kinh tế thế giới và nhiều khu vực kinh tế lớn như Mỹ, Nhật - điểm đến quan trọng cho hàng xuất khẩu Việt Nam. “Nhìn chung kinh tế Việt Nam năm 2013 bình ổn dần và sẽ phục hồi mạnh từ năm 2014” - Giám đốc điều hành công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam đánh giá. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

TS. Đinh Thế Hiển: Để phát triển kinh tế luôn cần cái nhìn lạc quan để thu hút các nguồn lực trong ngoài nước. Tuy nhiên trong năm 2014, chúng ta chỉ nên lạc quan đối với góc độ ổn định vĩ mô và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh từ sự hồi phục của kinh tế thế giới. Chúng ta cũng có cơ sở để lạc quan về lĩnh vực nông nghiệp sau khi đã gánh chịu khá nhiều thiệt hại về giá nông sản, mà điển hình là giá gạo đang phục hồi trở lại.

Sự lạc quan này còn ở chỗ đã có sự chuyển biến tích cực về chất trong chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản với việc tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới chính sách. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần rất thận trọng trong mối quan hệ giữa gắn kết nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế với phục hồi thị trường bất động sản (BĐS)

Một khi các điều kiện phục hồi thị trường BĐS như đã nêu trên chưa mạnh, thì các chính sách hỗ trợ thị trường này phải gắn chặt với các phương trình khác như cân đối ngân sách, nguồn vốn cho nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất hàng hoá… Dứt khoát không để xu thế lướt sóng thị trường BĐS có điều kiện trỗi dậy mà chúng ta đã nổ lực hạn chế được trong các năm qua.

Đặt biệt, bên cạnh nhiệm vụ bức thiết trước mắt như phải đạt được tốc độ GDP ở mức trên dưới 6% để đảm bảo việc làm , thu nhập cho người dân cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn của hệ thống ngân hàng thương mại từ suy thoái BĐS… thì năm 2014 phải có những quyết liệt hơn trong việc thay đổi về chất của nền kinh tế. Đó là sự tăng trưởng kinh tế VN đã có chuyển biến giảm dần thâm dụng vốn, tài nguyên và lao động chuyển sang tính chất bền vừng dựa trên tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp cần nhận ra “thời thế đã đổi thay”

Năm 2014 sẽ còn nhiều doanh nghiệp
Năm 2014 sẽ còn nhiều doanh nghiệp "chết" vì nguyên nhân chính là các doanh nghiệp này không thực sự đổi mới theo nền kinh tế, kinh doanh còn dàn trải thiếu tập trung, sản phẩm không đạt chất lượng và có tính cạnh tranh.

- Điều gì của nền kinh tế Việt Nam khiến ông phiền muộn nhất/trăn trở nhất trong năm 2013? Ông có thể chỉ ra những rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải trong năm 2014 tới?

TS. Đinh Thế Hiển: Tất nhiên kết quả kinh tế 2013 không phải là xấu, mà có thể nói có nhiều mặt thành công. Tuy nhiên đứng dưới góc độ tái cấu trúc thì năm 2013 chưa thật sự chuyển biến mạnh mẽ.

Theo tôi, sau 10 năm phát triển nóng thì nền kinh tế đã đi đến “điểm biên” cần phải cấu trúc lại theo hướng bền vững như kinh nghiệm của các nước phát triển gặp phải, mà khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ là một tác nhân thúc đẩy thêm. Có thể, Chính phủ vẫn phải giải quyết với các khó khăn trước mắt, nhất là lạm phát và bất ổn về tiền tệ. Do vậy tái cấu trúc trong giai đoạn vừa qua vẫn chưa đạt kỳ vọng của một số chuyên gia.

Nếu đúng với nhận định này, thì cho dù năm 2014 sẽ tốt hơn năm 2013 từ những giải pháp kích thích kinh tế của Chính Phủ cũng như tác động từ kinh tế thế giới thì vẫn có nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng khó khăn, thậm chí đi đến đóng cửa. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp này không thực sự đổi mới theo nền kinh tế, kinh doanh còn dàn trải thiếu tập trung, sản phẩm không đạt chất lượng và có tính cạnh tranh.

Tất nhiên các doanh nghiệp đã thật sự nhìn ra “thời thế đã đổi thay” và mạnh dạn cấu trúc lại doanh nghiệp, chú ý tới thị trường, tới khách hàng hơn là chỉ lo kiếm vốn rồi cố gắng đẩy mạnh quảng cáo hình ảnh. Những doanh nghiệp đổi mới này sẽ vượt qua khó khăn và thành công.

- Có người nói: đồ thị của nền kinh tế Việt Nam năm 2014 vẫn là đường nằm ngang. Trên quan điểm cá nhân, phác họa đồ thị của nền kinh tế năm 2014 của ông là gì?

TS. Đinh Thế Hiển: Trong một cuộc hội thảo quý 3/2013, TS.Trần Du Lịch cho rằng cấu trúc thành công nền kinh tế cần phải từ 3 – 5 năm. Nhận định này xuất phát từ việc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ là một sự thay đổi về chất, không thể chỉ bằng vài giải pháp trong 1 – 2 năm mà giải quyết được. Tôi cũng đồng quan điểm này, do vậy sẽ không ngạc nhiên với nhận định “nền kinh tế năm 2014 vẫn là đường nằm ngang”.

Nhưng chỉ nằm ngang về giá trị GDP chứ tính chất tạo nên GDP sẽ có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên không loại trừ GDP 2014 sẽ tăng mạnh nếu Chính Phủ chịu sức ép phải nhanh chóng tăng trưởng kinh tế và sử dụng mạnh công cụ tiền tệ để kích cầu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại