Phong trào vẽ đường phố (graffiti) đã du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay và cũng kể từ đó nhiều bức tường, khoảng trống ở mọi ngõ ngách, phố phường Hà Nội bị vẽ lên những hình ảnh rất ngẫu hứng.
Không chỉ bức tường của nhà dân mà các di tích lịch sử, công trình công cộng hay cả nhà vệ sinh cũng bị bôi bẩn bởi hình thức vẽ graffiti biến tướng này. Trong hình là bức tường bằng đá của Cung hữu nghị Việt - Xô bị vẽ bẩn.
Ngôi "nhà ma" số 300 nổi tiếng nằm trên đường Kim Mã thuộc quyền quản lý của Đại sứ quán Bulgaria cũng bị vẽ chằng chịt nhiều hình vô nghĩa.
Một nhà vệ sinh công cộng vừa mới đi vào hoạt động cũng không thoát khỏi cảnh bị vẽ bậy.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có nhiều đoạn bị vẽ graffiti. Ngay cả đoàn tàu nằm trên nhà ga cũng bị nhóm người lạ phá hoại theo phong cách này.
"Vẽ graffiti thường là những bạn trẻ thực hiện. Mỗi hình vẽ thể hiện cái tôi của tác giả, sau các bức hình thường là một thông điệp gì đó hoặc có thể chỉ là chữ ký", chị Nguyễn Bích Liên (thuộc nhóm đang vẽ graffiti tại Khu tập thể phụ nữ Trung ương) nhận định.
Tấm bạt lớn che ở khu vực tòa nhà của báo Hà Nội Mới nằm ngay cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm cũng bị vẽ chằng chịt.
Mọi ngóc ngách ở Hà Nội đều dễ dàng thấy những hình ảnh này.
100% trụ điện trên địa bàn Hà Nội bị vẽ bậy bằng phong cách graffiti hoặc quảng cáo của các đơn vị khoan cắt bê tông.
Ngay cả cửa kính của một công ty trên đường Lý Thái Tổ cũng trong tình trạng tương tự.
"Cũng tầm này năm ngoái, nhà tôi tu sửa, thay toàn bộ hệ thống cửa mới. Vậy mà chỉ sau một đêm dậy đã thấy cửa cuốn bị như thế này. Lúc đó tôi rất tức giận nhưng không làm được gì vì không biết ai là thủ phạm", chị Xuân chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mành (Hà Nội) cho biết.