Mánh ‘bẩn’ của tiểu thương thời ế ẩm

Qua các khâu trung gian, giá rau, thịt đến tay bà nội trợ đội lên 20 -30%, thậm chí còn tăng gấp rưỡi. Hệ thống phân phối quá nhiều tầng nấc khiến người sản xuất bất lợi và người tiêu dùng cũng thiệt thòi.

Qua tay mỗi tiểu thương giá lại khác

Ông Vũ Vĩnh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng, mặc dù giá đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng rất mạnh như phân bón, con giống, thức ăn gia cầm, xăng dầu, phí vận chuyển,... nhưng giá nông sản không hề tăng, thậm chí còn giảm do nhiều nguyên nhân. Người nông dân đã thiếu thông tin, thiếu thị trường, lại bị thương lái ép giá.

Song, trên thực tế, giá thực phẩm đến tay người tiêu dùng lại bị đội lên 20-30%, thậm chí tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Ông Phú đưa ra 2 ví dụ về mặt hàng gạo và thịt lợn. Giá lợn hơi trong giai đoạn từ tháng 4-6/2013, nông dân chỉ bán được cho thương lái giá 30.000-35.000 đồng/kg, song, qua một số khâu trung gian, giá lẻ tại chợ tăng gấp đôi lên 60.000-70.000 đồng/kg.

Không chỉ sản phẩm thịt bị "thổi" giá mà lúa, gạo cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, giá nông sản thực phẩm từ 2011 đến 2012 đã giảm 30% ở đầu ra của nông dân. Giá gạo tẻ nông dân thường chỉ bán được từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, song ở chợ, người tiêu dùng phải trả từ 11.000 - 13.000 đồng/kg.

{keywords}
Các tiểu thương thường tự nâng giá kiếm lời trong khi mua của nông dân với giá bèo.

Như vậy, dù là người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa nhưng người nông dân không thể quyết định giá bán sản phẩm của mình mà luôn bị lệ thuộc vào thương lái, trung gian... Chính sự lòng vòng này đang đẩy giá nông sản tăng cao phi lý khi đến tay người tiêu dùng. Các đối tượng trung gian bỏ ra chi phí ít nhất nhưng hưởng lợi nhiều nhất.

Một nghịch lý nữa đang tồn tại, theo ông Phú, là chúng ta thừa nhiều sản phẩm với giá thấp, giảm giá, thậm chí bỏ đi nhưng có nơi lại không có, hoặc khan hiếm với giá cao nhiều lần so với nơi dư thừa. Đơn cử, dưa hấu phía Nam đúng vụ thu hoạch bỏ không ở ruộng vì chỉ 2.000 đồng/kg, trong khi người dân ở các tỉnh, thành phố lớn vẫn phải mua dưa giá 13.000 - 15.000 đồng/kg. Bí đỏ chất đống ở miền Bắc giá chỉ 1.000 đồng/kg không ai mua, trong khi ở các chợ Hà Nội đang bán 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Đủ trò thao túng

Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ nhận định hạn chế trên bắt nguồn từ hệ thống phân phối không bài bản nên thương lái "vô tư" ép giá, đẩy giá nhằm thu lợi. Ông Phú thừa nhận, ai cũng biết việc thao túng giá hàng hóa đã tồn tại từ lâu song bế tắc về giải pháp. Sản phẩm nông nghiệp dù ngon, tốt chưa chắc đã chen chân vào được các siêu thị bởi nhiều rào cản.

Mánh ‘bẩn’ của tiểu thương thời ế ẩm
 

Hiện thị trường đang tồn tại thực trạng siêu thị lớn ép nhà cung cấp và siêu thị nhỏ bị nhà cung ứng ép lại. Do nhũng nhiễu trong vấn đề nhập hàng, hàng ngon hàng tốt chưa chắc đã chen chân được vào một số siêu thị lớn. Chính vì thế, không ít người sản xuất tự lập chuỗi phân phối riêng, không bán cho siêu thị nữa. Các nhà cung ứng còn lập ra hiệp hội, tẩy chay siêu thị.

Không chỉ vậy, lại có hiện tượng các nhà cung cấp thao túng, gây khó dễ cho siêu thị và nông dân. Đơn cử như sản phẩm đường, gần đây siêu thị không mua trực tiếp được từ nhà máy mà phải qua các đại lý. "Không thể chấp nhận được việc nhà máy sản xuất bán hết cho các đại lý. Có những thời kỳ khan đường, Bộ Công Thương đề nghị đưa thẳng đường đến siêu thị mà DN không có hồi âm" - ông Phú bức xúc.

Ông Phú cũng cảnh báo hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng thế độc quyền, thống lĩnh thị trường để ép giá khi thu mua hàng hóa của nông dân đồng thời nâng giá hàng hóa bán ra một cách phi lý với người tiêu dùng. Một ví dụ cụ thể, mới đây, công ty CP Thái Lan đã 2 lần nâng giá trứng trong một tuần lễ ở thị trường phía Nam, buộc người tiêu dùng và siêu thị phải tẩy chay.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký hội thẩm định giá Việt Nam, sản xuất nông nghiệp chưa có quy hoạch hợp lý, mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu dùng. Ông Thỏa đề xuất cần tổ chức sàn nông sản, chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng, và có các tập đoàn đứng tên hợp tác xã để giảm bớt tầng lớp trung gian, lúc đó, người nông dân được hưởng lợi nhuận cao.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại