Thứ sắp thống lĩnh tuyến đầu ở Ukraine?
Trực thăng vũ trang đã thể hiện hết vẻ huy hoàng của chúng ở Ukraine. Các cảnh quay "Cá sấu" Ka-52 diệt lớp lớp tăng thiết giáp đối phương từ khoảng cách an toàn là bằng chứng không thể phủ nhận.
Ở chiều ngược lại, rõ ràng trong các cuộc phản công đã, đang và sẽ diễn ra người Ukraine đã không có đủ loại khí tài này.
Mặc dù nhiều nhà phân tích sẽ tiếp tục có những đánh giá tích cực về vai trò của trực thăng vũ trang trong các cuộc xung đột, nhưng không thể không nhắc đến những điểm yếu của chúng.
Bất kỳ loại máy bay cánh quạt nào cũng là một mục tiêu tuyệt vời trên chiến trường - bao gồm cả bởi tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) và vũ khí bộ binh khác.
Người Ukraine đã cố hết sức để tăng cường khả năng chống lại trực thăng vũ trang Nga và đây là lý do tại sao các phi công đang phải chấp nhận rủi ro cao cũng như làm việc ở tư thế "vô lê" ( volley, ý nói trực thăng vừa liệng vừa bắn).
Điển hình là việc họ đang thực hiện các chuyến xuất kích ở độ cao cực thấp, ngay cả ở khu vực hậu phương của Nga.
Một chiếc Ka-52 của Nga bị mất phần đuôi do trúng MANPADS.
Việc chuyển ít nhất một phần "gánh nặng" của các trực thăng vũ trang có người lái sang các nền tảng không người lái đã được yêu cầu từ lâu và lý tưởng nhất là phải xảy ra ngay cả trước tháng 2/2022.
Nhưng chúng ta (người Nga) chỉ có thể bằng lòng với những gì mình có - và hiện là tin tức về việc đưa máy bay không người lái (UAV) MDP-01 "Termit" (Con mối) vào sản xuất từ đầu tháng 11.
Không thể đánh giá thấp sự xuất hiện của UAV kiểu trực thăng này ở Ukraine. Đầu tiên, "Con mối" có thể được sử dụng ở những khu vực được cho là "vùng cấm" với máy bay có người lái.
"Termit" sẽ mang theo 3 rocket có điều khiển S-8L, được cho là thiết kế dành riêng cho nó.
Rocket được bổ dung đầu dò laser - nghĩa là chúng cần được chỉ thị mục tiêu từ bên ngoài thông qua thiết bị trên chính UAV hoặc từ nơi khác, ví dụ như từ UAV trinh sát Orion gần đó hoặc thậm chí là các nhóm trinh sát.
Nhiều chuyên gia đã phàn nàn về một nhược điểm của "Con mối" đó là nó khá lớn và khá ồn ào. Tuy nhiên không giống như các loại UAV khác, UAV dạng trực thăng có thể tận dụng địa hình để ẩn nấp.
Tuy nhiên vẫn cần phải làm rõ thêm một số đặc điểm của "Con mối".
Một số nguồn tin cho rằng nó có thể mang theo tải trọng 350 hoặc thậm chí 450 kg. Nếu điều này là đúng thì rõ ràng nhà sản xuất sẽ không giới hạn vũ khí ở 3 trái S-8L - mỗi rocket nặng không quá 15 kg.
Có thể nói con số từ 350 đến 450 là tổng trọng lượng cất cánh của chiếc trực thăng không người lái. Lý do là vì "Con mối" được phát triển từ 2 UAV trực thăng dân sự SmartHELI-350/450, những thứ có thể chở theo không quá 45 kg hàng hóa.
Về tốc độ, theo những gì được công bố thì "Con mối" có thể đạt tới tối đa 150 km/h, khá đủ cho một UAV nhỏ gọn dài 5 mét và cao 2,3 mét. Thời gian bay là khoảng 6 giờ và tầm hoạt động là từ 300 đến 400 km.
"Trái tim" có thể đến từ Trung Quốc?
Chúng ta cũng có thêm 1 thông số tham khảo về "Con mối" đến từ SmartHELI-450 dân sự về bình nhiên liệu 140 lít.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng danh mục sản phẩm dân sự của nhà sản xuất bao gồm một chiếc lớn hơn là SmartHELI-550 với thời gian bay là 7,5 giờ do có động cơ mạnh hơn và bình nhiên liệu lớn hơn.
Nhân tiện, cần nói chi tiết hơn về động cơ. Vào năm 2021, CEO (Tổng Giám đốc) Công ty Hệ thống Hỗ trợ Hàng không (ABC) ông Alexander Kurnikov đã cho biết tỉ lệ nội địa hóa trong các UAV trực thăng đã đạt 90%.
Và 10% hàng nhập khẩu bao gồm động cơ hoặc có thể là linh kiện để chế tạo chúng. Hai năm trước, Nga không sản xuất động cơ chuyên dụng cho những chiếc UAV như vậy và vì vậy - như Kurnikov đã nói - cần phải "sử dụng những thứ hiện có trên thị trường".
Loại động cơ nào hiện đang nằm trong "Con mối"? Có thể suy đoán rằng các kỹ sư Nga đã chế tạo được động cơ của riêng họ, nhưng việc "mượn" thứ đó từ Trung Quốc hoặc một quốc gia thân thiện khác có vẻ đáng tin hơn nhiều.
Điều đáng nói là mặc dù trên đây chỉ là suy đoán của tôi nhưng việc thông tin về động cơ của "Con mối" không được công bố rộng rãi cũng nói lên nhiều điều.
Tiên phong?
Chiếc SmartHELI-450 dân sự là nguyên mẫu để tạo ra "Con mối", và mặc dù chỉ mang được từ 45 đến 50 kg vũ khí, nó có thể chiếm một vị trí quan trọng ở mặt trận.
Ngoài S-8L, nó cũng có thể mang tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) ví dụ như Kornet nặng 29 kg.
"Con mối" có thể làm được những việc rất khác ở tuyến đầu - ví dụ như việc nó âm thầm bay tới và nằm chờ sẵn ở một điểm bí mật rộng 10 m2 - trước khi một "vị khách" quan trọng nào đó đến chiến tuyến đối phương.
Vào đúng thời điểm, nó sẽ cất cánh bay lên không trung, tấn công mục tiêu và về nhà.
Điều này khá thực tế vì các phi công Nga đang điều khiển FPV Drone (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất mang chất nổ) theo cách tương tự - đặt chúng ở chế độ "ngủ" rất gần các chiến hào đối phương.
Cách làm này cho phép bạn tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian cho các cuộc phục kích.
"Con mối" cũng có thể trở thành một khí tài cài mìn từ xa. Mìn chống tăng TM-57 nặng 9 kg, tức là UAV có thể mang tối đa 5 trái mìn như vậy. Rõ ràng sự kết hợp giữa UAV và mìn chống tăng có thể gây ra cho đối phương nhiều bất ngờ khó chịu.
Nhưng vai trò chính của Termit lúc này là khai hỏa rocket có đầu đạn phân mảnh nổ mạnh ở cự ly lên tới 6 km.
Trước việc UAV sẽ không thể chiếu laser vào mục tiêu ở khoảng cách xa như vậy nếu không bay lên độ vài trăm mét và tiếp xúc với MANPADS của đối phương, các nhà phát triển đã trang bị cho cỗ máy trí tuệ nhân tạo (AI).
Phi công chỉ cần "khóa" mục tiêu và AI sẽ tự thực hiện phần còn lại - chọn thời điểm phóng thuận tiện nhất và tấn công kẻ thù với khả năng tiêu diệt cao.
Có thể nói sự xuất hiện của "Mối" trong kho vũ khí của Quân đội Nga là một diễn biến rất tích cực. Máy bay không người lái sẽ trở thành "người tiên phong" của một dòng UAV trực thăng có khả năng trút hàng trăm kg vũ khí vào đối phương.
Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho Ka-52 và Mi-28 mà rất có thể còn thay thế chúng.