Những lùm xùm ở trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) trong thời gian qua gây xôn xao dư luận. Ngôi trường này từng gây chú ý hồi cuối tháng 9 năm ngoái khi bị nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ, số khác làm đơn kiện lên toà án yêu cầu trả tiền và lãi suất.
Sự việc âm ỉ cho đến giữa tháng 3 năm nay, trường Quốc tế Mỹ Việt Nam phải tạm thời cho toàn thể học sinh nghỉ học do giáo viên đình công. Đến ngày 19 và 20/3, trước áp lực của dư luận và cơ quan chức năng, trường Quốc tế Mỹ đã thông báo đón học sinh trở lại nhưng nhiều giáo viên không đi dạy.
Thông tin từ đơn thư của phụ huynh gửi lên cơ quan chức năng cho biết, từ tháng 9/2023, thông tin nhà trường nợ lương và chậm trả lương giáo viên đã bắt đầu được chia sẻ đến phụ huynh, chất lượng tổ chức giảng dạy xuống cấp. Bà Út Em đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, và kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp thêm tiền để nhà trường trang trải các khoản chi lương và công khai, minh bạch thu chi, báo cáo tài chính, kế hoạch tái cấu trúc nhà trường để giải quyết tình trạng hoạt động bấp bênh gây ảnh hưởng việc học tập của hơn 1.400 học sinh.
Theo đó, phụ huynh đã chung tay hỗ trợ, đóng góp thêm tiền mặt để nhà trường chi trả một phần cho các hoạt động chung. Tuy nhiên, từ đó tới nay, bà Út Em tiếp tục bưng bít thông tin, không công khai minh bạch thu chi, nhiều lần thất hứa với những nội dung đã cam kết với phụ huynh.
"Hơn 90% phụ huynh chúng tôi đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở trường Quốc tế Mỹ dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư; tổng số tiền chúng tôi đã đóng vào hay nói cách khác là bà Út Em đã huy động đang nợ chúng tôi lên đến hơn 3.200 tỷ", thông tin từ đơn thư cho biết.
Có gì trong "hợp đồng đầu tư giáo dục"?
Có con theo học từ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam từ lớp 3 đến lớp 10 và đã chuyển trường từ năm 2023, anh H.L cũng là một trong những phụ huynh tham gia gói "đầu tư giáo dục" của trường. Bản thân anh L. thấy may mắn vì đã kịp thời cho con sang môi trường mới trước khi lùm xùm giáo viên đình công. Bởi điều này ảnh hưởng lớn đến việc học tập và tâm lý của con trẻ.
Theo anh L., cái gọi là đầu tư giáo dục thực ra là một khoản vay, phụ huynh cho nhà trường vay, không tính lãi suất trong suốt thời gian trường đào tạo học sinh.
Trong hợp đồng vay vốn được anh L. cung cấp, hai bên làm hợp đồng có công chứng viên. Hợp đồng ghi rõ: "Bên B cho bên A vay số tiền 2,620,800 VND. Bên B không tính lãi suất của khoản tiền vay trong suốt thời gian học sinh tham gia chương trình đào tạo chính khóa của bên B tại trường Quốc tế Mỹ". Về thời hạn, hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ ngày bên A nhận được toàn bộ số tiền cho đến khi học sinh chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa".
Hợp đồng cũng ghi rõ: Bên A sẽ hoàn trả số tiền vay cho bên B trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi học sinh học hết lớp 12 và hoàn tất thủ tục chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa bên A hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường Quốc tế Mỹ.
Các trường hợp ngưng học bao gồm: Học sinh chuyển trường; Học sinh không thể tiếp tục việc học vì lý do sức khỏe; Học sinh bị kỷ luật buộc phải thôi học hay các sự việc bất khả kháng khác.
Trường hợp bên A chậm trễ thanh toán số tiền cho bên B. thì ngoài số tiền gốc phải trả, bên A còn phải trả cho bên B khoản lãi chậm hoàn trả theo lãi suất huy động của Hội Sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tình trên số ngày thực tế chậm trả và số tiền chậm hoàn trả. Thời gian chậm hoàn trả (nếu có) tối đa 30 ngày.
Ngoài Hợp đồng vay vốn, hai bên còn có lời chứng của công chứng viên.
Gặp hơn 10 lần nhưng việc đòi nợ vẫn gần như bất lực
Anh L. cho biết, mình cho nhà trường vay 120 ngàn USD (khoảng 2,6 tỷ đồng, thời điểm năm 2015). Tuy nhiên, dù con anh đã chuyển trường đến nay 1 năm, nhưng gia đình anh vẫn chưa nhận lại số tiền nói trên.
"Khỏng đầu năm 2023, khi quyết định chuyển trường, gia đình tôi đã thông báo đầy đủ, trường cũng hoàn thành các thủ tục cho cháu dừng học, chuyển trường. Tuy nhiên, khi liên hệ với trường về vấn đề tất toán hợp đồng, chúng tôi chỉ nhận về những lời hứa hẹn suông, dai dẳng cho đến thời điểm hiện tại", anh L. cho biết.
Phụ huynh này chia sẻ, mình đã gặp Hiệu trưởng nhà trường là bà Nguyễn Thị Út Em hơn chục lần, cả ở nhà riêng và ở trường. Bà Út Em không trốn tránh trách nhiệm, tuy nhiên bà cũng nói thẳng là nhà trường hiện không có tiền.
"Lời hứa cuối cùng của bà Út Em với gia đình là sẽ thanh toán ít nhất 40 ngàn USD vào ngày 29/2/2024. Tuy nhiên, đến ngày hẹn và cả đến giờ phút này, cá nhân tôi vẫn chưa liên hệ lại được với bà Hiệu trưởng. Đến nhà được bảo đi vắng, gọi điện không nghe máy, nhắn tin không trả lời. Việc đòi nợ gần như bất lực, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình bởi gia đình vẫn đang trang trải chi phí học hành cho con ở một trường khác", anh L. kể.
Anh L. cho biết, trước gia đình anh, có một số phụ huynh đã cho con nghỉ học và được hoàn trả xong xuôi. Tuy nhiên đây chỉ là số ít, vì số lượng phụ huynh cho trường vay lên đến hàng trăm người. Riêng cuối năm 2023, khi anh L. đến trường làm thủ tục tất toán hợp đồng để chuyển trường cho con, có khoản 100 phụ huynh có con thuộc lứa học sinh tốt nghiệp và chuyển trường đi, tức đã đến thời hạn thu hồi lại khoản vay.
Theo anh L., giá trị hợp đồng vay sẽ tùy thuộc vào cấp học của học sinh, thời điểm nhập học và thỏa thuận giữa hai bên. Có những phụ huynh chỉ cho vay 40 ngàn USD (hầu như đã kết thúc gói vay từ trước do con đã tốt nghiệp). Có những người cho vay 60 ngàn USD, hay như bạn của anh L. cho vay 80 ngàn USD, 100 ngàn USD, và con số của những phụ huynh khác cũng có thể cao hơn nhiều.
"Theo tôi được biết, từ năm 2022 trở đi, việc hoàn trả khoản vay đã gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm năm ngoái, khi tôi làm việc với trường, đã có phụ huynh phải chờ đợi 2 năm vẫn chưa được hoàn trả. Hiện con số nợ của trường tôi cũng chỉ biết qua báo chí, còn phụ huynh có thể chất vấn nhưng cũng không có tư cách để can thiệp vào nội bộ để biết cụ thể vấn đề tài chính thu chi ra sao", anh L. nói.
Theo anh L. vụ việc hiện đã vượt quá phạm vi nhà trường, và mọi chuyện sẽ bế tắc nếu trông chờ nhà trường tự giải quyết. "Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì không ai biết được thực tế của trường ra sao và rất khó thay đổi tình trạng hiện tại", anh L. nhận định.
Anh L. cho biết, hiện nhiều phụ huynh đã làm đơn khởi kiện trường. Tuy nhiên, bản thân anh vẫn chưa muốn có những động thái về mặt pháp lý. "Mặc dù đã có những sự chuẩn bị về mặt pháp lý nhưng tôi vẫn muốn thử trao đổi, gặp gỡ trên tinh thần thiện chí để tìm ra cách giải quyết nhẹ nhàng nhất có thể. Bỏ qua những lùm xùm tài chính, cá nhân tôi vẫn đánh giá cao chất lượng giảng dạy của nhà trường và đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên trong quá trình con mình theo học", anh nói.
Liên quan đến vụ việc, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở tiếp thu ý kiến, thông tin của phụ huynh trường qua số điện thoại 028.38294016 và địa chỉ Email tiepcongdan@hcm.edu.vn. Hiện Sở GD-ĐT đã thành lập tổ chuyên trách xử lý đơn thư của trường Quốc tế Mỹ. Hằng ngày, Sở có bộ phận tổng hợp báo cáo tình hình học sinh, giáo viên của trường đến giám đốc trước 17h.
Trong trường hợp phụ huynh có nhu cầu chuyển trường, Sở GD-ĐT đã công khai danh sách cơ sở giáo dục, địa chỉ, mức học phí công lập và ngoài công lập để phụ huynh tiến hành các thủ tục chuyển trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không muốn cho con chuyển trường.