Bí mật giấu kín 60 năm
Năm 1998, một ông lão tên Sử Hồng Toàn qua đời tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Con gái của ông là Sử Khánh Vân vẫn luôn ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Vào lúc lâm chung, ông cố gắng nói với con lời trăng trối cuối cùng nhưng sức khỏe không còn cho phép. Ông lão cố gắng hết sức cũng chỉ có thể nói ba từ "Trương Sĩ Kiệt" rồi qua đời.
Mặc dù lúc này Sử Khánh Vân nghe rõ lời nói của cha, nhưng trong trí nhớ của bà, bà chưa từng nghe đến cái tên này và cũng không còn tâm trạng để tâm. Sau khi lo xong tang sự và vượt qua nỗi đau, Sử Khánh Vân và chồng mới bắt đầu sắp xếp đồ đạc cũ của cha. Khi phân loại quần áo của ông cụ, người con gái tìm thấy một cái chai nhỏ được đậy kín trong chiếc áo khoác độn bông đã sờn.
Sau khi mở bình ra, bên trong bà tìm thấy một bức thư được cất kín trong một mảnh vải đỏ. Đọc nội dung trong thư xong, Sử Khánh Vân bàng hoàng bật khóc, không dám tin vào những gì mình vừa phát hiện.
Trên thực tế, bức thư này là một hợp đồng nhận con. Cái tên được ghi trên hợp đồng chính là cha bà và người tên Trương Sĩ Kiệt ông nhắc tới lúc cuối đời. Thì ra Sử Khánh Vân không phải con gái ruột của Sử Hồng Toàn mà là con một người đàn ông tên Trương Sĩ Kiệt. Sau khi cho con nuôi, hai người ghi rõ hợp đồng sẽ không bao giờ gặp lại nhau.
Sau khi biết bí mật, Sử Khánh Vân chết lặng tại chỗ. Suốt 60 năm trời, bà không thể tin mình không phải con gái ruột của cha mẹ, cũng không hiểu tại sao cha ruột lại muốn đuổi bà đi và hứa sẽ không bao giờ gặp lại mình.
Sử Khánh Vân do dự một lúc rồi ra quyết định sẽ đi tìm cha ruột của mình. Bà mang bức thư di vật cha nuôi giấu cả đời đến chính quyền địa phương và nhờ họ giúp tìm kiếm người đàn ông tên là Trương Sĩ Kiệt.
Với sự giúp đỡ của chính quyền, người phụ nữ đã tìm thấy cha đẻ. Nhưng lúc này, ông cũng đang lâm bệnh nặng nằm trong bệnh viện. Phần lớn thời gian trong ngày ông đều hôn mê trên giường bệnh, trí nhớ cũng mơ hồ. Sau khi biết tin, Sử Khánh Vân rất đau lòng, nhưng bà vẫn đến thăm cha đẻ và ngồi lặng lẽ bên giường ông. Lần duy nhất ông có thể nói, ông đã nhìn bà và thì thầm cái tên “Tiểu Vân”.
Không lâu sau, Trương Sĩ Kiệt cũng qua đời và không có bất kỳ người thân nào có thể cho Sử Khánh Vân thêm thông tin về xuất thân của mình, cũng như canh cánh trong lòng nỗi buồn vì bị cha mẹ ruột bỏ rơi mà không rõ vì sao.
Sự thật được lật mở
Một thời gian sau, người phụ nữ lại tiếp tục lên đường đi tìm kiếm mẹ ruột. Bà phát hiện trong chiếc áo bông kỷ vật của cha nuôi có một tờ giấy nhắn. Nội dung trên giấy ghi: “Tôi tên Trương Sĩ Kiệt, vợ là Tố Vân. Chúng tôi có con gái là Tiểu Vân".
Sau khi đọc xong tờ giấy này, Sử Khánh Vân tiếp tục đi điều tra và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của phía chính phủ. Sau nhiều lần dò tìm và ghép nối thông tin, họ phát hiện cả cha lẫn mẹ bà đều từng là người có công với đất nước Trung Quốc. Vì nhiệm vụ của mình mà họ phải giữ kín danh tính, sử dụng bí danh trong nhiều năm trời. Mẹ của bà - người tên Tố Vân thậm chí đã hy sinh khi con gái mới còn đỏ hỏn.
Sau khi vợ mất, Trương Sĩ Kiệt đã nhờ tìm một gia đình tốt để gửi gắm con gái. Để tiếp tục làm nhiệm vụ phục vụ đất nước của mình và giúp con có một tương lai an toàn, người cha đã phải cắn răng tạm biệt con.
Người nhận nuôi bé gái năm ấy chính là Sử Hồng Toàn, và Tiểu Vân đã được đổi tên thành Sử Khánh Vân. Bà sống 60 năm cuộc đời nhưng không hay biết gì về câu chuyện bi tráng của cha mẹ đẻ mình. Về sau, thực chất người cha đẻ cũng đã đến ghé thăm và nhìn lén con gái mình nhiều lần. Tuy nhiên, ông quyết định không nhận con vì không muốn bà bị sốc, cũng như biết ơn gia đình đã nhận nuôi con hộ mình nên không nỡ "lấy lại" Tiểu Vân.
Sau khi biết được mọi chuyện, Sử Khánh Vân mới biết hóa ra cha mẹ mình là những người hùng có công, và việc bỏ con thực chất lại đến từ lý do vì quá yêu thương con. Câu chuyện cảm động của người phụ nữ sau đó đã được truyền thông Trung Quốc đưa tin và khiến bất kỳ ai cũng phải xúc động.