Các chuyên gia giáo dục nói gì về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp?

Đình Phong |

(Soha.vn) - Ý kiến bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT gây tranh cãi nhiều trong vài năm nay. Còn lãnh đạo Bộ GD cho rằng chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp ngay được. Vậy, bao giờ mới có thể bỏ được?

Câu chuyện nên hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết và vẫn là chủ đề bàn luận của các chuyên gia giáo dục.

Và gần đây, tại cuộc họp Uỷ ban Trung Ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thường kết quả tốt nghiệp không cao, không phản ánh thực chất lại tốn kém. 

Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không?

Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không?

Trả lời báo chí, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: Con em mình trải qua hai kỳ thi gần nhau hết sức khổ. Thí sinh phải ôn 6 môn thi trong thời gian ngắn rồi thi đại học gây vất vả cho học sinh. Vì thế trong một thời gian ngắn không nên tổ chức hai kỳ thi liên tiếp mà nên bỏ bớt 1 kỳ. 

“Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bằng tốt nghiệp do hội đồng thi các trường xem xét và đề nghị giám đốc các sở GD-ĐT quyết định, ký bằng”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Còn PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh cho rằng thời điểm này chưa thể bỏ tốt nghiệp nhưng Bộ GD nên tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng hơn bây giờ, giảm áp lực cho học sinh, không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia nặng nề, căng thẳng như hiện nay.

Cụ thể, PGS đưa ra phương án việc thi cử cho các Sở GD hoặc các trường tổ chức nghiêm, chặt chẽ và dựa vào điều kiện cụ thể từng nơi miền núi, thành thị để ra đề thi phù hợp với học sinh. 

Cũng đồng tình với ý kiến đó, GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, có học thì phải có thi và không nên bỏ hẳn một kỳ thi mà nên thay đổi cách thi và chương trình sách giáo khoa. 

Trao đổi với báo giới vào ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đến năm 2014, Bộ GD vẫn tiến hành tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng giải thích rằng: “Thi tốt nghiệp là hoạt động kiểm tra đánh giá trong cả quá trình học tập của thí sinh, xác định trình độ, năng lực có đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT hay không. Đồng thời động viên sự cố gắng hứng thú học tập của học sinh, cải tiến phương pháp của giáo viên, điều chỉnh hoạt động dạy, học sau thi”.

Về vấn đề kỳ thi tốt nghiệp gây tốn kém, gây sức nặng cho thí sinh nếu đặt tốt nghiệp và đại học, cao đẳng gần nhau, Thứ trưởng cho rằng: “Có thể bỏ thì đơn giản, nếu quản lý mà cái gì chưa được cũng bỏ thì không giải quyết được. Có thể giải quyết bằng cải tiến bên trong, nếu không được thì phải bỏ.

Tuyển sinh vẫn có nhu cầu, tốt nghiệp vẫn có nhu cầu. Có thi tốt nghiệp hay không vẫn phải công nhận tốt nghiệp. Phải giải quyết đồng bộ thi, tốt nghiệp, tuyển sinh”.

Và theo Thứ trưởng, bỏ thi tốt nghiệp THPT là khó, phức tạp, không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng thấy băn khoăn. Có những nước giờ đã quan tâm hơn, Nga đã bỏ và đang quay lại, Việt Nam đang nghiên cứu.

Cũng theo ý kiến của lãnh đạo Bộ GD, đến khi có phương án mới, đề án“Đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015” được thông qua thì Bộ GD mới có thể công bố phương án đổi mới thi lấy ý kiến sau đó mới quyết định chính thức. Như vậy, năm 2014, Bộ GD vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như bình thường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại