Phó Thủ tướng: 'Dự án bị đội vốn thì người quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm'

Tuệ Minh |

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, dự án bị đội vốn thì người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm và Chính phủ sẽ thắt chặt kỷ cương về ngân sách.

Vấn đề nợ công được bàn thảo nhiều

Trước Quốc hội ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Chính phủ dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỉ đồng, bao gồm cả 260 nghìn tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ, trong đó ngân sách Trung ương là 1,12 triệu tỉ đồng, đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu đầu tư.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay, 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nợ công đã sát trần nên áp lực trả nợ rất lớn, trong khi chính sách tiền tệ chật hẹp. Chính vì thế huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt và phải huy động từ trong dân và các thành phần kinh tế.

Phó Thủ tướng nói: "Đầu tư công 2 triệu tỷ đồng Chính phủ đã công bố và Quốc hội đang thảo luận. Trong đó, Trung ương 1,2 triệu tỷ đồng còn lại địa phương 880 nghìn tỷ. Đấy mới là đầu tư công thôi".

Trước câu hỏi của báo giới về việc trong đề án tái cơ cấu lần trước Chính phủ không đưa ra con số cụ thể như lần này nhưng lần này lại định lượng được, ông Huệ cho hay:

"Tất cả định lượng lần này cũng là dự báo định hướng hết. Mình định hướng được là vì mình có làm theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách là có làm kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, kết hoạch đầu tư công trung hạn. Từ đó có điều kiện để cân đối được tổng thể hơn, chứ trước đây làm theo từng năm".

Về tình trạng các dự án đầu tư công hay bị đội vốn so với dự toán ban đầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Sau khi có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì Nhà nước kể cả Trung ương, địa phương chỉ chịu trách nhiệm về phần vốn đã được duyệt.

Còn ai làm đội vốn thì người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm. Chính phủ kỷ luật, thắt chặt tài chính ngân sách nên lần này phải làm rất kỹ lưỡng, kỷ cương về ngân sách".

Phó Thủ tướng: Dự án bị đội vốn thì người quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án bị đội vốn (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ngoài ra, trước ý kiến Chính phủ đề xuất nới trần nợ công để có dư địa mới cho đầu tư phát triển, theo ông Vương Đình Huệ, vấn đề nới hay không nới trần nợ công đã được bàn thảo khá nhiều theo nguyên lý chung nhà đang nghèo, đất nước đang khó khăn chưa có của ăn của để phải đi vay để phát triển.

"Nhiều người cũng nói rằng tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% mà mình lại cứ chốt 65%. Cái này Chính phủ tính toán kỹ, đúng trần nợ công quan trọng nhưng không phải là tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng.

Trên thế giới, nghĩa vụ của ngân sách nhà nước trên thu ngân sách là 25% là rất khó khăn. Thực tế, năm 2015 thì mình là 27%, kể cả phần trực tiếp chi trả nợ, phần vay để đảo nợ vì năm 2016 -2017 là cực đỉnh của nợ. Vì vậy, nếu mai nới trần lên thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều.

Do đó, để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công là không vượt quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia là không quá 55% cho đến tận năm 2020. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội như thế", ông Huệ nói thêm.

"Bội chi như năm nay Chính phủ đã đưa xuống mức rất thấp là 3,5%"

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc tái cơ cấu đầu tư công thì phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Muốn như thế thì ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất là mồi và phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống.

Muốn như thế, phải làm bài bản khoa học. 5 năm chốt như thế rồi, từng năm thì phải siết chặt kỷ luật tài khóa.

Thứ hai coi tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương, cố gắng tăng thu để tăng chi mà chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại cho đời sau; vay nợ là phải trong khả năng trả nợ chứ dứt khoát không nới trần nợ công dâu.

Bên hành lang Quốc hội, câu hỏi về việc khắc phục tình trạng "chi thì theo kịch bản tăng trưởng nhưng dự báo kịch bản tăng trưởng hiện dưới mức kế hoạch đặt ra thì trần nợ công sẽ tăng lên" cũng đã được báo giới đặt ra với ông Vương Đình Huệ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thực tế, bội chi như năm nay Chính phủ đã đưa xuống mức rất thấp là 3,5%.

Chính phủ quyết tâm kiểm soát tổng bội chi tuyệt đối theo đúng số Quốc hội quyết định, tức là không vượt... Sẽ có thêm nguyên tắc bổ sung là nếu như các địa phương giảm thu thì phải điều chỉnh các khoản chi.

Trong thời gian tới đây phải phấn đấu để tăng thu ngân sách kể cả thu nội địa và thu thuế quan. Trong thu thuế quan thì phải siết chặt cách tính thuế.

Còn thu nội địa thì mở rộng cơ sở thuế bằng cách nâng dần tỷ trọng kinh tế phi chính thức đưa lên thành chính thức, các hộ kinh doanh cố gắng khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, tăng cường thêm chế độ chứng từ, hóa đơn ngoài quốc doanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại