Lệnh cấm của EU chưa kịp "ấm chỗ", Nga đã có cách lách luật: Một nước lo hơn cả Moscow

An An |

EU cho rằng, lệnh cấm mới sẽ "giáng đòn mạnh vào Nga và càng khiến nước này khó lách luật hơn".

EU hạn chế Nga xuất khẩu kim cương

Hãng tin RT (Nga) đưa tin, vào ngày 18/12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, bao gồm mặt hàng kim cương.

Hội đồng Châu Âu (EC) thông báo rằng, khối này cuối cùng đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu, mua hoặc chuyển giao kim cương trực tiếp hoặc gián tiếp từ Nga. Lệnh cấm được áp dụng đối với kim cương tự nhiên và tổng hợp phi công nghiệp, cũng như đồ trang sức bằng kim cương.

Lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày ngày 1/1/2024.

EU ước tính lĩnh vực kim cương mang lại giá trị khoảng 4,5 tỷ USD cho Moscow mỗi năm.

Tờ Fox News (Mỹ) cho biết, phía EU khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt mới nhất sẽ "giáng một đòn mạnh hơn nữa vào khả năng [tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine] bằng cách nhắm vào các lĩnh vực có giá trị cao của nền kinh tế Nga và khiến việc lách các lệnh trừng phạt từ EU trở nên khó khăn hơn".

Lệnh cấm của EU chưa kịp "ấm chỗ", Nga đã có cách lách luật: Một nước lo hơn cả Moscow- Ảnh 1.

EU công bố lệnh cấm kim cương Nga. Ảnh: Reuters

Nga tuyên bố có cách qua mặt lệnh cấm của EU

Tuy nhiên, theo hãng tin RT (Nga) trong buổi họp báo hôm 19/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ phớt lờ lệnh hạn chế của EU đối với việc xuất khẩu kim cương của nước này.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến gói trừng phạt mới nhất của khối đối với Moscow, ông Peskov nhấn mạnh rằng lệnh cấm sẽ không có hiệu lực.

"Việc [lệnh cấm kim cương] là điều có thể đoán trước được, chúng tôi đang chuẩn bị cho điều này", quan chức Nga nói. "Có nhiều cách để lách các biện pháp trừng phạt này và chúng sẽ được thực hiện".

Lệnh cấm của EU chưa kịp "ấm chỗ", Nga đã có cách lách luật: Một nước lo hơn cả Moscow- Ảnh 2.

Ấn Độ là nước gia công kim cương lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Người trong ngành nói khó cấm kim cương Nga

Bình luận về vấn đề này, Giám đốc điều hành Tập đoàn De Beers (Anh), tập đoàn khai thác kim cương lớn nhất thế giới cho biết, các cơ quan hải quan gần như không thể phân biệt được kim cương của Nga với bất kỳ kim cương từ quốc gia nào khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hôm 19/12, ông Al Cook đã chỉ ra rằng hệ thống chính xác để theo dõi các viên đá vẫn chưa được đủ hoàn chỉnh.

Ông chủ của De Beers cho biết: "Một nhân viên hải quan bình thường sẽ không thể nhìn vào viên kim cương này với viên kim cương khác và nói, 'Đó là viên của Nga'" .

Được biết, lệnh cấm kim cương của EU sẽ được thực hiện với sự phối hợp của G7, nhóm đã công bố biện pháp tương tự vào đầu tháng này.

Là một phần của các hạn chế, G7 có thể giới thiệu hệ thống theo dõi kim cương tương tự như hệ thống nhắn tin quốc tế SWIFT giữa các ngân hàng. Cơ chế này sau đó sẽ ngăn cản kim cương có nguồn gốc từ Nga thâm nhập thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Reuters ngày 20/12, lệnh cấm này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong nội bộ ngành vì nó có nguy cơ làm phức tạp chuỗi cung ứng khi nhu cầu chịu áp lực.

Thậm chí, Ấn Độ đã kêu gọi các nước G7 trì hoãn lệnh cấm sắp tới đối với kim cương của Nga vì các quy tắc truy tìm nguồn gốc của đá quý vẫn chưa rõ ràng.

Ấn Độ, nơi chiếm 90% ngành công nghiệp cắt và đánh bóng kim cương trên thế giới, rất quan trọng trong việc thực thi lệnh cấm.

Ấn Độ cũng bày tỏ sự dè dặt đối với hệ thống "xác minh và chứng nhận dựa trên truy xuất nguồn gốc" mới của G7 bởi hệ thống này có thể yêu cầu chia sẻ dữ liệu về các doanh nghiệp Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại