Hoang mang với gà nhiễm kháng sinh

Việc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố 5 mẫu thịt gà lấy trên thị trường qua kiểm nghiệm phát hiện tồn dư kháng sinh cloramphenicol đã khiến người tiêu dùng thêm hoang mang.

Trong điều kiện thực phẩm sạch-bẩn lẫn lộn như hiện nay, làm thế nào để tránh ăn phải thịt gà nhiễm kháng sinh là điều không đơn giản với phần lớn người tiêu dùng. Đáng nói, cả 5 mẫu thịt gà nhiễm kháng sinh đều là gà nhập lậu, cho thấy những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng khi ăn phải loại thực phẩm này rất lớn. 

Cloramphenicol từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi vì nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo các nhà khoa học, chất cloramphenicol có nguy cơ gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, gây thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch và gây còi xương, chậm lớn ở trẻ. Chưa kể, nhiễm lượng cloramphenicol cao còn gây tình trạng kháng sinh ở người, làm giới hạn khả năng điều trị nhiễm trùng…

Hoang mang với gà nhiễm kháng sinh
Không dễ để phân biệt đâu là gà nhiễm kháng sinh độc hại. Ảnh: TL

Trước đó, vào cuối năm 2012, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) qua kiểm nghiệm với 5 mẫu thịt gà tại chợ Hà Vỹ, đã phát hiện cả 5 mẫu đều tồn dư kháng sinh sulphadiazine, cũng là một loại kháng sinh cực độc, cấm sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam. 

Tương tự, vào tháng 3-2013, Cục này khi kiểm nghiệm 5 mẫu thịt gà nhập lậu tại Lạng Sơn, 10 mẫu tại Quảng Ninh đã cho kết quả 4/5 mẫu ở Lạng Sơn và 10 mẫu thịt gà tại Quảng Ninh đều có tồn dư kháng sinh cycline. 

Hai loại kháng sinh này nếu sử dụng nhiều trong thời gian dài có thể gây suy gan, suy thận...  Như vậy, những lần kiểm nghiệm khác nhau trên thịt gà nhập lậu đều cho thấy loại thực phẩm này không hề an toàn cho sức khỏe. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 768 vụ, thu giữ hơn 32 tấn gà lông, 97 tấn gà thịt, gần 450.000 quả trứng, 96 tấn phụ phẩm gia cầm nhập lậu... 

Các lực lượng chức năng cũng cho rằng, đã kiểm soát được cơ bản tình trạng nhập lậu gia cầm. Nhưng trên thực tế, việc vận chuyển gia cầm qua các đường tiểu ngạch vẫn diễn ra phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, chưa kể, để tránh bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu còn đưa gà thải loại về nuôi trong nước một thời gian, rồi “trộn” với gà ta để đánh lừa người tiêu dùng. 

Tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, vẫn tồn tại nhiều quầy hàng bày bán gà thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dấu kiểm dịch. “Nói thật, dẫu họ có đóng dấu kiểm dịch thì con dấu màu xanh nhờ nhờ, đóng vào con gà cũng rất khó biết được dấu thật hay giả. Mà có phải lúc nào cũng mua cả con gà đâu, nếu mua một phần, người bán sẽ nói ngay là phần có dấu bán rồi. Nói chung là chẳng biết đường nào mà lần”, bà Phương, trú tại Hàng Đậu, ngán ngẩm nói. 

Dù “đi chợ chuyên nghiệp”, nhưng bà Phương cho biết, vẫn rất khó phân biệt đâu là gà nhập lậu và đâu là gà ta, nếu đã làm thịt. Để dễ nhận biết, chỉ có cách mua gà sống, nhìn lông mượt, gà khỏe, sờ hậu môn nhỏ, da mềm... là gà ta, vì gà nhập lậu, do là gà đẻ thải loại nên thường bị trọc đầu, hậu môn to, sần (do đẻ nhiều), nhìn gà không nhanh nhẹn. 

Tuy nhiên, mua gà sống rồi thuê làm thịt thường mất nhiều thời gian chờ đợi, nên không phải ai cũng có điều kiện để mua. Chưa kể, không phải chợ dân sinh nào cũng có bán gà sống. Gà sống lại phải mua cả con, không phù hợp với gia đình ít người… 

Thế nên, dẫu biết gà làm sẵn không thật sự “đáng tin”, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chọn mua vì nhiều tiện lợi. Theo các cơ quan chức năng, sở dĩ gà nhập lậu thường tồn dư lượng kháng sinh lớn vì đây là gà nuôi trong thời gian dài, từ 1 -1,5 năm để lấy trứng, vì vậy gà được tiêm vắc-xin, trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh. 

Do dùng nhiều kháng sinh trong thời gian dài nên lượng tồn dư kháng sinh trong thịt gà thải loại rất cao, và ở những nước nuôi loại gà “siêu trứng” này, thịt gà không được dùng làm thực phẩm cho người. Thực tế cho thấy, dẫu các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực, nhưng gà nhập lậu vẫn tồn tại trên thị trường, cả với gà sống và gà làm sẵn. 

Chưa kể, với những thực phẩm chế biến sẵn từ thịt gà thì càng không lấy gì đảm bảo đấy không phải là gà nhập lậu – vì giá gà nhập lậu rẻ hơn nhiều so với gà ta. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng chỉ có cách hoặc phải “hạn chế” ăn thịt gà, hoặc phải tự biết phân biệt đâu là gà “an toàn”, đâu là gà thải loại.   

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại