Thời gian dạy học ở trường Thăng Long và học Luật, Võ Nguyên Giáp tiếp tục ở trọ nhà giáo sư Đặng Thai Mai. Ông được học sinh kính trọng và được ca ngợi là dạy giỏi. Một trong những học trò của ông, Tôn Thất Bình bắt đầu có những ý nghĩ tốt về ông. Ông hoàn toàn thích hợp với tâm thức của nhà trường mà ai đó đánh giá là nơi vun đắp tình cảm chống thực dân và nơi diễn ra các cuộc thảo luận về tương lai nước Việt Nam.
Học sinh ở độ tuổi từ 14 đến 18, chương trình học của nhà trường tương đương với chương trình của học sinh trung học phổ thông. Võ Nguyên Giáp sử dụng lịch sử để đạt được mục tiêu chính trị của mình. Ông nghĩ rằng dạy môn lịch sử sẽ giúp ông làm cho học sinh thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước.
Sau này, nhiều học trò cũ vẫn nhớ những buổi dạy của thầy giáo Giáp. Ông Nguyễn Đình Tú kể lại: “Thầy Giáp được học sinh thật sự kính trọng. Đó là một người yêu nước vững vàng rất tận tuỵ, trung thành. Thầy luôn luôn nói cần phải hất cẳng người Pháp. Dĩ nhiên thầy không bao giờ nói về chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ nói chủ nghĩa quốc gia. Vì vậy trong mắt chúng tôi khi đó thầy là một nhà yêu nước, chứ chúng tôi không nghĩ thầy là một người cộng sản”. Võ Nguyên Giáp là một người cộng sản nhiệt thành đã biến những giờ dạy lịch sử thành một diễn đàn chính trị.
Thầy Giáp được học sinh thật sự kính trọng. Đó là một người yêu nước vững vàng rất tận tuỵ, trung thành.
Một học sinh khác, sau này cũng đi theo chủ nghĩa cộng sản và di cư vào Nam năm 1954 đã nói ông nổi tiếng trong đám học sinh là diễn giảng rất giỏi về các đề tài lịch sử đặc biệt là lịch sử quân sự. Nhiều học sinh cũ của ông nhớ về ông như một “chiến binh cuồng tín, không mấy khi mỉm cười và không để ai thuyết phục được ông trong bất cứ lĩnh vực nào”.
Ông còn nhớ “thầy Giáp có thể vẽ trên bảng đen những chi tiết cụ thể nhất về từng trận đánh của Napoleon.” Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của Ngô Đình Diệm tại Mỹ thời đó là một cậu bé 13 tuổi, đã nhớ về Võ Nguyên Giáp như hình ảnh một con người bị “quỷ thần ám ảnh về cách mạng và các trận chiến.”
Thầy giáo Giáp dạy về lịch sử nước Pháp từ năm 1789 đến giữa thế kỷ 19. Ông trình bày vấn đề theo cách riêng của mình. Bắt đầu buổi học, ông đứng trước lớp nhìn thẳng vào học sinh và nói: “Có rất nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp thời kỳ này. Nếu muốn tìm hiểu các em có thể tham khảo. Tôi sẽ chỉ nói với các em về hai chủ đề: Cách mạng Pháp và Napoleon.”
Nửa thế kỷ đã qua, ông Bùi Diễm không bao giờ quên được phương pháp sư phạm của thầy Giáp: “Sự miêu tả chi tiết về sự xa hoa cũng như đồi bại của Marie Antoinette đã đưa học trò đến một nhận định không chút nghi ngờ về số phận dành cho nền quân chủ Pháp. Thầy Giáp sôi nổi kể về Ủy ban Cứu quốc, Công xã Paris, về cuộc sống và cái chết của Danton và Robespierre.”
Võ Nguyên Giáp như bị hút hồn về cuộc Cách mạng Pháp và những nhân vật thời đó. Ông Bùi Diễm nhớ lại: “Võ Nguyên Giáp không phải chỉ là nhà sử học đơn thuần, ông còn là một trạng sư say mê, bênh vực chính nghĩa của lịch sử.”
Đi đi, lại lại một cách mạnh mẽ trong lớp, Giáp “mô tả lại từng hành động cho thấy rõ sự phát triển trong chiến thuật và chiến lược của Napoleon”. Từng trận đánh của Napoleon dẫn quân lính xông thẳng vào đội hình các quân đội các nước châu Âu hay từng trận đánh nhỏ, Võ Nguyên Giáp đều nhớ chi tiết.
Ông muốn học trò của ông hiểu “tại sao một đội long kỵ binh (kỵ binh cận vệ của nhà vua) lại được bố trí ở vị trí chính xác như thế hay đội cận vệ của Napoléon đã nổ súng đúng lúc như thế nào để giành chiến thắng”. Lớp học im phăng phắc, đám học trò thiếu niên đang ở tuổi hiếu động bị cuốn hút về những câu chuyện kể hết sức hấp dẫn như sống lại đến từng chi tiết võ công hiển hách của Napoleon.
Võ Nguyên Giáp nói rằng ông giảng giải kỹ về các trận đánh của Napoleon đơn giản vì ông có trách nhiệm phải giảng về Cách mạng Pháp. Vì vậy ông phải nghiên cứu kỹ chiến lược và chiến thuật của Napoleon.
Có một thời gian ngắn, đám học trò hay gọi ông với biệt danh “ông tướng” hay “Napoleon” vì ông say sưa giảng về chủ đề quân sự trong Cách mạng Pháp (56 năm sau, được hỏi về các biệt danh đó, vị “tướng về hưu” đã lâu chỉ phá lên cười với sự vui vẻ).
Theo lời đồn đại “dáng đi và cách nói của Giáp giống hệt Napoleon, nói những câu ngắn gọn, đầu hơi cúi, tay thọc vào túi áo vét.” Theo miêu tả của các bạn đồng nghiệp, ông là một con người có vẻ mặt điềm tĩnh, lạnh lùng như một người chơi poker đang suy nghĩ nên hạ con bài nào, nhưng lại hay giận dữ giữa những phút im lặng như hòn đá.
Người ta kể lại, một hôm một giáo sư hỏi ông: “Không chơi kiểu Napoléon à?” Giáp trả lời: “Mình sẽ là một Napoleon!” Có thể ông đã nghĩ đến điều đó, vì khá lâu sau, trong những cuộc trả lời phỏng vấn ông hay có điệu bộ như hoàng đế Napoleon đang độc thoại trước các nhà báo.
Giáp quan tâm đến học sinh không phải chỉ trong các giờ lên lớp mà cả trong các buổi gặp gỡ bên ngoài. Thỉnh thoảng đám học sinh đến nhà ông trò chuyện sau những buổi lên lớp, và ông luôn cố gắng tác động vào quan điểm chính trị của họ. Ông Bùi Diễm nhớ lại Giáp có bộ Tư bản luận bằng tiếng Pháp trên giá sách. Giáp giục ông (Diễm) nên đọc Marx và các tác phẩm có xu hướng xã hội khác “nhưng tôi không mảy may quan tâm và còn nghi ngờ mô hình Mác-xit mà Giáp đưa ra.”
Giáp muốn học trò của mình phải học thật giỏi. Bản thân ông đã chăm chỉ miệt mài học tập trong những năm ở Trường Quốc học Huế, nên ông muốn chúng theo gương ông cũng hăng say học tập như thế. Khi học ở đại học luật cũng thế.
Ông đòi hỏi mình phải học giỏi. Vì vậy ông để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong các giáo sư dạy ông. Ông ưa thích luật và kinh tế chính trị. Đó là những môn học ông quan tâm từ khi còn làm báo Tiếng dân.
(Trích sách: Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá)