Một "người đặc biệt" ở Đồ Sơn ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm

Phong Đô |

(Soha.vn) - “Trên tinh thần làm việc thì tôi lại ủng hộ việc hợp thức hoá mại dâm. Bởi đã 6 năm làm tư vấn viên của xã hội, tôi hiểu rằng mại dâm là không thể triệt tiêu được nên chỉ có cách giảm hại”, chị Đinh T.H nói.

Cùng với thông tin về việc ông Phạm Ngọc Dũng - Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cho biết kết quả báo cáo của địa phương rằng không phát hiện có mại dâm ở Đồ Sơn và Quất Lâm, những ý kiến trái chiều về việc có nên hợp thức hoá mại dâm hay không cũng được dư luận hết sức quan tâm.

Để có thể hiểu hơn về những nguy cơ mà gái mại dâm có thể gặp phải, qua lời giới thiệu của nữ Anh hùng Châu Á Phạm Thị Huệ, chúng tôi đã có buổi gặp chị Đinh T. H (SN 1971, là một tư vấn viên cộng đồng, trưởng nhóm Sóng biển Đồ Sơn – nhóm chuyên giúp đỡ người có nguy cơ cao và người có HIV vượt lên mặc cảm để hoà nhập cộng đồng) ở quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng.

Chị Phạm T. H theo dõi những thông tin trái chiều về việc có nên hợp thức hoá mại dâm hay không

Chị Đinh T. H theo dõi những thông tin trái chiều xung quanh việc có nên hợp thức hoá mại dâm hay không

Chị H chia sẻ: “Ở Đồ Sơn, đa số các em đi làm mại dâm là ở nơi vùng sâu vùng xa nên có nhiều điều mà các em không biết. Khi xuống dưới đất du lịch này thì các em bán dâm thông qua các chủ nhà hàng. Các chủ không dám tiết lộ kiến thức và thông tin (về những nguy cơ có thể gặp phải) cho nhân viên vì sợ mất nhân viên, ảnh hưởng đến công việc”.

Theo chị H, nguy cơ gái mại dâm có thể gặp phải lớn nhất là nhiễm các căn bệnh lây qua đường tình dục trong đó có HIV. Không chỉ có vậy, theo chị H, gái mại dâm còn phải đương đầu với nguy cơ về bạo lực. Có nhiều cô gái không đi làm theo yêu cầu của chủ thì sẽ bị phạt và bị đánh.

Chị H kể: “Khi tôi gặp, các bạn ấy (những cô gái bán dâm - PV) chia sẻ là rất sợ tiết lộ tên tuổi và nói đến tương lai. Có nhiều câu hỏi được các em ấy đặt ra như: Khi bị mắc bệnh tình dục thì có con không? Có còn giá trị để lấy chồng không?

Những lúc đối diện với những câu hỏi tưởng chừng như rất ngờ nghệch như thế, tôi chỉ biết động viên các em thôi”.

Chị H cũng chia sẻ về lý do gái mại dâm sa chân vào con đường này: “Qua tâm sự, các em chia sẻ với tôi rằng, cũng không ngờ đâu lại bước chân vào hoàn cảnh này. Có nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân rất đáng chú ý là các bạn đi làm rồi rủ rê các bạn của mình ở quê rằng đi bán hàng, dọn bàn… thì sẽ có nhiều tiền.

Đến khi các em xuống đây (Đồ Sơn, Hải Phòng) thì mới biết việc thật. Trước hoàn cảnh đó, nhiều em đã “tặc lưỡi” rằng đi làm một vài năm ở đây thì ở quê mọi người cũng không biết”.

Gặp nhiều hoàn cảnh éo le, chị H cho hay, chị đã từng gặp không ít các trường hợp gái mại dâm bỏ nghề xong, đã lấy chồng được rồi nhưng lại ôm con quay trở lại làm mại dâm chỉ vì không chịu được những khó khăn về kinh tế cũng như lời đàm tiếu của xã hội khi biết về thân phận mình. “Tôi đã từng trông con cho các bạn đi làm”, chị H cho biết.

Là người đi nhiều nơi, tiếp xúc để có được thông tin từ gái mại dâm ở các nơi, chị H cho hay chị đã tiếp xúc với người có HIV: “Những người đó lo sợ lắm, buồn rầu và lo lắng cho tương lai, rồi đây không biết phải làm gì để mưu sinh. Tôi chỉ biết động viên, chia sẻ, giúp các em nắm vững kiến thức, bảo vệ chính mình”.

Trước câu hỏi chị nghĩ gì nếu Việt Nam hợp thức hóa mại dâm, chị H bày tỏ ý kiến của mình: “Trong tôi có hai luồng suy nghĩ trái chiều nhau. Vừa không muốn ủng hộ vừa muốn ủng hộ. Không ủng hộ là vì việc này không phù hợp với Văn hoá Việt Nam nói riêng và Văn hoá phương Đông nói chung.

Nhưng trên tinh thần làm việc thì tôi lại ủng hộ việc hợp thức hoá mại dâm. Bởi đã 6 năm làm tư vấn viên xã hội, tôi hiểu rằng mại dâm là không thể triệt tiêu được nên chỉ có cách giảm hại.

Nếu không hợp thức hoá thì sẽ không thể áp dụng nhiều các biện pháp giảm hại từ cơ quan chức năng nên nguy cơ lây lan HIV rất cao. Cho nên tôi rất ủng hộ việc áp dụng mô hình can thiệp giảm hại cho người hoạt động mại dâm và mong rằng Nhà nước sẽ hợp thức hoá mại dâm”.

Chị H tiết lộ, chính chị cũng là người  có HIV. “Bản thân cũng bị nhiễm (lây từ chồng) nên tôi cũng buồn. Nhưng sau đó tôi quyết định tham gia giúp các em có kiến thức để bảo vệ chính mình, để các em không phải khổ như mình. Các con tôi đã lớn, ban đầu thì chúng ngăn cản nhưng sau đó thì ủng hộ, không mặc cảm nữa.

Tôi muốn nói rằng: “Các em đã cố gắng phải đảm bảo sức khoẻ bảo vệ chính mình, tránh các bệnh qua đường tình dục bằng việc dùng bao cao su đúng cách 100% ngay từ đầu”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại