Căng thẳng Hoa Đông: Nhật đã để tay lên cò súng?

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Căng thẳng ở biển Hoa Đông, Nhật Bản thường tố cáo Trung Quốc là kẻ quấy phá. Nhưng một số vụ việc gần đây cho thấy Nhật đã sẵn sàng đóng vai trò chủ động hơn.

Nhật tố Trung Quốc luôn là kẻ quấy phá

Tình hình biển Hoa Đông đang có những bước căng thẳng mới. Trước đây, theo lẽ thường, Trung Quốc bị Nhật Bản cáo buộc là kẻ quấy phá vùng biển quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Các tàu ngư chính, hải giám Trung Quốc và tàu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản thường xuyên đụng độ nhau tại vùng biển quanh Senkaku. Trên không, Trung Quốc thường xuyên phái các máy bay chiến đấu bay qua vùng trời Senkaku khiến máy bay Nhật Bản phải nhiều lần xuất kích ngăn chặn.

Hãng thông tấn Kyodo News dẫn lời chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong buổi họp báo tại Tokyo cho hay: “Vi phạm của các tàu công vụ Trung Quốc diễn ra rất thường xuyên, đây là điều vô cùng thất vọng và đáng tiếc”. Tuyên bố được đưa ra sau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sáng ngày 28/10/2013 phát hiện 4 tàu Hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo Senkaku lúc 9h30. Đây là lần thứ 68 tàu công vụ Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm Senkaku kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku hồi tháng 9/2012.

Theo Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, kể từ tháng 9/2012 khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này đến 10/2013, Lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc đã tiến hành 59 đợt tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Còn theo tờ Japan Times ra ngày 18/4/2013, tính tới hết tháng 3/2013, chiến đấu cơ Nhật Bản đã xua đuổi máy bay Trung Quốc 306 lần. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, máy bay Trung Quốc cứ 3 tháng một lần lại tăng số lần quấy rối không phận Senkaku kể từ tháng 4/2012.

 	Tàu công vụ của Trung Quốc bị Nhật Bản tố cáo nhiều lần xâm phạm Senkaku

Tàu công vụ của Trung Quốc bị Nhật Bản tố cáo nhiều lần xâm phạm Senkaku

Rõ ràng từ trước tới giờ, Trung Quốc thường bị Nhật Bản cáo buộc là kẻ xâm phạm, quấy phá. Đây cũng là điều dễ hiểu khi quần đảo Senkaku đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản. Trung Quốc luôn tìm cách thử thách giới hạn chịu đựng của Nhật Bản, rất may tình hình biển Hoa Đông luôn nóng bỏng nhưng chưa có bất kỳ hành động nào thiếu kiểm soát của hai bên có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa hai đầu tàu kinh tế, chính trị của Châu Á - Thái Bình Dương.

Sau màn đấu khẩu là gì ?

Những căng thẳng tiếp tục leo thang khi cả hai bên đều có những phát biểu hết sức cứng rắn.

Ngày 20/10, Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cho phép Lực lượng Tự vệ trên không bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) nước ngoài xâm phạm không phận quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông nếu các cảnh báo của lực lượng này bị phớt lờ.

Ngay lập tức Trung Quốc có những hành động. Ngày 25/10/2013, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phải điều chiến đấu cơ F-15 tới ngăn chặn 4 máy bay quân sự của Trung Quốc gồm 2 máy bay ném bom H-6 và 2 máy bay cảnh báo sớm Y-8 khi phát hiện chúng bay qua đảo Okinawa của Nhật Bản.

Trung Quốc cũng có những phát biểu đáp trả. Ngày 26/10, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh hôm tuyên bố, nếu Nhật Bản bắn hạ máy bay của Trung Quốc, đó sẽ là "sự khiêu khích nghiêm trọng và là một hành động chiến tranh".

 	Máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku vào ngày 9 tháng 9 năm 2013

Máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku vào ngày 9/9/2013

Ngày 27/10, Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JSDF) đã tiến hành cuộc diễu binh rầm rộ thường niên tại căn cứ huấn luyện Phòng vệ mặt đất Asaka thuộc khu vực Nerima Ward. Lần đầu tiên trung đoàn Bộ binh thuộc lực lượng cũng đã tham gia cuộc diễu binh. Đây là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ và đánh chiếm các đảo nhỏ. Phát biểu trước 4.000 binh lính, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết đảm bảo tiến hành các hoạt động tình báo và giám sát cần thiết để bảo vệ các hải đảo xa xôi của nước này và khẳng định nước ông "quyết tâm... không dung thứ cho việc dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng" ở châu Á.

Chỉ ngay sau đó một ngày, hôm 28/10 Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng buộc tội ông Abe "liên tục có những nhận xét mang tính khiêu khích" và "rất ngạo mạn".

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh khẳng định thêm: "Những bình luận khiêu khích của các lãnh đạo Nhật Bản liên quan đến Trung Quốc cho thấy phương pháp lừa dối của những chính trị gia này và sự ngạo mạn, lương tâm tội lỗi của họ".

Gió đã đổi chiều: Nhật thử thách giới hạn Trung Quốc?

Tiếp sau những lời phát biểu căng thẳng là những hành động thử thách giới hạn của nhau.

Ngày 28/10, bốn tàu của Bắc Kinh lại tiến vào vùng biển xung quanh Sensaku/Điếu Ngư. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc lần lượt mang số hiệu 1123, 2102, 2166 và 2350 đã đi vào vùng biển cách quần đảo Điếu Ngư/Senkaku 12 hải lý. Khi tàu cảnh sát biển Nhật Bản yêu cầu 4 tàu cảnh sát Trung Quốc rút khỏi lãnh hải Nhật Bản thì thuyền viên trên những tàu này đã dùng tiếng Nhật và tiếng Trung nói "Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc".

Trong một vụ việc khác, hãng Kyodo của Nhật Bản ngày 29/10 đưa tin, hai tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã đi qua một khu vực tiếp giáp vùng lãnh hải của Nhật Bản giữa đảo Yonbaguni và đảo Iriomote thuộc tỉnh Okinawa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong khi đi qua khu vực trên từ lúc 5h đến 9h sáng theo hải trình từ Thái Bình Dương tới biển Hoa Đông, hai tàu Trung Quốc đã có lúc hướng tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp trên biển Hoa Đông. Hôm 24/10, các tàu này cũng bị phát hiện lượn lờ xung quanh khu vực ngoài khơi của Okinawa.

Nhưng gây chấn động nhất cho thế giới đó là vụ xảy ra gần đây. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay (31/10) đã lên tiếng bày tỏ sự phản đối chính thức về mặt ngoại giao đối với cái mà nước này gọi là “hành động khiêu khích cực kỳ nguy hiểm” của phía Nhật Bản khi theo dõi một cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun cáo buộc một tàu chiến và một máy bay quân sự của Nhật Bản đã làm gián đoạn cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật của Trung Quốc hồi cuối tuần trước. Theo lời ông Yang, hôm 23/10, Trung Quốc đã phát đi một cảnh báo thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế về việc Hải quân nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở một khu vực nhất định thuộc Tây Thái Bình Dương trong thời gian từ ngày 24/10 đến 1/11. Tàu thuyền và máy bay các nước khác đã được khuyến cáo tránh xa khu vực tập trận.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cáo buộc tàu số 107 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cố tình xâm phạm vào vùng tập trận lúc khoảng 10h41 sáng ngày 25/10. Tàu chiến của Nhật Bản đã ở trong vùng tập trận cho đến 7h32 sáng ngày 28/10. Ông này còn tố thêm rằng, các máy bay do thám của Nhật Bản liên tục ra vào vùng tập trận của phía Trung Quốc.

Ông Yang chỉ trích gay gắt rằng: "Đó là một hành động khiêu khích cực kỳ nguy hiểm và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã gửi văn bản phản đối chính thức đến phía Nhật Bản”. Tokyo ngay sau đó đã phản bác cáo buộc này và khẳng định những gì Nhật tiến hành hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Những động thái gần đây cho thấy có vẻ như Nhật Bản đã sẵn sàng đóng vai trò chủ động hơn trong các sự kiện ở Hoa Đông. Họ đã sẵn sàng hành động, đẩy Trung Quốc vào vai kẻ bị thử thách sức chịu đựng. Đằng sau Nhật Bản là Mỹ, đồng minh quan trọng của họ. Liệu phải chăng Nhật Bản đã nhận được cái gật đầu của Mỹ? Đây là câu hỏi mà Trung Quốc cần phải tìm ra câu trả lời trước khi có những hành động leo thang tiếp theo.

Với những diễn biến như trên cùng với những mâu thuẫn sâu sắc do lịch sử để lại rõ ràng Trung Quốc và Nhật Bản hơn khi nào hết đang đến gần nguy cơ một cuộc xung đột. Cả thế giới đang nín thở chờ đợi những hành động tiếp theo của hai cường quốc Châu Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại