Vụ 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin: “Lãnh đạo Bộ Y tế phải cầu thị”

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - “Tôi rất lấy làm tiếc là những người đương chức, đương quyền lại nói là tiếp tục tiêm. Tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo của Bộ Y tế phải cầu thị thôi”.

Liên quan đến việc không đến thăm 3 gia đình ở Quảng Trị có các cháu bé tử vong sau khi tiêm vắc xin ngày 20/7 vừa qua của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dù có chuyến công tác tại tỉnh này 2 ngày với lý do đã kín lịch, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoài Thu – nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu

Bà Hoài Thu cho rằng: “Không cần có chuyến đi Quảng Trị thì mới đến thăm gia đình các cháu bé tử vong do tiêm vắc xin. Đây không phải chỉ là chuyện của ba cháu bé mà còn đó là chuyện của cả một thế hệ tương lai của đất nước, của dân tộc. Nếu không có sự động viên kịp thời thì sẽ có phản ứng dây chuyền, người dân không hợp tác trong việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm. Đó là việc nguy hiểm cho các thế hệ tương lai. Việc không thăm nom, chia sẻ, động viên các gia đình là không nên”.

Theo bà Hoài Thu, nếu Bộ trưởng quá bận thì có thể cử một cán bộ của Bộ đến thăm, động viên các gia đình có cháu bé tử vong. Chưa biết khuyết điểm thuộc về ai nhưng lời xin lỗi sẽ làm an lòng, nguôi ngoai đối với các gia đình.

Khi được hỏi về giả thiết ở vào vị trí của Bộ trưởng Y tế trước sự việc đáng tiếc vừa qua, bà Hoài Thu cho rằng: “Vì lý do bận mà đang đi ngang qua địa phương đó, nếu có quyết tâm thì vẫn có thể thu xếp được thời gian đi thăm ba gia đình có con tử vong do tiêm vắc xin. 

Hoặc nếu không đến được thì cũng nên nói rằng: “Trong chuyến đi này, tôi không đi được nhưng cử một thứ trưởng hoặc một cục trưởng chịu trách nhiệm vào thăm và cho tôi gửi lời chia buồn và xin lỗi tới gia đình với tư cách là người đứng đầu ngành y tế do chưa chu đáo. Bộ sẽ quyết tâm tìm ra nguyên nhân vì sao các cháu bé tiêm vắc xin này lại bị tử vong như vậy”".

“Còn so sánh việc này với việc Bộ trưởng tranh thủ chuyến công tác ở phía Nam đã đi thăm một bệnh nhân là con của Chủ tịch huyện đảo Trường Sa đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì tôi thấy cũng đáng vì cùng trong chuyến công tác chứ nếu ở Hà Nội mà bay vào TP. Hồ Chí Minh thì chắc là không nên. 

Nếu có điều kiện đi thăm người nào bệnh nặng, gặp rủi ro đến tính mạng thì đều tốt hết vì đó là người đứng đầu cơ quan nhà nước về chăm sóc sức khoẻ toàn dân mà”, bà Hoài Thu liên hệ.

Liên quan đến những ý kiến cho rằng bà Nguyễn Thị Kim Tiến không còn xứng đáng với vị trí Bộ trưởng Y tế, bà Hoài Thu nói: “Tôi không tán thành những lời yêu cầu Bộ trưởng Kim Tiến từ chức. Tôi thấy việc đó là không tốt. Ở nhiều nước trên thế giới, đúng là có chuyện khi xảy ra một sự vụ lớn thì các bộ trưởng thường từ chức nhưng đó là khi người ta nhận thấy trách nhiệm của người ta quá lớn trong đó. Ở Việt Nam thì khác, còn do cơ chế, nếu người lãnh đạo thấy trách nhiệm của mình trong việc này thì cũng phải họp kiểm điểm”.

Bà Hoài Thu chia sẻ tiếp: “Một số vị quan chức trong ngành y tế về hưu rồi nói rằng ông ấy sẽ không cho con cháu mình tiêm vắc xin như ở Quảng Trị. Tôi đã đọc các bài viết có phát biểu của các vị đã về hưu phân tích vấn đề này và tôi thấy có lý. Ví dụ như vắc xin đó đang để lạnh quá thì phải để ra ngoài cho bớt lạnh chứ đưa vắc xin lạnh như nước đá vào trong mạch máu của trẻ nhỏ như thế thì có nguy hiểm hay không?

Nhưng tôi rất lấy làm tiếc là những người đương chức, đương quyền lại nói là tiếp tục tiêm. Tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo của Bộ Y tế phải cầu thị thôi. Chẳng có vấn đề gì về sỹ diện ở đây cả vì Việt Nam cũng không phải là nước tiến bộ nhất thế giới về khao học công nghệ cũng như y tế. Phải xem tổ chức y tế thế giới nói gì về việc tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24h, nhất là thông tin từ nước sản xuất ra chính loại vắc xin này để rồi có kết luận chính thức chứ.

Tôi nghĩ rằng cần phải có tiếng nói chung của người có trách nhiệm và của nhân dân để người dân đồng tình với việc đó. Tóm lại Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về sức khoẻ của nhân dân thì phải chịu trách nhiệm trong việc này”.

Khi được hỏi việc về các tư lệnh ngành nên có phát ngôn và hành động như thế nào để xứng đáng và để nhân dân không phản ứng dữ dội, bà Hoài Thu cho hay: “Việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua đã cơ bản nhận xét đánh giá được các thành viên của Chính phủ cũng như những người mà Quốc hội bầu, phê chuẩn. Còn bây giờ, mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm có một “biển báo” phía trước rồi thì phải tự sửa. Biển báo tốt thì cũng phải cảnh giác, không được chủ quan. 

Những vị Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều thì là do làm các công việc tiếp xúc với dư luận nhiều thì Quốc hội cảnh báo nhiều. Và tự mỗi Bộ trưởng khi đó cần phải chọn cho mình một con đường sao cho không bị thổi còi nữa. Và dù chọn con đường nào thì việc nói đi đôi với làm cũng vô cùng quan trọng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại