Trong buổi họp sau hiện tượng “đầu vào sư phạm giảm sút” của kỳ thi tuyển sinh năm 2017 diễn ra sáng nay 17/8 tại Văn phòng Chính phủ, các ý kiến đều nhìn nhận nguyên nhân sâu xa khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn xuất phát từ thực trạng đầu ra của nghề nghiệp không đảm bảo, chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa thỏa đáng và công tác đào tạo sư phạm còn nhiều bất cập.
Buổi họp diễn ra sáng 17/8. Ảnh: Đình Nam
Mở đầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói ông “muốn nghe thống nhất lại những gì đã thống nhất”, vì thực ra vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, củng cố hệ thống đào tạo sư phạm đã được bàn bạc nhiều.
Cụ thể, sau hơn một năm thảo luận, Chính phủ đã có Quyết định số 732 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” với những con số, định hướng chi tiết.
Phó Thủ tướng lưu ý ngành giáo dục trong thời gian tới tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhà giáo hiện hành.
Bên cạnh đó, cần đào tạo chuyển nghề; chẳng hạn như hướng tới các ngành đang có nhu cầu nhân lực như du lịch hay công nghệ thông tin để “gỡ” cho số giáo viên học sư phạm nhưng đang khó khăn khi tìm việc làm.
“Lúc ký quyết định 732, tinh thần của Chính phủ là chỉ tuyển mới để đào tạo rất ít ở những trường trọng điểm; còn lại lại tập trung cho bồi dưỡng đội ngũ” - ông Đam nhắc nhở.
Trình bày tại buổi họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Bộ GD-ĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là trọng tâm của ngành và đã có giải pháp cụ thể.
Phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Theo ông Nhạ, những lý do khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn là “đầu ra” khó khăn đã tác động mạnh tới “đầu vào”; chế độ đãi ngộ dù đã được quan tâm nhưng chưa phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp...
Nói riêng về đào tạo sư phạm, có hiện tượng trường nhận mã ngành sư phạm nhưng quá trình đào tạo chưa đảm bảo, thiếu sát hạch đầu ra.
Ông Nhạ cũng nói thêm chiều ngày 16/8, Bộ và các trường đã có cuộc họp cùng nhau thẳng thắn nhìn nhận vấn đề toàn diện.
Những giải pháp mạnh đã được đưa ra như: cắt mạnh chỉ tiêu, quy hoạch trường yếu thành vệ tinh, thậm chí đóng cửa ngành đào tạo yếu.
Thay vì tuyển mới và đào tạo, các trường sẽ phải đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ hiện hành, tức là vẫn có kinh phí để "sống" nhưng không chỉ "sống bằng tuyển sinh".
"Đây không chỉ trách nhiệm mà cơ hội cho trường tồn tại" - ông Nhạ nói.
Về chuyện tuyển dụng và sử dụng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết sẽ giải quyết một cách căn cơ chứ không chỉ là việc sửa đổi từng thông tư.
Cụ thể, Bộ sẽ cùng Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát những bất cập trong quá trình tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Về hiện tượng số lượng giáo sinh tốt nghiệp nhiều năm đang thất nghiệp hoặc “xếp hàng chờ biên chế”, Bộ sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và những ngành liên quan nhu cầu cần lao động như công nghệ thông tin hay du lịch, có chương trình như chuyển thông qua bổ túc tín chỉ.
Phát biểu của ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề: Khi bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên hiện hành, phải tạo được nếp nghĩ “luôn luôn phải đổi mới” bởi hiện nay khái niệm “biên chế suốt đời” không còn thích hợp.
“Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực trạng là chất lượng giáo viên nói chung, một bộ phận rất tốt, nhưng một bộ phận có năng lực chậm cập nhật, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi đổi mới.”
Ông Đam cũng đề cập tới trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc của các địa phương cần mạnh mẽ hơn nữa.
Việc phân bổ nhân lực giáo viên “có tính địa phương, hầu hết các giáo viên ở tỉnh nào phần lớn về dạy ở tỉnh đó”. Bởi vậy, nếu không chú ý đến chất lượng các trường đào tạo sư phạm địa phương thì sẽ ảnh lâu dài đến giáo dục ở đó.
Ông Đam nói rằng phải nhìn vào thực tế là chưa đánh giá được thật sát nhu cầu nhân lực trong ngành sư phạm nên có hiện tượng thừa, thiếu cục bộ.
Từ đó, Bộ GD-ĐT đánh giá sát sao nhu cầu giáo viên của từng cấp học, từng môn học; phải khảo sát lại số giáo viên nào có thể chuyển đổi được để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi.
“Cuối cùng, tôi đề nghị các trường sư phạm phải ngồi cùng Bộ. Chúng ta cứ nói phương án “đặt hàng đào tạo”, nhưng mấy năm nay rồi chưa có đặt hàng nào cả. Khi đổi mới quản trị đại học cũng có đặt hàng, giao nhiệm vụ”.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết thúc buổi họp:
VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật nội dung buổi họp. Mời các bạn đón xem.