Nỗi ân hận muộn màng
Như câu chuyện của Huyền mà chúng tôi đã phản ánh trong bài “Ứng xử thông minh của vợ khi chồng ruồng bỏ”, Huyền đã làm một việc rất dại dột là bỏ nhà ra đi mỗi khi hai vợ chồng cãi nhau.
Cũng vì hành vi nông nổi này mà Huyền đã tạo cơ hội cho người chồng vốn đã chán mình có cái cớ để “rũ bỏ”. Huyền không chỉ mất chồng mà còn mất tất cả tiền bạc của cải mà cô đã đầu tư xây dựng mua sắm cho gia đình chồng.
Huyền tâm sự: “Lúc cãi nhau, vì tự ái, tôi đùng đùng bỏ đến nhà chị bạn nguyên một ngày trời.
Đến khi trở về nhà, chồng không những không xin lỗi mà còn mắng là "không có mồm, đi đâu không nói”, rằng “đây không phải là cái nhà hoang, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi”; rằng “nếu cô thích đi thì cút ra khỏi nhà luôn đi”…
Nghe chồng nói vậy tôi chống chế: “Đây đang đau. Khi nào hết đau thì sẽ đi liền, khỏi phải đuổi”. Tôi cũng nói: “Nếu tôi đi thì đồ đạc tiền bạc xây sửa nhà cửa trả lại đây”. Nhưng chồng tôi bảo, không có thứ gì trong gia đình này là của tôi.
Tôi giận quá nên nói “nếu mà không lấy thì tôi sẽ đập” thì chồng thách “Đố cô đập đó”… Lúc này tôi ức đến thấu tim. Nghĩ chồng muốn đuổi thật nên tôi đã thách anh ấy xé giấy đăng ký kết hôn. Anh ấy xé một tấm và tôi soạn đồ lên tàu vào Sài Gòn với bố mẹ đẻ”.
Trong thời gian ở nhà mẹ đẻ, Huyền bình tâm nghĩ lại mới thấy rõ sự dại dột của mình. Huyền nhận ra rằng, cô vẫn còn rất yêu chồng.
Thêm nữa đi khám lại thì bác sĩ cho biết Huyền vừa mổ xong vòi trứng đã thông tốt muốn có con thì hai vợ chồng phải thụ tinh nhân tạo luôn, bởi nếu chờ vài tháng nữa sợ sẽ dính lại. Vì muốn có con nên khi nghe bác sĩ nói như vậy, bao nhiêu nỗi giận hờn chồng tan biến hết.
Huyền chỉ muốn quay về với chồng. Huyền cũng cho biết, cô chấp nhận bỏ qua hết mọi sự xấu hổ sĩ diện, sẽ xin lỗi bố mẹ chồng và chồng, sẽ không chấp nhặt với chồng nữa để xây dựng lại mái ấm.
Thế nhưng, khi Huyền gọi cho chồng thì đã muộn. Chồng Huyền cũng đã quá mệt mỏi và chán vợ hay bỏ nhà đi nên nhân cơ hội này “rũ bỏ” Huyền một cách không thương tiếc.
Cũng là vấn đề bỏ nhà khi vợ chồng cãi nhau, chị T.K.L tâm sự kinh nghiệm chua cay của mình như sau: “Lúc nổi nóng, tôi đùng đùng xách va li đi. Bố mẹ ruột tôi cũng bênh con gái nên bắt chồng sang đón mới cho về.
Chồng lại bị tác động của gia đình bên chồng, cho rằng đón được một lần thì sau này sẽ cứ lặp đi lặp lại cảnh ấy. Thế là sau một tuần, khi tôi đã bớt giận, rất muốn chồng đến đón để bố mẹ có thể cho về nhưng chờ mãi mà không thấy.
Càng lúc chuyện càng lớn, anh càng lạnh nhạt. Cuối cùng thì vợ chồng tôi ly thân. Khoảng một năm sau thì ly hôn và chồng… có vợ mới.
Thật sự lúc ôm con bỏ đi tôi mới thấm thía rằng, đáng lẽ ra mình nên chọn cách ứng xử khác nếu bản thân mình chưa thực sự muốn chấm dứt mối quan hệ hôn nhân”.
Theo các chuyên gia tư vấn, cũng như trường hợp của Huyền và chị T.K.L, không ít phụ nữ chỉ vì hiếu thắng, vì một phút bốc đồng giận dữ mà họ đã rơi vào cảnh “một đi không trở lại”, mặc dù bản thân họ chưa thực sự muốn chấm dứt mối quan hệ vợ chồng.
Làm ầm lên rồi bỏ nhà ra đi là cách làm xấu mặt chồng
Theo chuyên gia Nguyễn Hương Ly, Trung tâm Tư vấn tâm lý tình cảm Tổng đài 1088 (Hà Nội), hiện tượng chị em bỏ nhà ra đi khi người chồng lỡ miệng nói “cút đi” là không hề hiếm.
Việc các bà vợ bỏ nhà ra đi thường chỉ với mục đích để hù dọa chồng, hoặc để kiểm tra, thử thách tình yêu của chồng. Đa số các bà vợ bỏ nhà ra đi một cách hùng hổ, quyết liệt nhưng trong tâm lại mong chồng mình ngăn lại.
Trong thâm tâm họ không muốn đi đâu cả, trong thâm tâm họ không hề muốn ly hôn nhưng ngoài miệng họ lại luôn nói câu là “chia tay”… Tuy nhiên, đa số các ông chồng lại không hề hiểu tâm lý ngược đời này ở phụ nữ.
Do vậy, mỗi khi các bà vợ bỏ nhà ra đi, họ cảm thấy bị vợ làm xấu mặt, cảm thấy vợ không coi mình và bố mẹ mình ra gì.
Đó là lý do vì sao mà không ít chị em khi làm mình, làm mẩy bỏ về nhà mẹ đẻ, những tưởng sẽ được chồng “nhớ vợ nhớ con” mà dẹp cái tôi đi, tha thiết gọi vợ về thì họ lại nhận được kết quả ngược lại.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, nếu có những lúc quá bức xúc, quá ngột ngạt, cần khoảng không yên tĩnh riêng cho mình, bạn có thể chọn giải pháp đi, song nên đi thật khéo. Chẳng hạn chỉ cần nói với chồng rằng, bạn cần đi công tác/đi nghỉ ít ngày.
Hoặc có thể nói thẳng với chồng: “Tôi stress quá và cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi vài ngày. Tôi đưa con về nhà mẹ chơi ít hôm!”.
Cách nói này sẽ giúp chừa đường lui cho cả hai vợ chồng, trong trường hợp sau vài ngày cả hai vợ chồng bạn trấn tĩnh lại, thấy chuyện không quá nghiêm trọng và vẫn có thể tha thứ, bỏ qua cho nhau.
Việc “về nhà mẹ chơi vài hôm” so với việc đùng đùng xách vali, khăn gói “bỏ ra khỏi nhà” sẽ rất khác nhau.
Do vậy, các bà vợ cần tránh chuyện “làm ầm lên” rồi bỏ nhà đi. Chỉ khi nào thực sự cảm thấy không thể chịu đựng nổi, cảm thấy muốn kết thúc đời sống hôn nhân thì cũng nên bình tĩnh nói với chồng là mình cần có một khoảng thời gian xa nhau để bình tĩnh lại.
Còn nếu trong tình thế không thể cứu vãn cho hôn nhân thì chị em càng không nên tự ý bỏ nhà ra đi. Kể cả việc bị đuổi hãy nói rằng: Tôi về đây có cưới hỏi đàng hoàng, có pháp luật công nhận chứ có theo anh về đây đâu.
Bởi chị em cần phải xác định, nếu ra đi thì cũng đi một cách đàng hoàng. Chứ một khi đã tự ý bỏ đi trong những tình huống như đã nêu ở trên thì sẽ rất khó quay trở lại.