Phụ huynh bức xúc vì công sức học tập cả năm của con "đổ sông đổ bể vì 1 chữ duy nhất", giáo viên cũng phải vào cuộc lý giải

Hiểu Đan |

Bà mẹ này cho rằng con mình "đi học mà cũng gặp tam tai".

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa cuối năm học, sau buổi họp phụ huynh sẽ có hai "trường phái" rầm rộ trên mạng xã hội: Một bên hí hứng khoe giấy khen, điểm số, một bên bức xúc, tiếc nuối, vì thành tích con không như kì vọng.

Đặc biệt, từ khi có quy định xếp loại mới ở tiểu học, nhiều trường hợp trẻ học hành rất "ngon lành" nhưng vì "vướng" phải một chữ đánh giá "H" hay "Đ" mà mất luôn cả danh hiệu học sinh xuất sắc. Có người tặc lưỡi bỏ qua, cũng có người không cam lòng, nhất là chữ "H" đó lại rơi vào các môn "phụ".

Một bà mẹ mới đây cũng ấm ức đăng đàn than vãn vì con mình là học sinh lớp 1, bảng điểm 10 cả mỗi 1 môn phụ không đạt là "mất tất cả".

"Đi học mà cũng gặp tam tai. Cuối năm 2 môn chính 10 hết, gặp sao quả tạ môn Âm nhạc chữ H cái mất danh hiệu luôn. Mới lớp 1 có nhiều bé đọc chưa rành chính tả còn sai tè le mà môn âm nhạc yêu cầu phải hát đúng giai điệu đọc đúng cao độ. Chắc phải mướn gia sư dạy kèm còn không phải học thêm môn Âm nhạc mới đủ chuyên môn hát đúng giai điệu du dương lên xuống đi vào lòng người", người này nói.

Phụ huynh bức xúc vì công sức học tập cả năm của con "đổ sông đổ bể vì 1 chữ duy nhất", giáo viên cũng phải vào cuộc lý giải- Ảnh 1.

Bà mẹ ấm ức đăng đàn than vãn vì con mình là học sinh lớp 1, bảng điểm 10 cả mỗi 1 môn phụ không đạt là "mất tất cả".

Trong hình ảnh đính kèm có thể thấy, tất cả các môn của học sinh này đều được đánh giá T, tức là Hoàn thành tốt. Với môn Âm nhạc, em được nhắc nhở cần cố gắng hát đúng giai điệu bài hát và đọc đúng cao độ bài đọc nhạc, đồng thời đánh giá H - Hoàn thành.

Hiện nay, khi cấp Tiểu học đang áp dụng Thông tư 22 nên việc khen thưởng cuối năm có nhiều thay đổi. Ngoài việc các em học tốt các môn học của thầy, cô chủ nhiệm trên lớp thì trong kì thi cuối kì phải đạt từ 9 điểm trở lên. Các môn chuyên (Âm nhạc, Mĩ Thuật, Thể dục) phải được xếp loại “hoàn thành tốt”. Em nào ở mức “hoàn thành” thì không được khen thưởng.

Con cố gắng cả năm "xôi hỏng bỏng không", bà mẹ cảm thấy uất ức, không cam lòng.

Tranh cãi

Bên cạnh sự đồng tình, nhiều phụ huynh cho rằng, bà mẹ này quá nặng thành tích nên suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Trong trường hợp này, thay vì cảm thấy ấm ức vì con không có danh hiệu xuất sắc, nên cảm thấy mừng vì các môn quan trọng con đều học tốt. Có giấy khen thì mừng, không có thì năm sau cố gắng. Các bé không được nhà trường khen thưởng cũng sẽ có quà của ban phụ huynh. Con còn nhỏ cũng chưa biết tủi thân là gì, chỉ có cha mẹ lo giùm rồi về nặng nhẹ với con cái.

Trước ý kiến này, bà mẹ cho biết, nếu hai môn chính con đạt điểm thấp thì chị chấp nhận, nhưng với môn Âm nhạc lại bắt học sinh lớp 1 đọc đúng cao độ bài đọc nhạc là quá khắt khe. Chị cho biết, mình đã liên hệ với cô giáo chủ nhiệm, cô giáo cũng bày tỏ sự đáng tiếc nhưng không thể can thiệp hay giải thích.

Nói về vấn đề này, một giáo viên chia sẻ gây chú ý: "Cuối năm học, hoàn thiện học bạ, sổ sách bù đầu để chuẩn bị tạm biệt học sinh thân yêu. Chỉ thấy đâu đâu cũng là ảnh học bạ của học sinh nhưng không mang tính tích cực.

Với cương vị là giáo viên tiểu học tôi thấy phụ huynh đăng học bạ của con với nội dung: Cả năm học vất vả chỉ vì 1 môn Hoàn thành mà con không được khen thưởng thật buồn cười. Tất cả những suy nghĩ của phụ huynh đưa lên mạng làm chủ đề bàn tán sôi nổi, tranh luận người trong ngành còn phụ huynh thì không thấy mặt. Tôi đánh giá luôn những phụ huynh này đa số là không quan tâm đến tình hình học hằng ngày của con mà chỉ quan tâm đến thành tích.

Với giáo viên chúng tôi điểm số chỉ đi sau. Quá trình chúng tôi đánh giá, nhìn nhận con em phụ huynh mới đi trước . Đó là năng lực, ý thức học và cả sự chủ động trong việc học của con em phụ huynh tới đâu chứ đừng chăm chăm nhìn vào điểm số. Đây không phải điểm số của kì thi đại học nên mong phụ huynh nghĩ thông thoáng lên .

Nếu xứng đáng các cô đã khen. Còn con không được khen là do chưa xứng đáng. Vậy thôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại