Nelson Mandela và những lần trở về từ "cõi chết"

My Lan |

(Soha.vn) - Sự vắng mặt thường xuyên trước công chúng và tình trạng bệnh tật biến chuyển theo hướng xấu đi của ông Nelson Mandela đã khiến ông nhiều lần bị báo chí, truyền thông xã hội đăng cáo phó hụt.

Con gái Mandela: "Báo chí là một lũ kền kền"

Hôm 27/6, Guardian Express, một báo mạng không mấy tiếng tăm có trụ sở tại Las Vegas (Mỹ) đã khiến thế giới xôn xao khi là tờ báo đầu tiên công bố thông tin cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời ở tuổi 94 vào đêm 26/6.

Tờ này cho biết theo nguồn tin tin cậy của họ, các bác sĩ đã rút hết máy trợ thở giúp duy trì sự sống của ông Mandela. Tờ này còn nói rằng, theo các quan chức Nam Phi thì việc rút máy thở là nhằm giúp Mandela ra đi thanh thản và bày tỏ sự tôn trọng đối với người anh hùng của dân tộc. Họ còn cho rằng, việc Nam Phi giấu nhẹm thông tin về sự ra đi của Mandela là nhằm tạo dư luận tốt cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới châu Phi.

Tuy nhiên, chỉ sau khi thông tin của Guardian Express được đăng tải, đồng loạt các hãng thông tấn lớn đều đưa tin ông Mandela còn sống, mặc dù tình trạng còn rất nguy kịch nhưng đã ổn định hơn. Văn phòng Tổng thống Nam Phi ra thông cáo phê phán một số báo đưa thông tin không chính xác về Nelson Mandela. Reuters thì dẫn lời con gái ông, chỉ trích báo chí là "kền kền", rình rập bên ngoài bệnh viện để chờ đưa tin về cái chết của cha cô.

Chính khách cũng nhầm

Đây không phải là lần đầu tiên, người anh hùng dân tộc của Nam Phi bị báo chí, mạng xã hội và thậm chí một số nguồn tin được cho là có độ tin cậy cao "tuyên án tử". Mới hôm trước, Bộ trưởng tài nguyên Úc Gary Gray đã phải đưa ra lời xin lỗi sâu sắc vì nói với quan khách tại bữa tối của Hội đồng Khoáng sản Úc được tổ chức tại Canberra hôm 26/6 người đi đầu phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã qua đời.

Ông Gray thừa nhận ông đã nhầm lẫn khi chia sẻ thông tin mà ông “nghĩ là đáng tin cậy”.

	Ông Nelson Mandela.

Ông Nelson Mandela.

Nạn nhân của cáo phó viết sẵn

Ngày 20/6, Trường Đại học Witwatersrand (Wits), một trong những cơ sở đào tạo Đại học hàng đầu Nam Phi đã phải đưa ra lời xin lỗi sau khi cáo phó dành cho cựu Tổng thống Nelson Mandela được đăng tải trên website của trường. Cáo phó đề ngày 31/7/2013 với nội dung là ông Mandela qua đời.

Theo trường đại học này, bản cáo phó đã được chuẩn bị sẵn và được lưu trong hệ thống của trường, nhưng không được công bố chính thức. Tuy nhiên, vì một lỗi kĩ thuật nào đó mà người sử dụng internet có thể tìm được nó xuất hiện trên trang.

Trước đó 2 tháng – tháng 4/2013, hãng truyền hình cáp Nam Phi DSTV cũng phải chịu sự chỉ trích nặng nề vì lỗi tương tự như thế này.

Đoạn giới thiệu cho một cáo phó dạng phóng sự, kể về cuộc đời của ông Mandela với tiêu đề “Tưởng nhớ ông Madiba 1918 - 2013” đã bất ngờ xuất hiện trên kênh Universal Channel 117 và ngay lập tức chịu sự chỉ trích nặng nề từ phía dư luận.

Mac Maharaj, phát ngôn viên của chủ tịch kênh truyền hình này đã ngay lập tức lên tiếng giải thích rằng kênh này đã chuẩn bị sẵn cáo phó cho một số chính khách lớn, và vì lỗi kĩ thuật mà cáo phó của ông Mandela đã bị phát đi khi ông vẫn còn sống.

Lỗi nghiêm trọng này thậm chí xảy ra cả với CNN. Năm 2003, cáo phó của Nelson Mandela cũng bất ngờ xuất hiện trên trang của CNN. Người phát ngôn của hãng sau đó đã xin lỗi và giải thích rằng thông tin này chỉ được đưa lên một website nội bộ để thử nghiệm, nhưng vì sơ suất nên đã để nó xuất hiện trong một thời gian ngắn trên trang chính thức.

Tin thất thiệt trên Twitter

Đầu tháng 6/2013, một tài khoản giả mạo người dẫn chương trình kì cựu của CNN Piers Morgan đã khiến dư luận xôn xao sau khi lan truyền thông tin người phát ngôn của ông Mandel đã thông báo với các nguồn tin rằng người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi đã qua đời một cách than thản trong giấc ngủ.

Có rất nhiều người đã vội vàng chia sẻ lại dòng thông tin của một tài khoản lấy tên Piers Norgan này.

	Dòng chia buồn của vận động viên quần vợt Rafa Nadal với sự qua đời của ông Nelson Mandela. Nadal là một trong rất nhiều

Dòng chia buồn của vận động viên quần vợt Rafa Nadal với sự qua đời của ông Nelson Mandela. Nadal là một trong rất nhiều "nạn nhân" tin vào thông tin thất thiệt từ kẻ giả mạo Piers Morgan.

Hồi tháng 1/2011, ông Mandela cũng trở thành nạn nhân của tin đồn dạng này sau khi cư dân mạng Twitter bắt đầu chia sẻ dòng tin “R.I.P Nelson Mandela”, (tạm dịch: hãy yên nghỉ, Nelosn Mandela) sau khi họ nhận được một tin nhắn từ ứng dụng nhắn tin của BlackBerry (BBM) rằng ông Mandela từ trần.

Theo blogger người Mỹ Dan Zarrella, dòng chia sẻ này bắt đầu từ tài khoản lebolukewarm của nhiếp ảnh gia người Nam Phi, tuy nhiên ông này sau đó đã xóa nó đi và khẳng định rằng ông cũng nhận được tin nhắn từ BBM và chỉ là nạn nhân của “trò đùa” này.

"Tôi vẫn ổn!"

Tháng 2/2007, một tin nhắn điện thoại nặc danh được gửi tới một số người dân Nam Phi với nội dung rằng cựu Tổng thống Nelson Mandela đang ở trong tình trạng hôn mê, đồng thời cảnh báo người Phi gốc Hà Lan đứng trước nguy cơ bị diệt chủng.

Theo đó, cảnh sát và quân đội đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng chuẩn bị cho các cuộc tấn công nổ ra nhằm xóa sổ vào người Phi da trắng, một khi ông Mandela ra đi.

Những lời đe dọa về âm mưu này còn được nhấn mạnh trong một DVD do Gustav Muller, thủ lĩnh của một nhóm cánh hữu của người Phi gốc Hà Lan Suilanders, thực hiện.

Thông tin này đã lan truyền mạnh qua tin nhắn, email và được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tới mức, ông Mandela phải đích thân xuất hiện trên tờ nhật báo Rapport và khẳng định: “Tôi vẫn ổn!”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại