Hàn Hi Tái dạ yến đồ
Cầm kỳ thi hoạ là bốn môn nghệ thuật cổ xưa, trong đó thư pháp và hội họa luôn được giới văn học coi trọng. Có không ít những bức tranh nổi tiếng được lưu truyền và giữ gìn cho đến ngày nay như "Thanh minh thượng hà đồ" hay "Đường cung sĩ nữ đồ". Trong đó không thể không kể đến bức tranh có tên là Hàn Hi Tái dạ yến đồ.
Hàn Hi Tái dạ yến đồ (nghĩa là "bữa tiệc đêm của Hàn Hi Tái") là một bức tranh sinh hoạt khổ rộng do họa sĩ Cố Hoành Trung sáng tác vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, vẽ lại cảnh sinh hoạt của vị quan Hàn Hi Tái.
Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Cố Hoành Trung, nó được coi là tư liệu quý giá về cuộc sống của giới thượng lưu Trung Quốc vào thế kỷ 10. Một bản sao của bức tranh được thực hiện vào thế kỷ 12 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh.
Những phân cảnh trong bức tranh cổ. Hình ảnh: Baijiahao
Tác phẩm "Hàn Hi Tái dạ yến đồ" lấy bình phong làm ranh giới, chia bức tranh ra làm 5 tình tiết câu chuyện, tức nghe nhạc, xem múa, nghỉ ngơi, thổi sáo, tiễn biệt.
Kết cấu toàn bộ bức tranh có căng, chùng, thưa, dày có trật tự. Nhân vật khắc họa tinh tế, xuất thần, cổ phác, khí độ, đồng thời thông qua vẽ tỉ mỉ chân dung Hàn Hi Tái, đã biểu đạt thành công trạng thái tâm lý Hàn Hi Tái năm đó.
5 cảnh của bức tranh "Hàn Hi Tái dạ yến đồ" vừa là 5 bức độc lập, vừa là một bức tranh cuốn liên quan đến nhau. Bất kể về tạo hình, nét bút, sắc màu, đều hiển thị ra kỹ thuật nghệ thuật hội hoa cao siêu và công lực thâm hậu của tác giả.
Những phân cảnh trong bức tranh. Hình ảnh: Baijiahao
Tuy nhiên, nếu phóng to 5 lần bức tranh này, người xem sẽ thấy sự bất thường trên chính gương mặt nhân vật Hàn Hi Tái. Trong bữa tiệc say sưa với nhạc và mỹ nữ này, Hàn Hi Tái cũng thể hiện sự nhiệt tình với khách mời, nhưng nét mặt của ông lại không thể che giấu được nội tâm hoảng loạn và tức giận.
Bởi vì Hàn Hi Tái lúc này đang ở trong tình thế nguy hiểm, nếu không cẩn thận có thể mất mạng!
Nỗi lòng của bậc trung thần
Thì ra Hàn Hi Tái sinh ra ở phương bắc trong một gia đình danh tướng. Trong thời kỳ loạn lạc, Hàn Hi Tái chứng kiến cảnh đau khổ của nhân dân nên từ nhỏ đã có hoài bão lớn lao cứu giúp thiên hạ.
Vào thời Minh Tông cuối nhà Đường, Hàn Hi Tái đã đến Giang Nam để tìm kiếm cơ hội thực hiện khát vọng. Ban đầu ông đến nước Ngô và trình lên Ngô Duệ Đế Dương Phổ bản tấu, nhưng không gây được sự chú ý.
Một chi tiết trong bức tranh cổ. Hình ảnh: Baijiahao
Sau đó, Lý Biện xưng đế và thành lập nhà Nam Đường, Hàn Hi Tái được trọng dụng giữ chức Bí Thư Lang. Sau này Lý Cảnh kế vị, Hàn Hi Tái lại càng được đánh giá cao.
Ông cảm thấy rằng mình đã gặp được minh quân, vì vậy đã dốc tâm tận tụy làm hết sức mình để trả ơn vua đặc biệt là diệt trừ tham quan và các tệ nạn trong triều. Cũng chính vì vậy, Hàn Hi Tái nhận phải không ít sự công kích của những người có thế lực trong triều.
Sau đó Lý Dục lên ngôi. Trước tình hình quốc gia ngày càng sa sút, Lý Dục đắm chìm trong tửu sắc. Hàn Hi Tái nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng đều bị bỏ ngoài tai. Kẻ thủ ác đã kích động vua làm gia tăng sự nghi ngờ của Lý Dục đối với Hàn Hi Tái.
Sự nguội lạnh của triều đình khiến Hàn Hi Tái không còn muốn một lòng tận tuỵ. Vì thế, để bảo vệ bản thân và xoá bỏ sự nghi ngờ của Hoàng đế, Hàn Hi Tái bắt đầu giả vờ say mê ca hát và tiệc rượu.
Sau khi Lý Dục biết chuyện, thì không hoàn toàn tin rằng vị quan này lại suy đồi như vậy, nên đã cử một vị quan ở viện hội họa đến nhà của Hàn Hi Tái do thám sự thật.
Vì vậy, Hàn Hi Tái đã tổ chức yến tiệc linh đình. Sau khi vị quan ở viện hội họa trở về, ông đã vẽ cảnh mà ông đã thấy ở Hàn phủ và tặng nó cho Lý Dục.
Lý Dục thấy Hán phủ đầy tơ lụa và dàn nhạc ca kỹ, mọi người thì đều say sưa ca hát nên cũng không còn nghi ngờ Hàn Hi Tái nữa. Tuy nhiên, dù Hàn Hi Tái đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng trái tim dành cho quốc gia của ông đã chết. Từ trong ánh mắt của ông, hậu thế có thể thấy được sự cô đơn và bất lực.