Biển Đông: Những luận điệu kỳ quái và hoang đường của Trung Quốc

Chí Quân (TH) |

(Soha.vn) - Từ học giả đến nhân viên ngoại giao, tướng lĩnh Trung Quốc đều ra sức bảo vệ cho cái gọi là “chủ quyền” phi pháp của nước này tại Biển Đông bằng các luận điệu hết sức phi lý.

Học giả diều hâu vu cáo ASEAN ‘khiêu khích nỗ lực của TQ’ ở Biển Đông

Trong chương trình bình luận của đài Phượng Hoàng, Hồng Kông hôm 26/4, học giả “diều hâu” Trịnh Hạo của Trung Quốc đã ngang nhiên vu cáo ASEAN “khiêu khích nỗ lực của Trung Quốc” về vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, trên thực tế thì tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa kết thúc tại Brunei trước đó, các thành viên ASEAN đã rất thiện chí kêu gọi Trung Quốc sớm ngồi vào bàn đàm phán để ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm tránh khả năng xung đột có thể xảy ra ở khu vực này. Và chính Bắc Kinh mới là bên lẩn tránh trong việc đàm phán, đồng thời liên tiếp gây hấn trên biển Đông bằng nhiều thủ đoạn.

Ẩn giấu đằng sau các phát ngôn ngạo ngược và dối trá của Trịnh Hạo là mối lo ngại của Trung Quốc trước việc ASEAN có thể đoàn kết, thống nhất về quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa khối với Trung Quốc, khiến nước này không thể thực hiện âm mưu “bẻ đũa từng chiếc”.

	Công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Vành Khăn của Việt Nam

Công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Vành Khăn của Việt Nam

BLV Hoàn Cầu xúi: “Trung Quốc nên chơi trò ‘giết gà dọa khỉ’ với Philippines và Việt Nam”

Đầu tháng 5 vừa qua, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng một bài viết sặc mùi hiếu chiến của bình luận viên báo này là Hàn Thi Huyên. Bài báo này cho rằng, Trung Quốc nên áp dụng chiêu “giết gà dọa khỉ” với Philippines và Việt Nam.

Sử dụng giọng điệu ngang ngược và lối lập luận phi lý, Hàn Thi Huyên trắng trợn vu cáo Việt Nam "xâm phạm" cái gọi là chủ quyền (hoàn toàn không có thật) của Trung Quốc ở biển Đông. Y còn cố tình xuyên tạc rằng các hoạt động tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và một số quốc gia khác là âm mưu “đánh đòn hội đồng” với Trung Quốc.

Dư luận tiến bộ thế giới đều biết rằng, chính Trung Quốc mới là thế lực bành trướng, “vừa ăn cướp, vừa la làng” ở biển Đông. Thế mà Hàn Thi Huyên lại sử dụng những luận điệu sai lè của mình để đi đến kết luận rằng Trung Quốc nên “ra tay” trước với Philippines để cho Việt Nam “một bài học”.

Tướng hiếu chiến Trung Quốc: “Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền Biển Đông từ thời cổ đại, 1947?”

Để chứng minh cho cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại", Trương Triệu Trung, một viên tướng hiếu chiến thuộc Không quân Trung Quốc cho hay, năm 1947 chính quyền Trung Hoa Dân quốc  của Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng bản đồ 11 đoạn (đến năm 1953 Trung Quốc xóa 2 nét đứt ở vịnh Bắc Bộ thành đường 9 đoạn, làm thành đường lưỡi bò mà hiện nay Việt Nam và các nước trong khu vực đều phản đối).

	Trương Thiệu Trung nổi tiếng với những phát ngôn hung hăng, hiếu chiến và phi lý

Trương Thiệu Trung nổi tiếng với những phát ngôn hung hăng, hiếu chiến và phi lý

Trương Thiệu Trung đã sử dụng lập luận kỳ quái này của mình để buộc tội Philippines “khiêu khích” Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là ở khu vực Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Trên thực tế, năm 1947, Trung Hoa Dân quốc mới cố tình đặt tên cho các đảo, đá ở Trường Sa, trong đó có Đá Vành Khăn là hòn Mỹ Tế. Năm 1983, giới chức Trung Quốc (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) mới công bố tên gọi của Đá Vành Khăn mà họ nhận xằng chủ quyền là hòn Mỹ Tế. Tháng 2/1995 Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Đá Vành Khăn và bắt đầu xây dựng các công trình phi pháp tại đây.

Trung Quốc chỉ là "nạn nhân" chứ không phải “kẻ gây rối Biển Đông!?”

Ngày 11/6, Financial Times đã đăng một bài viết với tiêu đề "Đàm phán song phương là con đường phía trước cho Biển Đông" của Hà Nho Long, Tham tán kiêm người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại London vương quốc Anh. Bài viết này nhằm phản bác lại bài "Liều lĩnh hay gan dạ, Philippines đã đúng khi thách thức (tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông từ) Trung Quốc" của tác giả David Pilling đăng trên Financial Times trước đó ủng hộ vụ Philippines kiện đường lưỡi bò phi pháp cũng như các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Điều đáng chú ý là Hà Nho Long đã biện luận một cách rất hoang đường và ngang ngược rằng nguyên nhân khiến Trung Quốc can dự vào Biển Đông là do "các quốc gia ven Biển Đông chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền" trái phép) và yêu sách chồng lấn một số vùng ở Biển Đông"?!

Hà Long Nho cũng như giới chức Trung Quốc đã cố tình ngụy biện và lấp liếm một thực tế rằng căng thẳng trên Biển Đông suốt thời gian qua xuất phát từ cái gọi là tuyên bố chủ quyền hết sức phi lý, phi pháp của họ với đường lưỡi bò phi pháp tham vọng nuốt trọn 80% diện tích Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cũng như các hoạt động leo thang gây hấn trên thực địa.

Lý luận của Hà Nho Long là một trò ngụy biện, bịp bợm thô thiển khi cho rằng "nếu nghiên cứu sâu vấn đề này sẽ thấy rõ ràng Trung Quốc là một nạn nhân chứ không phải một kẻ gây rối" ở Biển Đông?!

Hà Long Nho cho rằng việc Philippines đã "dám kiện" (đường lưỡi bò phi pháp và các hành động gây hấn của) Trung Quốc ở Biển Đông ra trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển là “gây rối”.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario quá trình đám phán với Trung Quốc kéo dài nhiều năm qua không mang lại kết quả gì. Trung Quốc liên tục cù nhầy trên con đường ngoại giao. Còn trên thực địa, họ đã chiếm luôn cả quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Philippines hồi năm ngoái, năm nay lại đang nhăm nhe "gặm" Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện phía Philippines đang kiểm soát). Ở đây, ai là “nạn nhân”, ai là “kẻ gây rối”, dư luận quốc tế có thể thấy rõ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại