Phủ "gạch" kín mít nhưng tăng của cả Nga lẫn Ukraine vẫn cháy đượm - Chuyên gia chỉ ra loạt điểm yếu!

Hoài Giang |

Trong bài viết được Topwar.ru đăng tải ít giờ trước, ông Eduard Perov đã chỉ ra các điểm yếu của ERA (Giáp phản ứng nổ) Contact-V.

Phủ "gạch" kín mít nhưng tăng Nga lẫn Ukraine vẫn đang cháy đượm

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Giáp phản ứng nổ (ERA) Contact-V được Liên Xô tuyên bố là phù hợp để đưa vào trang bị trên tăng thiết giáp.

Và sau hàng chục năm, những "viên gạch" này vẫn là biện pháp bảo vệ tối thiểu cho tăng thiết giáp trên chiến trường Ukraine - bao gồm cả việc bổ sung chúng cho những chiếc T-62 cũ của Nga hay Leopard 2 của đối thủ.

Nhưng một thực tế khác là những khí tài được trang bị Contact-V vẫn đang tiếp tục "cháy đượm" trên chính chiến trường này.

Và lý do đến từ 2 điểm yếu của chính ERA.

Đó là trong khi có khả năng chống lại đạn lõm chống tăng, Contact-V lại khá yếu trước đạn pháo xuyên giáp của xe tăng và khả năng bảo vệ của nó phụ thuộc hoàn toàn vào vị trí bị bắn trúng.

Phủ gạch kín mít nhưng tăng của cả Nga lẫn Ukraine vẫn cháy đượm - Chuyên gia chỉ ra loạt điểm yếu! - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard 2 của Ukraine với ERA Contact-V.

Chống đạn lõm tốt nhưng vô dụng trước đạn xuyên giáp?

Theo một nghĩa nào đó, ERA Contact-V thực sự có thể được gọi là một phương án đơn giản nhất để đảm bảo khả năng chống lại vũ khí chống tăng - ít nhất là so với ERA "Cactus" mà người Nga tính dùng để trang bị cho xe tăng T-80UM2 "Đại bàng đen" đã chết yểu.

Tuy nhiên, với định hướng thiết kế để chống lại đạn lõm, các khối ERA loại này không được coi là một sản phẩm quá phức tạp về mặt công nghệ.

Cấu trúc của các "viên gạch" này không có gì bí mật, đây là một hộp đựng bằng kim loại được đột giập cùng đáy và các tai để bắt ốc vào vỏ giáp tăng thiết giáp. Bên trong là 2 phần tử phẳng (EDZ) - các hộp thép bao bọc chất nổ được sắp xếp thành hình chữ V.

Nó sẽ phản ứng khi bị tác động bởi hiệu ứng nổ lõm, nhưng gần như "trơ trơ" khi bị va chạm bởi đạn xuyên giáp.

Phủ gạch kín mít nhưng tăng của cả Nga lẫn Ukraine vẫn cháy đượm - Chuyên gia chỉ ra loạt điểm yếu! - Ảnh 2.

Mặt cắt của ERA Contact-V cùng mặt cắt của tấm EDZ.

Nguyên tắc hoạt động của Contact-V không quá phức tạp, khi hiệu ứng nổ lõm xuyên qua các lớp thép của ERA, lớp thuốc nổ sẽ phát nổ gây tác động tiêu cực đến chính trái đạn lõm - xé toạc thứ rất yếu trước các tác động bên ngoài dẫn đến khả năng xuyên giáp giảm đáng kể.

Theo tính toán, ERA có thể tương đương với từ 400 đến 450 mm giáp thép cán đồng nhất (RHA) trước tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) và Súng chống tăng vác vai (RPG).

Nhưng vấn đề lại rất khác khi đạn xuyên giáp đánh trúng ERA. Nếu vụ nổ của đạn lõm để lại trên tăng thiết giáp được trang bị Contact-V những vết lõm nhỏ, thì trong trường hợp đạn xuyên giáp, chúng ta đang nói về những lỗ khoang sâu xuyên qua ERA và trên lớp vỏ giáp.

Vấn đề ở đây là gì?

Phủ gạch kín mít nhưng tăng của cả Nga lẫn Ukraine vẫn cháy đượm - Chuyên gia chỉ ra loạt điểm yếu! - Ảnh 3.

Sơ đồ bên trong ERA Contact-V.

Đó là lớp "vỏ hộp" dày 3 mm của Contact-V ngoài tác dụng bảo vệ các bộ phận bên trong khỏi những tác động từ bên ngoài còn đóng vai trò như một tấm bình phong, gây sự phát nổ của đạn lõm ở khoảng cách ngắn so với các tấm EDZ.

Về cơ bản, điều này đảm bảo rằng các tấm EDZ hoạt động trước đạn lõm có vận tốc thấp.

Tuy nhiên đạn pháo xe tăng Liên Xô cỡ nòng 125 mm có tốc độ lên tới 900 mét mỗi giây, ngoài ra chúng còn có thân thành rất dày để chịu được áp suất cao khi bắn.

Sự kết hợp tất cả các yếu tố này dẫn đến một kết quả là khả năng bảo vệ của Contact-V bị giảm đi phân nửa trước đạn xuyên giáp - tương đương 175 đến 270 mm RHA.

Phủ gạch kín mít nhưng tăng của cả Nga lẫn Ukraine vẫn cháy đượm - Chuyên gia chỉ ra loạt điểm yếu! - Ảnh 4.

MBT T-62MV với ERA Contact-V của Nga.

Vị trí bị bắn trúng

Một yếu tố quan trọng khác cản trở hoạt động hiệu quả của ERA được gọi là hiệu ứng biên (rìa) được nhà khoa học Liên Xô D. A. Rototaev miêu tả vào những năm 1980.

Để hiểu bản chất hiện tượng này, trước hết cần lưu ý rằng ERA chỉ hoạt động hiệu quả nhất nếu một viên đạn chạm vào một góc nhất định.

Đó là lý do tại sao ở phần trước của tháp pháo xe tăng, ERA được lắp theo hình "nêm" hoặc "xương cá", trong khi ở phần thân, chúng được đặt theo các góc nghiêng tương ứng với vỏ giáp.

Như chúng ta đã biết, 2 tấm EDZ tên trong khối Contact-V được đặt hình chữ V và nếu một viên đạn bắn trúng 1 trong 2 tấm, sẽ có những khác biệt.

Nếu đạn bắn trúng ở góc 60 độ trở lên so với phương thẳng đứng (khu vực được đánh dấu trong hình minh họa bằng ngôi sao màu đỏ) thì chỉ có 1 EDZ tiếp xúc và phát nổ còn tấm còn lại không hoạt động.

Nếu chúng ta nói về việc đạn đi vào khu vực được đánh dấu bằng ngôi sao màu xanh thì chỉ một khu vực hạn chế của các tấm EDZ sẽ tương tác với đạn.

Dĩ nhiên xác suất một trái đạn bắn trúng các cạnh của ERA không phải là 100% cũng như việc lắp đặt chính xác các khối ERA khiến các phần tử nổ bằng cách này hay cách khác sẽ bao phủ các khu vực yếu hơn.

Nhưng trường hợp xe tăng dù đã được phủ ERA kín mít nhưng chúng không hoạt động và vẫn bị tên lửa hoặc đạn pháo xuyên thủng không phải là quá hiếm.

Phủ gạch kín mít nhưng tăng của cả Nga lẫn Ukraine vẫn cháy đượm - Chuyên gia chỉ ra loạt điểm yếu! - Ảnh 5.

Hình minh họa về các "điểm yếu" của ERA Contact-V.

Có nghĩa là những "viên gạch" quý giá không phải là thuốc chữa bách bệnh trước mọi mối đe dọa trên chiến trường.

Tuy nhiên việc "đắp" ERA cho xe tăng cũ như T-55 hay T-62 vẫn tăng từ 2 đến 4 lần khả năng chống chịu đạn lõm và vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta không cho phép Contact-V được nghỉ hưu.

Đúng, Contact-V không phải là biện pháp bảo vệ lý tưởng nhưng người lính tăng thiết giáp hiện đại sẽ không thể yên tâm nếu không có nó - một hợp đồng bảo hiểm tối thiểu - dành cho họ trên chiến trường.

Phủ gạch kín mít nhưng tăng của cả Nga lẫn Ukraine vẫn cháy đượm - Chuyên gia chỉ ra loạt điểm yếu! - Ảnh 6.

Một chiếc T-72B3 được bổ sung phần mái bằng ERA Contact-V để chống lại FPV Drone (Drone góc nhìn thứ nhất mang chất nổ hoặc đạn lõm).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại