Năm học mới sắp bắt đầu, nhiều phụ huynh cũng đã bắt đầu chuẩn bị đồ dùng học tập cần thiết cho con em mình, những vật dụng văn phòng phẩm bán chạy chủ yếu bao gồm cặp sách, bìa sách, bút màu, thước dán...
Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay văn phòng phẩm không chỉ đa dạng về mẫu mã mà còn đầy đủ màu sắc, thậm chí còn cả hương thơm. Tuy nhiên, đối mặt với sự đa dạng của các mẫu mã văn phòng phẩm như hiện nay, không ít phụ huynh và học sinh cảm thấy lo lắng, không biết nên chọn lựa đồ dùng học tập như thế nào?
Trong những vật dụng văn phòng phẩm phổ biến, đâu là những thứ cần phải tránh mua cho con? Nhiều phụ huynh Trung Quốc đã ngừng mua một số vật dụng dưới đây vì các lý do liên quan đến sức khỏe con cái họ, trong cặp sách của con bạn có món đồ nào không?
1. Bìa bọc sách
Không ít phụ huynh sẽ chọn mua bìa bọc sách cho con để đảm bảo sách vở trông sẽ đẹp và sạch sẽ hơn từ đầu năm đến tận cuối năm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra một số loại bìa sách làm từ nhựa có chứa nhiều chất độc hại như formaldehyde, benzen... Một số loại bìa bọc thì được phát hiện chứa hàm lượng chất làm mềm vượt quá tiêu chuẩn. Trẻ em thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại này có thể sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây ra hiện tượng dậy thì sớm.
2. Sổ tay
Trong quá trình học tập, sổ tay là vật dụng không thể thiếu đối với học sinh. Tuy nhiên khi chọn mua, nhiều phụ huynh cho rằng, giấy càng trắng càng tốt vì như thế chất lượng mới cao. Nhưng thực tế một số doanh nghiệp vì muốn làm cho sản phẩm giấy trở nên trắng sáng, đẹp mắt hơn đã thêm một lượng nhất định chất tăng trắng huỳnh quang.
Sổ tay loại này dưới ánh sáng cực tím phản chiếu mạnh, không chỉ dễ gây hại cho thị lực của trẻ nhỏ, mà còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, gây hại cho gan và các cơ quan khác, nghiêm trọng hơn thì có thể gây ung thư nếu hít phải vào cơ thể.
3. Bút chì, bút gel, bút highlight
Hiện nay, các sản phẩm như bút chì, bút highlight, bút bi trên thị trường rất được các em nhỏ yêu thích do có vẻ ngoài đẹp mắt và ruột bút có nhiều mùi hương khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các mùi hương này đều được tạo ra từ nhiều hợp chất hóa học hay các nguyên liệu mùi tổng hợp như ethylbenzene và iso-octyl acetate. Chúng đều có độc tính ở mức độ trung bình. Tiếp xúc lâu dài với những mùi hương này có thể gây lại cho sức khỏe. Đồng thời, những cây bút có vỏ màu sắc sặc sỡ chứa hàm lượng chì cao, nếu trẻ có thói quen cắn bút hay mút ngón tay, rất dễ dẫn đến việc tiếp xúc chì quá mức gây nên ngộ độc chì.
4. Tẩy
Có một số cục tẩy được tạo hình thành các hình thù thú vị để thu hút trẻ như chuối, dứa, bánh ngọt... Chúng không chỉ có hình dáng giống thật mà còn có cả mùi thơm, càng khiến trẻ thích thú. Những cục tẩy có mùi thơm quá đậm có thể vượt quá tiêu chuẩn về formaldehyde, benzen, một số thì chứa hàm lượng chất làm mềm và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi vượt quá tiêu chuẩn và chúng có thể gây tổn hại cho chức năng gan và thận của trẻ em. Sử dụng lâu dài có thể gây đau đầu, mệt mỏi cho cơ thể, và trẻ em cắn hoặc nhai cục tẩy có khả năng bị ngộ độc mãn tính.
5. Bút xóa
Trẻ em thường sử dụng bút xóa để tẩy đi lỗi sai. Nhiều bút xóa khi mở ra có mùi hắc xộc lên vì chúng chứa toluene, xylene vượt quá tiêu chuẩn. Tiếp xúc và sử dụng sản phẩm chứa những chất này trong thời gian dài, sẽ khiến trẻ cảm thấy buồn nôn, chóng mặt hay gây hại cho gan và thận.
Cách chọn đồ dùng học tập hợp lý và an toàn cho con trẻ
Khi chọn đồ dùng học tập cho con trẻ, phụ huynh cần chú ý đến chất lượng và an toàn của sản phẩm. Dưới đây là một số gợi ý:
1. Chọn bìa sách không chứa chất độc hại: Tránh mua bìa sách làm từ nhựa có chứa formaldehyde và các chất làm mềm vượt quá tiêu chuẩn, vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
2. Sổ tay không dùng chất tăng trắng huỳnh quang: Chất tăng trắng có thể gây hại cho thị lực và sức khỏe của trẻ nếu hít phải, vì vậy nên chọn sổ tay có giấy tự nhiên, không quá trắng.
3. Tránh mua bút có mùi hương nhân tạo: Những mùi hương từ bút thường là do hóa chất tạo ra và có thể gây hại nếu tiếp xúc lâu dài.
4. Chọn bút có vỏ màu sắc tự nhiên: Bút có vỏ màu sắc sặc sỡ có thể chứa hàm lượng chì cao, đặc biệt nguy hiểm nếu trẻ có thói quen cắn bút hay mút ngón tay.
5. Tẩy không chứa chất độc hại: Chọn loại tẩy không chứa các phthalate và các chất độc hại khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
6. Đọc nhãn mác và chứng nhận: Kiểm tra nhãn mác sản phẩm để biết thành phần cũng như chứng nhận an toàn, như chứng nhận không chứa chất độc hại.
7. Mua sắm từ những nhà cung cấp uy tín: Mua sản phẩm từ những cửa hàng và nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
8. Tham khảo ý kiến của giáo viên: Giáo viên có thể có những gợi ý tốt về đồ dùng học tập phù hợp và an toàn cho học sinh.
Nhớ luôn giám sát việc sử dụng đồ dùng của trẻ và giáo dục chúng về cách sử dụng đúng cách để đảm bảo an toàn.
Nguồn: Sohu