Phóng to 5 lần bức tranh 200 tuổi, dân mạng Hàn Quốc đỏ mặt: Người xưa phóng khoáng quá!

Ngọc Dung |

Mức độ táo bạo của các nhân vật trong bức tranh đã khiến hậu thế không khỏi bất ngờ.

Bức họa "Khê biên giai thoại"

Shin Yun-bok (1758-1813), hiệu Huệ Viên, là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất vào giai đoạn cuối triều đại Joseon của Hàn Quốc. Bằng thủ pháp chân thực và nhiều chi tiết châm biếm, ông đã phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội bấy giờ thông qua những bức họa của mình.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Huệ Viên truyền thần thiếp" - tập tranh được công nhận là quốc bảo số 135 của Hàn Quốc. Tập tranh gồm 30 bức tranh phong tục, thể hiện một cách sinh động những cuộc ăn chơi hưởng thụ và xuân tình giữa nam và nữ của người đương thời.

"Khê biên giai thoại" (tạm dịch: "Câu chuyện đẹp bên dòng suối") là một bức tranh tiêu biểu thuộc tập tranh nói trên. Nó khắc họa cảnh ba phụ nữ đang tụ tập bên dòng suối vào một ngày hè nóng nực để giặt giũ và tắm gội.

Chưa hết, ở bên kia con suối còn có sự xuất hiện của một nam nhân tay cầm cung tên, đầu đội mũ gat truyền thống, có vẻ là một học sĩ. Người này dường như tình cờ đi ngang qua và đang ngoái đầu nhìn ba người phụ nữ.

Phóng to 5 lần bức tranh 200 tuổi, dân mạng Hàn Quốc đỏ mặt: Người xưa phóng khoáng quá! - Ảnh 2.

Bức tranh "Khê biên giai thoại" được vẽ vào đầu thế kỷ 19, có kích thước 28.2cm×35.6cm. Ảnh: daVinci Map

Thoạt nhìn sẽ thấy bức tranh không có điều gì đáng lưu tâm. Nhưng khi phóng to bức tranh 5 lần, hậu thế đã ngượng ngùng phát hiện ra nhiều điểm cho thấy người xưa quá bạo dạn. Vậy đó là những chi tiết gì?

Chi tiết phóng khoáng

Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy người phụ nữ lớn tuổi đang đứng không mặc áo và đang trong trạng thái bán khỏa thân. Còn cô gái trẻ đang ngồi tết tóc thì lại mặc chiếc áo jeogori (một phần của bộ trang phục hanbok) quá ngắn, để lộ phần ngực.

Lý giải cho điều này, chuyên gia cho biết khu vực giặt giũ bên các dòng sông, con suối vốn là chốn riêng tư của cánh nữ giới thời Joseon. Vì vậy việc họ để lộ phần thân trên ở một nơi dành riêng cho phái nữ không có gì vượt quá thuần phong mỹ tục cả.

Về chiếc áo jeogori ngắn để lộ cả ngực của cô gái trẻ, có nhiều cách giải thích liên quan đến cách ăn vận này.

Nhiều chuyên gia cho biết, áo jeogori của phụ nữ bắt đầu ngắn đi vào cuối triều đại Joseon và đến thế kỷ 19 thì chỉ còn dài khoảng 20cm - không còn đủ để che phần ngực nữa. Đây là một mốt thời trang bắt nguồn từ các giseong (kỹ sinh) - những cô gái được đào tạo chuyên sâu về biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích mua vui cho nam giới.

Cách giải thích khác cho rằng, để lộ ngực qua chiếc jeogori ngắn là cách những người phụ nữ Joseon khoe với mọi người mình đã sinh được con trai. Họ để lộ ngực cũng nhằm dễ dàng cho con bú hơn. Ngoài ra, nữ giới thuộc các gia đình nghèo được cho là mặc như vậy để tiết kiệm vải.

Phóng to 5 lần bức tranh 200 tuổi, dân mạng Hàn Quốc đỏ mặt: Người xưa phóng khoáng quá! - Ảnh 4.

Hiện vật chiếc áo jeogori màu trắng với chiều dài khiêm tốn. Ảnh: Encykorea

Nhìn chung, dù chưa rõ lý do thực sự của cách ăn mặc này nhưng không thể phủ nhận nó có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, chỉ có phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu trở xuống mới mặc áo jeogori ngắn, các phu nhân nhà quý tộc vẫn sử dụng jeogori dài.

Một nhân vật khác trong bức tranh cũng có hành vi táo bạo không kém, đó chính là vị học sĩ trẻ đứng bên bờ suối đối diện. Người này đã xâm nhập vào không gian giặt giũ riêng tư của nữ giới và không ngần ngại nhìn ngắm khi họ đang để lộ da thịt.

Trước ánh mắt nhìn chằm chằm của chàng thư sinh, cô gái trẻ đang ngồi thắt tóc đỏ mặt ngại ngùng. Người đàn bà đang đứng thì lại khó chịu ra mặt, điều này cho thấy đây là hành động rất khó có thể chấp nhận. Như thường lệ, nhân vật nữ lớn tuổi trong các bức tranh của Shin Yun-bok lại được ông giao cho vai trò thể hiện quan điểm của thời đại.

Phóng to 5 lần bức tranh 200 tuổi, dân mạng Hàn Quốc đỏ mặt: Người xưa phóng khoáng quá! - Ảnh 6.

Vị học sĩ trẻ ngoảnh đầu nhìn ba người phụ nữ đang tắm gội và giặt giũ. Ảnh: daVinci Map

Với bức tranh này, Shin Yun-bok được đánh giá là đã xuất sắc miêu tả các mối quan hệ lãng mạn và trạng thái tâm lý nhân vật một cách tinh tế. Danh họa phản ánh chân thực lối sinh hoạt đương thời mà không hề thay đổi hay bóp méo hiện thực, nhờ đó tranh của ông đã trở thành nguồn tư liệu quý báu cho quá trình nghiên cứu mỹ thuật lẫn lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại