Di dời sân bay Đà Nẵng lên bán đảo Sơn Trà!?

Các chuyên gia đề xuất ý tưởng sau năm 2030 di dời sân bay quốc tế Đà Nẵng tới vị trí mới và dành 815ha hiện có của sân bay xây dựng khu trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại, đô thị chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Ý tưởng di dời sân bay Đà Nẵng

Tại hội thảo "Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng" lần 2 với nhiều ý tưởng "điên rồ" đã được các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nhân đưa ra. Trong đó, ý tưởng về tương lai của sân bay quốc tế Đà Nẵng được khá nhiều người đề cập.

Di dời sân bay Đà Nẵng lên bán đảo Sơn Trà!?
Tại hội thảo "Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng" lần 2 đã có ý kiến đề xuất sau năm 2030 nên di dời sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện nay lên bán đảo Sơn Trà.

TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung, nhắc lại, tại hội thảo lần thứ nhất (tháng 3/2011) đã có nhiều ý kiến nhận định dự án xây dựng ga hàng không mới tại sân bay quốc tế Đà Nẵng cho thấy "sự do dự trong dự báo, sự cận thị trong tầm nhìn về tương lai". Sân bay Đà Nẵng phải là cửa đi và nơi đến cho cả khu vực giàu có về du lịch biển và di sản văn hoá miền Trung.

Đến cuộc hội thảo lần 2 tổ chức hôm 12/7 vừa qua, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương kiến nghị tiếp tục nâng cấp sân bay Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế với lưu lượng 6 triệu khách/năm vào năm 2020. Ông Thành cũng kiến nghị chuyển đổi sân bay Nước Mặn thành sân bay chuyên phục vụ du lịch.

Tuy nhiên TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: "Để Đà Nẵng hội nhập sâu, việc xây dựng sân bay cho Đà Nẵng là một nội dung quan trọng. Hiện sân bay này đã được nâng cấp và có nhà ga mới nhưng trong tương lai cũng chỉ hạn chế khoảng 10 - 12 triệu lượt khách/năm.

Đà Nẵng là trung tâm, điểm đến của miền Trung và di sản thế giới, là một TP cấp quốc tế nên không thể có sân bay quy mô bé được. Trong tương lai cần phải có sân bay quy mô lớn cho các loại máy bay có tốc độ và số lượng hành khách lớn hơn".

TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó viện trưởng viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị - nông thôn, cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng cần so sánh lợi ích phát triển kinh tế, xã hội lâu dài khi di dời cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sau năm 2030 tới vị trí mới. Quỹ đất hiện có 815ha của sân bay này để quy hoạch xây dựng phát triển khu trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, đô thị chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Xây sân bay mới ở bán đảo Sơn Trà?

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, việc quy hoạch xây dựng phát triển cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới sau năm 2030 cần phải tìm các giải pháp quy hoạch thích hợp, vừa mang tính chiến lược, đột phá, vừa đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.

Từ đó ông đề xuất hai phương án di dời sân bay quốc tế Đà Nẵng. Một là xây dựng một sân bay quốc tế Đà Nẵng mới ở phía Đông bán đảo Sơn Trà. Hai là sử dụng sân bay Chu Lai ở Quảng Nam (cách Đà Nẵng khoảng 100km) để thay thế cho sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện nay.

"Việc di dời sân bay, sân dựng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới, dành quỹ đất sân bay hiện có để quy hoạch xây dựng phát triển trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ, đô thị chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế... cần được xác định là tư duy chiến lược có tính đột phá để thay đổi căn bản cấu trúc đô thị, mở ra nhiều cơ hội cho Đà Nẵng phát triển năng động, hiệu quả hơn", TS.KTS Trương Văn Quảng nói.

Tuy nhiên, TS.KTS Trần Ngọc Chính cho rằng không nên xây dựng sân bay mới ởĐà Nẵng vì không có diện tích lớn mà nên lấy sân bay Chu Lai (cách Đà Nẵng 1 giờ đường cao tốc và 30 phút đường sắt cao tốc).

"Đây là sự lựa chọn phù hợp cho sân bay quốc tế Đà Nẵng nằm trên địa phận Quảng Nam. Chúng ta đang quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế không phân biệt ranh giới hành chính. Cần có ý tưởng kết hợp với quốc gia để xây dựng sân bay Chu Lai trở thành sân bay quốc tế của Đà Nẵng và vùng miền Trung - Tây Nguyên", TS.KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bán đảo Sơn Trà vẫn tiếp tục nằm trong "tầm ngắm" của những ý tưởng thuộc vào hàng "điên rồ" như nhiều nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nhân tự nhận khi đưa ra các ý tưởng về xây dựng, phát triển Đà Nẵng ngang tầm ASEAN và châu Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại