Elisabeth Braw - thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington – cho biết, các công ty phương Tây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do hậu quả của việc sử dụng nguồn dự trữ đang đóng băng của Nga.
Tờ Business Insider ngày 3/6 đưa tin, trong một bài viết cho Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), chuyên gia này đã chỉ ra rằng Điện Kremlin sẽ không "ngồi yên" nếu Mỹ và các đồng minh khai thác 300 tỷ USD vốn nước ngoài của Nga đã bị đóng băng vào năm 2022.
Thay vào đó, Moscow có thể nhắm mục tiêu vào cổ phần nước ngoài vẫn còn đang ở Nga, khiến các công ty phương Tây dễ gặp rủi ro bị sung công tài sản.
"Trong khi phương Tây nắm giữ tài sản thuộc chủ quyền của Nga, thì Điện Kremlin có rất ít tài sản của phương Tây để nắm giữ", Braw viết.
Nhưng theo chuyên gia Braw, Nga là nơi có rất nhiều tài sản do các công ty hoặc cá nhân phương Tây nắm giữ sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022. Và đến ngày 23/5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép tịch thu số tài sản này.
Reuters đưa tin, phán quyết mới của Nga nhắm vào mọi thứ từ chứng khoán, bất động sản và quyền tài sản trong số các tài sản thuộc sở hữu của Mỹ. Đó là các biện pháp mà Nga từng đưa ra trước đây để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây, chẳng hạn như đóng băng tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu của những công dân "các nước không thân thiện".
Theo Điện Kremlin, tài sản phương Tây trị giá 290 tỷ USD có thể bị Nga tịch thu. Nhưng chuyên gia Braw cho biết, ngay cả khi con số này bị thổi phồng lên, thiệt hại mà nó gây ra cho các công ty ở lại Nga vẫn là một mối đe dọa đắt đỏ.
Bà viết: "Đầu tháng này, Nga đã thu giữ hơn 700 triệu euro (757 triệu USD) từ ba ngân hàng phương Tây sau khi một dự án xây dựng bị phá sản do lệnh trừng phạt của phương Tây. (Việc tịch thu diễn ra sau các vụ tịch thu trước đó của các công ty bao gồm Carlsberg và Danone.)"
"Mặc dù việc này đã được tòa án chấp nhận, nhưng đó cũng là một tín hiệu rõ ràng từ Điện Kremlin: họ có quyền gây tổn hại cho bất kỳ công ty phương Tây nào mà họ muốn vào bất kỳ lúc nào họ muốn", Braw viết.
Theo chuyên gia Braw, việc các công ty phương Tây rời khỏi Nga ở thời điểm hiện tại không phải là một "phi vụ rẻ tiền", vì Nga ngày càng áp đặt nhiều hạn chế. Để rời khỏi Nga, các công ty hiện phải bán cổ phần của mình với mức chiết khấu 50%, sau đó là thuế xuất cảnh 15%.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo phương Tây đã cảnh giác với việc khai thác trực tiếp các quỹ của Nga và thay vào đó tập trung vào lợi nhuận tích lũy từ các khoản dự trữ này.
Vào cuối tháng 5, Hội đồng châu Âu đã đồng ý chuyển khoản lợi nhuận này sang Ukraine, có thể lên tới hơn 3 tỷ USD mỗi năm.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RBC Ukraine, David O'Sullivan - đặc phái viên về lệnh trừng phạt của EU – cho biết, Kyiv có thể chờ đợi đợt tài trợ đầu tiên vào mùa hè này.