Tội ác của quân xâm lược đổ lên đầu gia đình Võ Nguyên Giáp

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - Cảnh sát và bọn cai ngục Pháp sẵn sàng dùng bất kể phương pháp gì để thuyết phục tù nhân của họ phải nói. Đối với Võ Nguyên Giáp và gia đình ông không có gì là khác.

Tại miền Nam Việt Nam càng ngày càng có nhiều người có tình cảm thân Nhật, trong khi tại miền Bắc nhiều người bị cuốn hút vào hoạt động của những người yêu nước theo xu hướng quốc gia hoặc cộng sản. Nhưng thời gian qua đi, ngay ở miền Nam, phần lớn người dân cũng từ chối đứng về phía Nhật Bản.

Võ Nguyên Giáp và Quang Thái tỏ ra kín đáo, thận trọng,cố gắng sống bình thường như mọi người. Tháng 5/1939, bốn tháng trước khi chiến tranh nổ ra trên cánh đồng Ba Lan, Quang Thái có thai. Càng gần đến ngày sinh, vào mùa xuân năm 1939 hai vợ chồng thường nói với nhau về đứa con sắp sinh và về tương lai của nó sau này. Ngày 4/1/1940, Quang Thái sinh hạ một bé gái và họ đặt cho con cái tên xinh đẹp là Hồng Anh. Như mọi cặp vợ chồng trẻ khác, cả hai đều rất hài lòng và hạnh phúc.

Những ngày thanh bình đó chỉ kéo dài vài tháng. Tháng 9/1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế và đặt ưu tiên vào việc giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc sau này trở thành Hồ Chí Minh hiện đang sống ở Trung Quốc và đã bắt đầu liên lạc với Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Mặc dù Quốc Dân đảng Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch kiểm soát về danh nghĩa nước Trung Hoa, nhưng đất nước rộng lớn này đang ở trong tình trạng gần như vô chính phủ – một vùng đất thu hút những người cách mạng và bọn phản động đủ loại. Cũng vì vậy Nguyễn Ái Quốc ở đây còn cảm thấy tương đối an toàn.

Theo lời khuyên của Nguyễn Ái Quốc, tháng 4/1940, Ban Chấp hành Trung ương quyết định cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc. Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ - Hoàng Văn Thụ gặp riêng Võ Nguyên Giáp để ra lệnh lên đường. Họ tính đến khả năng sẽ phát động một phong trào du kích bên trong Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp cho Quang Thái biết dự định của mình. Cô rất phấn khởi đòi được đi với chồng sang Trung Quốc. Võ Nguyên Giáp phản đối, cho rằng như vậy càng gây thêm khó khăn, chuyến đi phải giữ hoàn toàn bí mật. Nếu chỉ có hai người chuyến đi có thể không gặp nguy hiểm nhưng nay nếu đi cả bốn người thì tình hình sẽ khác. Có thể gây nguy hiểm cho bé Hồng Anh và điều gì sẽ xảy ra nếu khi đi đường bé bị ốm. Đảng đã quyết định cho họ. Quang Thái và chị là Minh Khai sẽ ở lại Việt Nam tiếp tục giữ liên lạc. Chỉ có Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp lên đường.

Tình hình càng phức tạp vì lúc đó Phạm Văn Đồng đang ốm và Võ Nguyên Giáp biết rằng sẽ khó mà đi tự do, theo con đường công khai mà không bị mật thám phát hiện. Họ chuẩn bị hành trang rất kỹ và hoàn toàn bí mật. Họ cũng hy vọng Quang Thái sẽ nhanh chóng tìm được một nơi chắc chắn để nhờ trông giữ cháu Hồng Anh để Thái có thể toàn tâm, dốc sức vào hoạt động bí mật.

 	Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh tư liệu.

Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh tư liệu.

Võ Nguyên Giáp và Quang Thái chia tay nhau trên bờ hồ Tây vào một buổi chiều thứ Sáu, ngày 3/5/1940. Nếu đợi dạy đến hết tuần ở trường Thăng Long thì Võ Nguyên Giáp sẽ có cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, để có thời gian đi đường lên biên giới phía bắc. Đợi đến sáng thứ Hai khi Giáp vắng mặt ở trường, người ta mới bắt đầu đặt vấn đề và ngay cả lúc đó, cũng phải mất vài tiếng nữa cảnh sát mới biết tin ra lệnh báo động thì lúc đó Giáp đã đi xa rồi.

Võ Nguyên Giáp rời khỏi trường học như thể đi chơi cuối tuần như thường lệ. Ông kể lại: “Quang Thái, bé Hồng Anh đợi tôi ở đường Cổ Ngư, ngày nay là đường Thanh Niên”. Bế con trên tay hai người sóng đôi theo hồ như mọi người đi dạo mát. Võ Nguyên Giáp đeo kính đen để học trò không nhận ra. Hai người thong thả bước bên nhau, cố giữ thái độ ung dung bình thường như một cặp tình nhân. Điều này đối với Võ Nguyên Giáp không khó nhưng với Quang Thái hẳn là không dễ.

“Em hãy ráng tìm người tin cậy gửi con, để có thể rút vào bí mật”. Võ Nguyên Giáp tâm sự với vợ, đặt lên hàng đầu yêu cầu của Đảng. Quang Thái trong tâm trạng bị giằng xé giữa cơn xúc động làm mẹ và sự trung thành với Đảng, cô không cầm được nước mắt, bật tiếng khóc. Một mặt xa chồng mà cô đã tỏ ý muốn đi theo để cùng hoạt động chống Pháp, mặt khác phải ở lại tìm nơi gửi con. Vừa là mẹ lại vừa là người cách mạng, đó là một trách nhiệm quá nặng nề đối với phụ nữ trẻ tuổi.

Họ thong thả quay trở lại đi theo đường Cổ Ngư rồi chia tay nhau xa dần, mỗi người một con đường. Võ Nguyên Giáp bước sang một khúc quanh lớn trong cuộc đời đầy gian lao nguy hiểm. Còn Quang Thái gạt nước mắt quay về nhà với ý định đi tìm nơi ẩn náu chắc chắn cho bé Hồng Anh. Họ sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Võ Nguyên Giáp và Quang Thái đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì lòng yêu nước và lý tưởng chung. Sau khi Võ Nguyên Giáp đi xa và gửi được con, Quang Thái cùng với Minh Khai vội vã đi khỏi Hà Nội trở về làng ở Vinh. Bị cảnh sát truy lùng, Minh Khai bị bắt tháng 7/1940.

Trong tù cô bị tra tấn một cách dã man để cô khai ra những tin tức về Đảng Cộng sản và hoạt động của Đảng. Tuy vô cùng đau đớn, nhưng cô không hề hé ra nửa lời. Bọn cai ngục đã bịt mắt cô và đem bắn tại Hóc Môn gần Sài Gòn, ngày 25/4/1941. Lời nói cuối cùng của cô là “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thắng lợi muôn năm!”

Quang Thái trốn thoát được sự truy lùng của cảnh sát cho đến tháng 5/1941 thì cũng bị mật thám Pháp bắt tại Vinh, thành phố quê hương cô, trong lúc cô đang đợi giờ phút chót chia tay bé Hồng Anh. Trước khi bị bắt, cô đã kịp giao con gái mới một tuổi rưỡi cho cô em, để thu xếp gửi bé về cho ông bà nội ở An Xá trông hộ.

Trong nhiều năm ông bà đã nuôi dưỡng chăm sóc cháu nội như cha mẹ nuôi con. Người Pháp đưa Quang Thái về giam ở Hà Nội. Nhiều năm sau, chính nơi này được phi công Mỹ bị bắt đặt biệt danh là Khách sạn Hilton Hà Nội. Quang Thái bị đem ra xử ở toà án binh vì âm mưu chống lại an ninh của nước Pháp và bị kết án khổ sai chung thân. Điều bọn ác ôn đã làm với người chị cũng được đem ra thi hành với người mẹ trẻ dũng cảm này.

Bị tra tấn đến tận cùng, không chịu nổi đau đớn lâu hơn nữa Quang Thái đã tự tử, theo một số người kể lại bằng cách nuốt một dải lụa mềm đến nghẹt thở. Theo một báo cáo khác của mật vụ Mỹ thì có một kết cục khác. Người Pháp đã buộc hai ngón tay cái treo người cô lên và đánh cho đến chết. Dù giải thích như thế nào thì Quang Thái đã hy sinh năm 1941 chỉ vài tuần sau khi Minh Khai bị xử bắn.

Trong nhiều năm gia đình Võ Nguyên Giáp còn phải chịu nhiều nỗi đau đớn do người Pháp gây ra. Hồng Anh còn nhớ cái chết của ông nội Cửu Nghiêm. Năm 1947, khi Pháp trở lại chiếm đóng tỉnh Quảng Bình, nhiều người dân chạy trốn, Hồng Anh viết: “Ông tôi không chạy đi đâu cả…, ông nói tao già rồi, tao không làm điều gì phi pháp hay có hại cho ai. Ông còn nói ông còn rất nhiều việc phải làm”.

Hồng Anh cũng kể lại cô cũng đã phải chạy trốn như thế nào: “Bọn trẻ chúng tôi được người lớn để vào trong thúng rồi gánh đi”. Cô cũng nhớ cái thúng đong đưa theo nhịp chân bước của người gánh. Cô ghi lại: “Tôi không bao giờ gặp lại ông nội nữa”. Năm 1946, trong một dịp đi họp qua An Xá, Võ Nguyên Giáp rẽ về thăm nhà.

Tháng 8/1947 ông Cửu Nghiêm bị Pháp bắt trong cuộc hành quân mở rộng sự kiểm soát ra toàn xứ Trung Kỳ sau khi đã tái chiếm Huế. Ông Cửu bị giam ở nhà lao Huế không xa Trường Quốc học. Bọn cai ngục yêu cầu ông công khai tố cáo hoạt động của con trai.

Ông cụ từ chối, Hồng Anh kể lại: “Ông bị chúng tra tấn. Một trong những nhục hình là buộc vào cái thanh đỡ va chạm sau xe ôtô bằng một cái thừng to rồi cho xe kéo lết đi”. Ông Cửu Nghiêm bị cầm cố một mình trong xà lim cho đến khi nhận ra lời kêu gọi trên sóng phát thanh con trai ông hạ vũ khí đầu hàng.

Cuối cùng bị kiệt sức vì những đối xử tàn bạo, ông mất tháng 11/1947. Võ Nguyên Giáp không có cách gì để cứu cha. Lúc này Võ Nguyên Giáp đang ở Việt Bắc, như Hồng Anh đã nhận xét, thi thể ông Cửu bị vùi chung trong một cái hố, gia đình không biết chắc ở chỗ nào mà tìm. “Mãi về sau này nhờ các chú rất dũng cảm (những người Võ Nguyên Giáp cử về) gia đình mới tìm thấy hài cốt đem về mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà”. Nếu phải biết vì sao Võ Nguyên Giáp hun đúc chí căm thù chống thực dân đến như thế thì chuyện người cha bị tra tấn đến chết cũng đủ để lý giải.

Mọi cách cư xử của người Pháp đối với Võ Nguyên Giáp và gia đình ông không có gì là khác thường, là ngoại lệ. Cảnh sát và bọn cai ngục Pháp sẵn sàng dùng bất kể phương pháp gì để thuyết phục tù nhân của họ phải nói, kể cả bắt uống no nước rồi giẫm chân lên bụng cho nước bắn ra qua mũi, tai, v.v…, tra điện, nhổ móng tay, móng chân và các hành động man rợ khác. Đối với phụ nữ, họ dùng dòng điện cắm vào chỗ kín mà nhiều người khi ra tù không ai không chịu di chứng, ảnh hưởng đến thiên chức của nữ giới.

Bọn cai ngục còn dùng lươn là loài vật có răng nhọn đưa vào họng hay âm đạo họ. Trong các vùng mềm và ẩm đó, con lươn cố vẫy vùng để thoát ra ngoài bằng cách cắn vào thịt nạn nhân. Bọn ác ôn nhìn nạn nhân quằn quại vì những vết cắn và luồng điện giật mạnh. Một lúc sau chúng rút các con lươn ra và bắt đầu cuộc thẩm vấn.

Đôi khi có những sự kháng cự rất anh hùng. Một nữ tù nhân hấp hối để giữ vững khí tiết, không khai, đã cắn lưỡi tự vẫn và theo như mọi người kể lại chị đã nhổ cái lưỡi đỏ lòm máu vào bọn thẩm vấn.

Năm 1982, Will Brownell, Giám đốc dự án Thư mục về Việt Nam ở Trường Đại học Colombia đã phỏng vấn Raoul Salan - một trong những tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Ông viết: “Những đòn tra tấn đối với người vợ (của Giáp) đã được khẳng định trong cuộc trò chuyện với Raoul Salan .Ông ta không ưa Tướng Giáp và không khâm phục Tướng Giáp, nhưng ông ta thừa nhận những tội ác chống lại Giáp. Ông ta thừa nhận có áp dụng tra tấn nhưng ông ta cố lẩn tránh bằng cách ghi nhận có áp dụng các tra tấn nhưng do thuộc quyền người Việt tiến hành chứ không phải do người Pháp.., Tướng Massu cũng thừa nhận như thế trong cuộc nói chuyện tháng 6/1974”.

(Trích sách: Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại